Hết "miếng nạc", các ông lớn bán "miếng xương" thế nào?

Các tập đoàn, tổng công ty (TĐ, TCT) nhà nước đang trầy trật thoái vốn đầu tư ngoài ngành, để kịp về đích đúng hạn trước năm 2015, nếu không muốn bị… tuýt còi.

EVN đã bán 25,2 triệu cổ phiếu ABBank, hiện còn nắm giữ 76,856 triệu cổ phiếu (16,02%)
EVN đã bán 25,2 triệu cổ phiếu ABBank, hiện còn nắm giữ 76,856 triệu cổ phiếu (16,02%)

 

“Miếng nạc” bán trước

 

Nếu như trước năm 2013, kết quả thoái vốn đầu tư ngoài ngành của các TĐ, TCT gần như là con số 0, thì kết thúc năm 2013, tình hình đã khác.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

 

“Đến thời điểm này, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã đi được khoảng 2/3 chặng đường thoái vốn đầu tư ngoài ngành, khi đã hoàn tất thoái vốn tại: Tổng CTCP Bảo hiểm SHB-Vinacomin, CTCP Phát triển đường cao tốc BIDV, CTCP Cảng hàng không quốc tế Long Thành, CTCP Bảo hiểm Hàng không…”, ông Nguyễn Văn Biên, Phó tổng giám đốc TKV nói và khẳng định, các thương vụ thoái vốn đều đảm bảo nguyên tắc bảo toàn vốn.

 

Một số thương vụ có lãi, nhưng không phải do chênh lệch giá bán, mà trong nhiều năm qua, TKV nhận được cổ tức từ các khoản vốn đầu tư.

 

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa công bố bán được 25,2 triệu cổ phiếu tại Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) cho CTCP Xuất nhập khẩu tổng hợp Hà Nội.

 

Trong thương vụ này, EVN bảo toàn được vốn khi bán được với giá bằng mệnh giá, thu về 252 tỷ đồng. Tuy nhiên, EVN vẫn còn nắm tới 76.856.018 cổ phiếu ABBank, tương đương tỷ lệ sở hữu 16,02%.

 

Đại diện Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết, sau khi được Chính phủ cho phép bán toàn bộ hơn 11% vốn tại CTCK KIS Việt Nam, với giá bằng mệnh giá cho cổ đông lớn nước ngoài tại CTCK KIS Việt Nam là Công ty Đầu tư chứng khoán Hàn Quốc (KIS), Vinatex đang hoàn tất những khâu cuối cùng để kết thúc thương vụ thoái vốn.

 

Như vậy, về cơ bản, Vinatex hoàn tất thoái vốn đầu tư ngoài ngành, qua đó đẩy nhanh quá trình xác định giá trị DN, để dự kiến chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) trong quý I/2014.

 

Tìm hiểu của ĐTCK cho thấy, các thương vụ thoái vốn thành công đến thời điểm này, đa phần là những “miếng nạc” dễ bán, bởi so với tiềm năng phát triển của DN, thì mức giá bán bằng mệnh giá là khá hấp dẫn với những NĐT đã gắn bó từ lâu và nắm rõ giá trị DN.

 

Nói cách khác, với những khoản vốn đầu tư ngoài ngành mà có đối tác đồng ý mua bằng mệnh giá, có nghĩa là bảo toàn được vốn, các “ông lớn” đang ưu tiên bán sớm. Với những khoản đầu tư có nguy cơ bán lỗ, họ đang đợi cơ chế, để không đối mặt với rủi ro bị truy trách nhiệm làm mất vốn nhà nước…

 

“Khúc xương” chờ cơ chế

 

Tuy đã thoái xong phần lớn các khoản đầu tư ngoài ngành, nhưng ông Biên cho biết, đến thời điểm này, giá trị các khoản đầu tư ngoài ngành của TKV còn khoảng 400 tỷ đồng. Phần lớn giá trị của khoản đầu tư này đang nằm tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB), phần còn lại tại CTCK Sài Gòn - Hà Nội (SHS), CTCP Đầu tư phát triển khu kinh tế Hải Hà và một quỹ đầu tư chứng khoán. Trong số các khoản đầu tư ngoài ngành mà TKV đang trầy trật thoái vốn, khoản đầu tư vào CTCP Đầu tư phát triển khu kinh tế Hải Hà, DN do Tập đoàn Vinashin chủ trì góp vốn, là khoản “xương” nhất, bởi đối mặt với nguy cơ mất vốn.

 

Với EVN, việc bán được 25,2 triệu cổ phiếu ABBank chưa giúp giải tỏa được gánh nặng thoái vốn tại ngân hàng này, bởi lượng cổ phiếu chuyển nhượng thành công chỉ chiếm 25% tổng lượng cổ phiếu đang nắm giữ tại ABBank. Với lượng cổ phiếu còn lại lên tới 76.856.018 cổ phiếu ABBank, EVN cũng đang đau đầu tìm đối tác nhận chuyển nhượng.

 

Trong năm 2013, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đặt mục tiêu hoàn tất thoái vốn tại CTCK Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VIG). Tuy nhiên, Vinachem đã thất bại khi thoái toàn bộ 2,1 triệu cổ phiếu, tương đương 6,13% vốn tại VIG, do thị giá cổ phiếu giảm dưới mệnh giá quá sâu. Đến nay, Vinachem vẫn chưa tiết lộ kế hoạch tái thoái vốn tại VIG.

 

Trong khi các khoản đầu tư ngoài ngành khá… ngon ăn, đã được các TĐ, TCT thoái xong, thì nhiều khoản dù rất muốn bán, nhưng đang bế tắc do lỗ, thậm chí lỗ lớn.

 

Để giải tỏa nút thắt này, tại Hội nghị của Chính phủ với các địa phương bàn giải pháp phát triển kinh tế năm 2014, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho biết, Chính phủ đang chỉ đạo các bộ, ngành nghiên cứu bổ sung cơ chế mới là: đối với các khoản đầu tư ngoài ngành đang lỗ và càng kéo dài quá trình thoái vốn càng lỗ, làm mất vốn lớn, thì cho phép bán dưới giá trị đầu tư ban đầu để thu hồi vốn.

 

Dự thảo Nghị quyết về vấn đề này đang được khẩn trương hoàn thiện, để trình Chính phủ xem xét ban hành trong quý I/2014.

 

Theo Hữu Đạo

ĐTCK
 

VTV được giao vốn như doanh nghiệp Nhà nước