(Dân trí) - Gọi là "đắt nhất hành tinh" bởi Mỹ là điểm đến xa nhất, chi phí lớn nhất và khai thác trong hoàn cảnh đặc biệt nhất... Một chuyến bay từ Việt Nam tới bên kia bán cầu có giá lên đến 12 tỷ đồng.
Trong cuộc trò chuyện với Dân trí, ông Lê Hồng Hà - Tổng Giám đốc Vietnam Airlines - lần đầu tiên chia sẻ về những chuyến bay ngược dòng vượt "bão" Covid-19 đặc biệt và chuyện hậu trường chưa từng được công bố.
Những chuyến bay được gọi là "đắt nhất hành tinh" bởi Mỹ là điểm đến xa nhất, chi phí lớn nhất và khai thác trong hoàn cảnh đặc biệt nhất... Một chuyến bay từ Việt Nam tới bên kia bán cầu có giá lên đến 12 tỷ đồng.
- Có thể nói, bức tranh toàn cảnh về ngành hàng không nổi lên những gam màu trầm và xám. Bằng chứng là đường bay quốc tế "đóng băng", thị trường nội địa trồi sụt theo từng làn sóng dịch, hàng trăm tàu bay phải nằm đất… "Sức khỏe" nội tại của Vietnam Airlines lúc này có đủ khả năng chống chịu với đại dịch đang diễn biến phức tạp?
Tình hình ngành hàng không hiện nay đúng như câu hỏi mà chị vừa nêu ra. Gần 2 năm qua, dịch bệnh Covid-19 đã gây những thiệt hại vô cùng nặng nề, ngành hàng không Việt Nam nói riêng và hàng không thế giới nói chung rơi vào tình trạng tồi tệ nhất trong lịch sử.
Đặc thù của hàng không là dừng khai thác bay thì vẫn phải duy trì hoạt động với khoản chi phí cố định rất lớn như thuê tàu bay, phí bảo dưỡng, phí bãi đỗ... Điều này làm chúng tôi và các hãng gặp khó khăn trong việc đảm bảo dòng tiền và khả năng thanh toán. Đặc biệt, là hãng hàng không quốc gia, chúng tôi có quy mô đội tàu bay lớn nhất trong các hãng nội địa nên mức độ thiệt hại cũng nặng hơn rất nhiều.
Với tình hình sản xuất kinh doanh khó khăn, chúng tôi buộc phải điều chỉnh mạnh nguồn nhân lực, cắt giảm mạnh quỹ lương của cán bộ nhân viên. Hãng có tổng số hơn 20.000 cán bộ, người lao động thì gần một nửa đã phải tạm rời xa vị trí việc làm hoặc giảm thời gian làm việc. Số lao động còn lại đi làm với mức lương tối thiểu, cấp cán bộ quản lý có giai đoạn đi làm không lương.
Do sản lượng hành khách sụt giảm, chúng tôi đã chuyển hướng bay chuyên chở hàng hóa nhằm tăng năng lực vận chuyển và có thêm nguồn thu để bù đắp thiệt hại do dịch Covid-19. Nếu như thời điểm dịch chưa bùng phát, doanh thu vận tải hàng hóa của hãng chỉ chiếm 10% tổng doanh thu, thì thời gian qua việc bay chở hàng đã mang về nguồn doanh thu chủ lực.
Như thông điệp của Chính phủ gửi tới cộng đồng doanh nghiệp "đây là thời điểm "lửa thử vàng, gian nan thử sức", "chớ thấy sóng cả mà ngã tay chèo", mỗi doanh nghiệp phải là một pháo đài chống dịch, không được đánh mất bản lĩnh của mỗi cá nhân, chúng tôi sẽ tiếp tục kiên trì thực hiện "mục tiêu kép" của Chính phủ, vừa tham gia phòng chống dịch bệnh Covid-19 và vừa duy trì sản xuất kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
- Ông vừa đề cập tới việc hãng chuyển hướng sản xuất kinh doanh. Theo tôi được biết, không chỉ chở hàng hóa mà việc hãng khai thác các chuyến bay thương mại không thường lệ, với đối tượng hành khách là công dân hồi hương và chuyên gia nước ngoài nhập cảnh Việt Nam đã mang lại khoản doanh thu không hề nhỏ trong thời gian qua?
