Hệ lụy của chọn nhà thầu Trung Quốc giá rẻ
Hiện nay, Trung Quốc đang là nhà thầu nước ngoài lớn nhất Việt Nam. Tuy nhiên, điều đáng nói là nhiều công trình lớn do nhà thầu Trung Quốc thi công có tiến độ ì ạch, gặp rất nhiều trục trặc khi đi vào vận hành.
Trung Quốc đã và đang thắng thầu hàng loạt dự án EPC (thiết kế - cung ứng vật tư thiết bị - xây lắp). Theo ông Tạ Văn Hường, Vụ trưởng Vụ Năng lượng, Bộ Công thương, ước tính số dự án mà nhà thầu Trung Quốc đang làm tổng thầu EPC hoặc giữ vai trò chính trong liên doanh trúng thầu lên đến khoảng 80% dự án nhiệt điện than đã ký kết hợp đồng trong Tổng sơ đồ điện 6 (tổng cộng có gần 40 dự án trong tổng sơ đồ điện này, kể cả những dự án đang đàm phán).
Điều đáng nói là nhiều công trình lớn do nhà thầu Trung Quốc thi công có tiến độ ì ạch, gặp rất nhiều trục trặc khi đi vào vận hành.
Giá rẻ là thắng
Theo ông Tạ Văn Hường, hệ thống thiết bị quản lý điều khiển, công nghệ cao của Trung Quốc thua kém các nước G7, nhưng điều quan trọng là giá thầu rẻ hơn các nhà thầu thuộc các nước G7. Đó là ưu thế giúp các nhà thầu Trung Quốc trúng thầu rất nhiều trong thời gian qua.
"Có dự án giá của nhà thầu Trung Quốc rẻ chỉ bằng nửa các nhà thầu khác, trong khi Luật Đấu thầu hiện không phân biệt nguồn gốc xuất xứ của thiết bị, hiển nhiên phải chọn loại giá rẻ hơn. Bởi thế, các nhà thầu Trung Quốc vượt qua được ngưỡng cho phép tham gia là họ thắng thầu", ông Hường cho biết.
Mức giá rẻ vượt trội mà nhà thầu Trung Quốc đề xuất cũng là một trong các yếu tố để Chính phủ cho phép mở rộng dự án Duyên Hải, Vĩnh Tân (nhà thầu Tập đoàn điện khí Đông Phương dù thi công dự án Hải Phòng 1 chậm tiến độ hơn 20 tháng nhưng vẫn trúng thầu dự án Duyên Hải 1 và được phép tham gia thầu thêm dự án Duyên Hải 3).
Theo quy định của Luật Đấu thầu hiện hành, khi lập hồ sơ mời thầu phải đưa ra yêu cầu tối thiểu điểm kỹ thuật (trên 70%), với gói thầu kỹ thuật cao đòi hỏi điểm trên 80% rồi mới xét đến tiêu chí tài chính. Theo các chuyên gia về đấu thầu, ở vòng sơ tuyển này, các nhà thầu dù kém về chuyên môn, kinh nghiệm đều dễ dàng vượt qua nếu thuê tư vấn giỏi hoặc liên danh với các nhà thầu có đủ năng lực kinh nghiệm.
Nói như ông Nguyễn Văn Thụ, Chủ tịch Hiệp hội Cơ khí, Luật Đấu thầu chỉ căn cứ chủ yếu vào giá rẻ, nếu vậy thì không ai cạnh tranh được với nhà thầu Trung Quốc. Điều này dẫn đến một thực tế, nhiều dự án nhà thầu EU, Nhật Bản nghe đến Trung Quốc đã "sợ", không tham gia đấu thầu.
Ông Ngô Ngọc Quy, Phó cục trưởng Cục Đấu thầu (Bộ KH-ĐT) cho biết, rất nhiều dự án điện lớn phải sử dụng vốn vay thương mại của Trung Quốc, vì vậy việc buộc phải chọn nhà thầu nước này là đương nhiên.
Theo ông Tạ Văn Hường, có những dự án trong hồ sơ mời thầu quy định ai trúng thầu phải dàn xếp vốn cho dự án, và nhiều dự án điện phải sử dụng phần lớn tín dụng của Trung Quốc (mới đây nhất là dự án nhiệt điện Vĩnh Tân 2 vừa khởi công với 85% vốn vay từ Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc và vốn ODA của Trung Quốc). Nhà thầu các nước G7 cũng dàn xếp được vốn, nhưng giá thầu quá cao nên chủ đầu tư không chọn.
Những hệ lụy
Ngày 3/8, tại Nhà máy nhiệt điện Hải Phòng (nhà thầu TQ làm tổng thầu EPC) xảy ra vụ nổ hóa chất làm 2 công nhân thiệt mạng, 4 người bị thương.
