1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Hệ thống cảng biển: “Phân bổ nguồn lực sai nên chưa tận dụng được lợi thế”

(Dân trí) - “Làm sao để tập trung được lợi thế mà lâu nay Việt Nam có để phát triển cảng biển nhưng phân bổ nguồn lực sai nên chưa tận dụng được”, PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện Kinh tế Việt Nam, Thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng nhận định tại buổi Tọa đàm “Kinh tế vùng trọng điểm nhìn từ hệ thống cảng biển” vào chiều nay (29/5).

Theo đó, tại buổi tọa đàm, ông Thiên cùng nhiều chuyên gia khác đều đồng tình rằng, Việt Nam có lợi thế đặc biệt về mặt địa lý để phát triển kinh tế biển.

Hệ thống cảng biển: “Phân bổ nguồn lực sai nên chưa tận dụng được lợi thế” - 1

PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện Kinh tế Việt Nam, Thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng. (Ảnh: Duy Thông)

“Việt Nam có mặt tiền hướng ra bờ biển dài, hẹp và độ dốc lớn với nhiều cửa sông có thể làm cảng biển. Đó là lợi thế lớn, nhưng thực tế chúng ta phải tận dụng tốt hơn nữa những lợi thế này. Nhiều cảng biển để làm gì mới là câu hỏi cần trả lời”, ông Thiên nói.

Việc có những cảng biển theo nghĩa tự nhiên mặc dù là tiền đề quan trọng để phát triển kinh tế nhưng Việt Nam phải làm gì để khai thác, tận dụng những lợi thế đó. Rõ ràng, nếu không có các yếu tố khác đi kèm để khai thác các tiềm năng tự nhiên sẵn có, thì chắc chắn chúng ta vẫn sẽ nghèo về kinh tế biển.

“Chúng ta phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, tiềm năng tự nhiên sẵn có là rất lớn nhưng câu hỏi đặt ra là làm sao để tập trung được lợi thế mà lâu nay Việt Nam có để phát triển cảng biển nhưng phân bổ nguồn lực sai nên chưa tận dụng được”, ông Thiên đặt câu hỏi.

Hệ thống cảng biển: “Phân bổ nguồn lực sai nên chưa tận dụng được lợi thế” - 2

Tọa đàm “Kinh tế vùng trọng điểm nhìn từ hệ thống cảng biển” vào chiều nay (29/5).

Về vùng kinh tế trọng điểm, ông Thiên nhận định, Việt Nam có các vùng kinh tế trọng điểm có những đặc điểm khác nhau nên việc tận dụng các cảng biển đó để phát triển kinh tế như thế nào cũng là một vấn đề lớn.

“Tôi có thể ví dụ Cảng TP. HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu thì sự hậu thuẫn về công nghiệp phát triển mạnh thì việc phát triển kinh tế sẽ rất thuận lợi là lẽ đương nhiên. Nhưng đối với khu vực miền Trung thì công nghiệp kém hơn, do đó sự phát triển kinh tế cảng biển cũng bị hạn chế. Hoặc vùng Tây Nam Bộ lúa gạo nhiều, khả năng xuất nhập khẩu nông sản lớn và chúng ta phải tận dụng hết những lợi thế này để phát triển”, ông Thiên nói.

Bên cạnh đó, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, dù tình hình kinh tế chúng ta rất mở, phát triển vừa qua là dựa vào xuất khẩu nên đương nhiên là chúng ta xuất nhiều, xuất nhiều thì cần phải có cảng biển. Nhưng vấn đề quan trọng của chúng ta hiện nay đó là chi phí logistic, trong đó tắc nghẽn từ cảng biển rất cao.

Hệ thống cảng biển: “Phân bổ nguồn lực sai nên chưa tận dụng được lợi thế” - 3

Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương. (Ảnh: Duy Thông)

Ngoài ra, ông Thiên cho biết, cảng của Việt Nam phần lớn mới chỉ là cảng chở hàng, vì hiện tại công nghiệp của chúng ta vẫn còn thô sơ, do vậy lợi ích kinh tế vẫn thấp. Ngoài chức năng của riêng các vùng kinh tế trọng điểm, Việt Nam cần khai thác tối đa các chức năng cảng công nghiệp, cảng hàng hoá, cảng du lịch gắn với đặc điểm của từng vùng kinh tế trọng điểm một cách đồng bộ.

Thực tế, các cảng du lịch của Việt Nam còn bị lu mờ. Do đó, trong tầm nhìn chiến lược cấp quốc gia cần đề cao việc phát triển các cảng biển du lịch nhằm phát huy hết công năng của các cảng này.

Ngoài ra, đối với các vùng kinh tế trọng điểm thì mỗi nơi có một đặc điểm riêng. Do đó, cần có tầm nhìn chính xác và xây dựng hướng phát triển dựa trên đặc điểm riêng của từng vùng. Nếu chỉ xây dựng chiến lược chung chung thì rất khó phát triển.

Hồng Vân