Hệ thống ngân hàng Mỹ đã “khỏe” hơn

(Dân trí) - Khi ngân hàng Mỹ có thể hút được nhiều vốn từ thị trường tư nhân, điều này cho thấy lòng tin đang trở lại thị trường và tín dụng không còn thắt chặt như trước.

Hệ thống ngân hàng Mỹ đã “khỏe” hơn - 1
Kinh tế Mỹ được dự báo đang hồi phục (ảnh minh họa).
 
Kế hoạch 1.000 tỷ USD cứu ngành ngân hàng và nhận định về thất bại từ ban đầu

Chương trình đầu tư kết hợp giữa chính phủ và tư nhân sử dụng từ 75 tỷ USD cho đến 100 tỷ USD từ Quỹ giải trừ tài sản xấu (TARP) được thông qua vào tháng 10/2008. Chính phủ mua khoảng 500 tỷ USD mua tài sản xấu, số tiền dành cho kế hoạch có thể tăng gấp đôi theo thời gian.

Bộ Tài chính Mỹ, Cục dự trữ Liên bang Mỹ và Tập đoàn bảo hiểm tiền gửi Mỹ (FDIC) cung cấp vốn cho những nhà đầu tư tư nhân để họ mua lại các khoản nợ xấu và chứng khoán tại các ngân hàng.

Một nửa quỹ của Bộ Tài Chính đi vào chương trình Legacy Loans Program chịu sự giám sát của Tập đoàn bảo hiểm tiền gửi. Bộ Tài Chính cung cấp một nửa số tiền để mua lại các khoản vay từ phía ngân hàng. Các nhà quản lý quỹ tư nhân mua phần còn lại. Tập đoàn bảo hiểm tiền gửi Mỹ đảm bảo nguồn cấp vốn cho nhà đầu tư.

Ông Dick Bove, chuyên gia phân tích tại Rochdale Securities, trong thư gửi cho khách hàng của công ty nhận định các ngân hàng không mặn mà với chương trình bởi khi làm như vậy sẽ khiến khả năng thua lỗ của họ lớn hơn.

Việc tham gia vào chương trình cũng đặt họ vào rủi ro không vượt qua được cuộc thanh tra về tiềm lực vốn mà các nhà điều tiết thị trường tiến hành với các tổ chức tài chính lớn.

Một lý do khác cản trở các ngân hàng không tham gia vào chương trình là họ lo ngại chính phủ Mỹ sẽ áp dụng thuế cao đối với thưởng giống như đã từng áp dụng với AIG.

Kế hoạch thất bại nhưng lại cho thấy điểm sáng về tình hình ngành ngân hàng Mỹ

Khi Bộ trưởng Tài chính Mỹ công bố chi tiết kế hoạch cứu ngân hàng Mỹ (kế hoạch mua tài sản độc hại với sự kết hợp giữa nhà nước và tư nhân) khoảng 2 tháng trước đây, thị trường hết sức hào hứng, cả nước Mỹ thở phào, Bộ trưởng Tài chính Mỹ trở thành anh hùng chỉ sau một đêm.

Nay kế hoạch đang gặp khó khăn, một phần trong đó không thể triển khai và một số phần khác “chết yểu”. Thế nhưng điều này có lợi cho ông Geithner.

Kế hoạch lẽ ra đang được thực hiện, một số nhà đầu tư cá nhân xếp hàng nhận tiền từ kênh cho vay của chính phủ để mua tài sản độc hại từ các ngân hàng, vì thế bảng cân đối kế toán các ngân hàng sẽ được dọn sạch và họ có điều kiện đẩy mạnh hoạt động cho vay trên khắp nước Mỹ.

Thế nhưng các ngân hàng Mỹ, với quan điểm cho rằng thị trường đang định giá quá thấp tài sản của họ, chưa bao giờ hào hứng với việc bán số tài sản đó.

Đợt thanh tra của chính phủ có mục tiêu buộc các ngân hàng nghe theo chính phủ. Bằng việc chính thức tuyên bố mỗi ngân hàng lớn cần thêm bao nhiêu vốn, chính phủ hy vọng các ngân hàng sẽ phải bán số tài sản độc hại trên vào chương trình đầu tư kết hợp giữa nhà nước và tư nhân trên.

Thay vào đó, các ngân hàng tiến ra thị trường tư nhân và tăng vốn, tổng số vốn tăng thêm lên tới 65 tỷ USD chỉ trong vài tuần. Ngày 2/6, Bank of America cho biết họ tăng vốn thêm 33 tỷ USD, theo yêu cầu, số tiền họ cần là 33,9 tỷ USD. JP Morgan cũng công bố kế hoạch phát hành cổ phiếu.

Động lực khiến các ngân hàng làm như trên là thoát khỏi “vòng cương tỏa” của chính phủ - Quốc hội đã đưa ra hạn chế lương thưởng bộ phận điều hành và nhiều quyền lợi khác mà các ngân hàng có thể được hưởng.

Ông Scott Talbott của Financial Services Roundtable, nhận xét đó chính là một phần lý do các ngân hàng trốn tránh tham gia vào chương trình đầu tư kết hợp nhà nước và tư nhân của chính phủ.

Mọi chuyện đã tệ đến nỗi Tập đoàn bảo hiểm tiền gửi (FDIC) đang cân nhắc kế hoạch thay thế cho kế hoạch của ông Geithner đưa ra vào cuối tháng 3/2009.

Một quan chức cao cấp của Bộ Tài chính Mỹ cho biết chương trình giải quyết số chứng khoán độc hại đang nhận được phản hồi tốt từ các bên. Quan chức này cho biết dù sẽ có một vài ngân hàng không muốn tham gia, Bộ Tài chính không cần bận tâm.

Tại sao như vậy? Khi một số chương trình không hoạt động hiệu quả trong tháng 2/2009, thị trường sụp đổ. Thế nhưng quan chức Bộ Tài chính và thị trường hiện nay tin rằng tình trạng của các ngân hàng không còn tồi tệ như trước đây.

Khi họ có thể hút được nhiều vốn từ thị trường tư nhân, điều này cho thấy lòng tin đang trở lại thị trường và tín dụng không còn thắt chặt như trước.

Quan chức Bộ Tài chính phát biểu: “Thành công của chúng tôi là hệ thống đang trở nên tốt hơn, khỏe hơn, việc họ có tham gia vào chương trình của chúng tôi hay không chẳng có ý nghĩa mấy.”

Ai cũng muốn tin rằng thực tế các ngân hàng đang khỏe hơn, điều đó tất nhiên rất tốt. Thế nhưng nếu thực tế không phải vậy, các tài sản độc hại một lần nữa sẽ trở thành một mối họa đối với niềm tin của thị trường. Chính phủ rồi sẽ lại phải cố gắng tìm ra cách buộc các ngân hàng “xả” số tài sản đó ra.

Ngọc Diệp (theo Time, CNN)