Hai dự án nhiệt điện Quảng Ninh 1 (Tập đoàn điện khí Thượng Hải làm tổng thầu), nhiệt điện Hải Phòng 1 (Tập đoàn điện khí Đông Phương làm tổng thầu) vừa qua đã vận hành thiếu ổn định, bị cháy lò, hỏng hóc thiết bị.
Theo chủ đầu tư dự án Hải Phòng 1 là Công ty CP nhiệt điện Hải Phòng, Tổ máy 1 phát điện từ tháng 9/2009 nhưng chỉ sau một tháng hoạt động đã gặp sự cố hư hỏng bộ quá nhiệt (nhà thầu buộc phải thay thế 90 ống quá nhiệt và hệ thống điện) và các sự cố khác như xì hơi đường ống, trục trặc hệ thống tuần hoàn nước…
Ông Thụ cho rằng, khiếm khuyết ở chỗ chúng ta chưa có hàng rào kỹ thuật để kiểm tra công nghệ, thiết bị của nhà thầu Trung Quốc. Nhà thầu chính Trung Quốc sau khi thắng thầu đa phần đều giao cho nhà thầu nhỏ hơn nên chất lượng từng gói thầu đến đâu chưa dễ khẳng định.
Một hệ lụy khác là khi các nhà thầu Trung Quốc thắng thầu, không chỉ doanh nghiệp sản xuất thiết bị trong nước không có cơ hội làm thầu phụ, mà ngay cả những lao động phổ thông cũng không chen chân nổi khi mỗi nhà thầu Trung Quốc đều "cõng" theo một số lượng nhân công, kể cả lao động phổ thông rất lớn.
Trong khi Quyết định 87 (ngày 19/5/2004) của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế Quản lý hoạt động của nhà thầu nước ngoài trong lĩnh vực xây dựng quy định: tổng thầu nước ngoài chỉ được đưa vào Việt Nam những chuyên gia quản lý kinh tế kỹ thuật và lao động tay nghề cao mà Việt Nam không đáp ứng được.
Đại diện cho tiếng nói của các doanh nghiệp cơ khí, thiết bị trong nước, ông Nguyễn Văn Thụ chia sẻ, doanh nghiệp trong nước rơi vào cảnh mất hết việc do nhà thầu Trung Quốc thắng thầu ồ ạt.
Với nhà thầu các nước G7 trước đây, nhà thầu phụ Việt Nam có thể thực hiện tới 30% khối lượng triển khai gói thầu EPC nhờ được giao chế tạo số lượng lớn kết cấu thép hay các thiết bị phi tiêu chuẩn. Nhưng khi nhà thầu Trung Quốc thắng thầu, họ mang sang Việt Nam từ người lao động đến cái bu-lông, ốc vít, thiết bị nào không nhập từng phần được thì họ lắp ráp nguyên chiếc rồi mang sang.
"Điều tôi thấy khó hiểu nhất là Quyết định 87 đã rõ, nhưng nhiều chủ đầu tư mặc nhiên coi việc nhà thầu Trung Quốc mang lao động phổ thông sang như chuyện đã rồi", ông Thụ băn khoăn.
Trong một cuộc họp đầu tháng 8 tại Bộ Công thương, bà Trần Thị Hà, Phó tổng giám đốc Tập đoàn dầu khí Việt Nam thẳng thắn nói: Nhìn cách nhà thầu Trung Quốc mang theo cả thiết bị vệ sinh công nghiệp, cả lao động dọn dẹp sang dự án Nhà máy đạm Cà Mau là đủ thấy, chủ đầu tư được giá rẻ nhưng xã hội lại thiệt hại nhiều. Tuy nhiên, không phải chủ đầu tư nào cũng nhìn ra được điều này.
Theo ông Hường, điều này có thể hạn chế nếu chủ đầu tư ngay trong hồ sơ mời thầu tách bạch rõ phần việc nào phải dành cho nhà thầu trong nước.
Xem xét lại cơ chế đấu thầu ưu ái giá rẻ hiện nay là điều mà nhiều nhà thầu kiến nghị. "Trong đấu thầu cần dựng lên những hàng rào khắt khe hơn để đảm bảo chất lượng dự án, chẳng hạn hồ sơ mời thầu chỉ rõ chất lượng thiết bị chỉ chấp nhận của G7 hoặc phải được kiểm chứng trên thế giới, thì ít nhà thầu Trung Quốc có thể đáp ứng được", ông Hường nói.
Theo Mai Hà
Báo Thanh Niên
Báo Thanh Niên