Hé lộ về số lượng cuộc gọi, email phản ánh bị ngân hàng "ép" mua bảo hiểm
(Dân trí) - Lãnh đạo Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) tiết lộ về số cuộc gọi, email phản ánh bị "ép" mua bảo hiểm sau hơn 1 tháng mở đường dây nóng.
Bộ Tài chính mới đây thông cáo về tình hình quản lý thị trường tài chính và dịch vụ tài chính.
Về thị trường bảo hiểm, Bộ cho hay, thị trường bảo hiểm duy trì được tốc độ tăng trưởng tích cực trong 3 tháng đầu năm. Cụ thể, tổng doanh thu phí bảo hiểm ước đạt 54.186 tỷ đồng, tăng 11,2% so với cùng kỳ năm 2022. Tổng tài sản ước đạt 729.096 tỷ đồng, tăng 21,3% so với cùng kỳ năm 2022. Đầu tư trở lại nền kinh tế ước đạt 596.163 tỷ đồng, tăng 20,9% so với cùng kỳ năm 2022.
Thông tin về đường dây nóng nhận phản ánh liên quan đến việc ngân hàng "ép" khách mua bảo hiểm gần đây, Cục phó Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm Doãn Thanh Tuấn cho biết đến hết tháng 3, Bộ Tài chính tiếp nhận được 178 cuộc điện thoại và 218 email của công dân về vấn đề này. Việc xử lý thông tin kiến nghị phản ánh được Cục này thực hiện theo quy định chung của Nhà nước. Bộ Tài chính công bố đường dây nóng, email nhận phản ánh vào ngày 21/2.
Cục cử cán bộ trực tiếp tiếp nhận thông tin, phân loại thông tin phản ánh sau đó xác minh nội dung thông tin, chuyển tới cơ quan quản lý. "Với những thông tin người dân phản ánh mang tính chất tố cáo và có căn cứ thì chúng tôi sẽ hướng dẫn họ chuyển thành đơn tố cáo theo đúng quy định, gửi cơ quan có thẩm quyền", ông Tuấn nói.
Liên quan tới trái phiếu, trong quý đầu năm, khối lượng trái phiếu doanh nghiệp đã phát hành được 24.708 tỷ đồng. Một điểm đáng lưu ý là khối lượng trái phiếu doanh nghiệp quý I tăng cao sau khi Nghị định 08 có hiệu lực (6/3).
Cụ thể, khối lượng phát hành kể từ ngày 6/3 là 23.825 tỷ đồng, tương đương 96% khối lượng. Lãi suất bình quân là 7,75%/năm và kỳ hạn phát hành bình quân là 2,37 năm.
Về cơ cấu, 98,2% khối lượng phát hành thuộc lĩnh vực bất động sản. Khách hàng chủ yếu là nhà đầu tư tổ chức, chiếm 99,99%. Trong đó, các ngân hàng chiếm 77%.
Đáng chú ý, về tình hình thanh toán nợ trái phiếu và tái cơ cấu, Bộ Tài chính cho biết trong quý I có 69 doanh nghiệp phát hành chậm thanh toán gốc, lãi trái phiếu doanh nghiệp với tổng giá trị chậm thanh toán khoảng 19.200 tỷ đồng.
23 tổ chức phát hành có phương án đàm phán với nhà đầu tư và báo cáo cho HNX với khối lượng khoảng 9.600 tỷ đồng, chiếm 50% khối lượng chậm thanh toán.