Đúng như chị nói, tăng cường thực hiện các chuyến bay đưa công dân và chuyên gia vào Việt Nam là một trong những cách chuyển hướng sản xuất kinh doanh của chúng tôi để bù đắp doanh thu. Trong 6 tháng đầu năm nay, hãng đã thực hiện 140 chuyến bay và đưa 31.000 công dân, chuyên gia từ nước ngoài về Việt Nam, với doanh thu ghi nhận là 600 tỷ đồng.
Tuy nhiên, bên cạnh doanh thu thì cũng có rất nhiều thử thách mà hãng phải vượt qua. Đơn cử như có những chuyến bay đến các điểm mà hãng vốn không khai thác thường lệ, hoặc nhiều nơi chưa từng là điểm đến của hãng như Mỹ, Canada... Việc chuẩn bị và tổ chức các chuyến bay không thường lệ đòi hỏi rất nhiều công sức và thời gian.
Với những nước như Mỹ, Canada, việc khó khăn nhất nằm ở khâu xin cấp phép bay. Phép bay Mỹ chúng tôi đã mất gần 3 tháng để xin và phép bay Canada là 4 tháng. Nhưng đây chính là cơ hội tốt để chúng tôi hoàn thiện mình nhằm nâng cao an toàn trong khai thác với các chuẩn mực hàng không hàng đầu được áp dụng và hãng hiện cũng là hãng duy nhất ở Việt Nam được cấp phép khai thác đến những quốc gia này.
- Rõ ràng để những chuyến bay đến/đi từ vùng dịch có thể cất cánh thì phải trải qua quy trình rất khó khăn cả về thủ tục và khai thác. Với những quốc gia mà vấn đề an ninh ngặt nghèo nhất thế giới như Mỹ hay Canada, thử thách hẳn phải là những yêu cầu, điều kiện vô cùng đặc thù và việc cấp xét cũng rất đặc biệt?
Chúng tôi phải làm việc với rất nhiều cơ quan của các nước sở tại, phải chuẩn bị nhiều tài liệu chứng minh năng lực trong mọi lĩnh vực mà số lượng, khối lượng tài liệu phải biên soạn phải tính bằng cân nặng. Đó là những tài liệu quan đến 2 dòng máy bay Boeing 787 và Airbus 350 mà chúng tôi sử dụng khai thác bay tới Mỹ và Canada, phải trình lên nhà chức trách các nước sở tại để làm căn cứ xem xét và thẩm định khi cấp chứng chỉ nhà khai thác hàng không nước ngoài (FAOC).
Việc xin cấp phép, chứng chỉ FAOC, chứng minh năng lực an toàn khi bay vào Mỹ và Canada với các tiêu chuẩn cao và ngặt nghèo nhất thế giới, đảm bảo tuân thủ theo 5 giai đoạn, bao gồm: Nộp đơn xin phép lên nhà chức trách; trình toàn bộ các tài liệu khai thác hiện hành cùng với bản tham chiếu tài liệu theo điều khoản luật định của Mỹ và Canada; hiệu chỉnh và làm rõ tài liệu và quy định theo yêu cầu nhà chức trách; kiểm chứng các hồ sơ huấn luyện đào tạo và hồ sơ khai thác, đảm bảo có bằng chứng chứng minh khai thác an toàn và hiệu quả; cấp chứng chỉ FAOC chứng minh đủ năng lực an toàn khai thác để được bay vào Mỹ và Canada.
Như chuyến bay đầu tiên đưa công dân Việt Nam tại Mỹ hồi hương năm 2020, công tác chuẩn bị rất gấp rút, ngay cả trong dịp nghỉ 30/4-1/5 nhưng Bộ Ngoại giao, Bộ Giao thông vận tải của Việt Nam vẫn phải chủ trì làm việc với các cơ quan chức năng và hãng hàng không để thuyết phục phía Mỹ chấp thuận nhanh nhất. Ngay sau khi nhận được xác nhận của Bộ Ngoại giao Mỹ về việc cấp phép cho hãng, chúng tôi đã lập tức tổ chức họp trực tuyến lúc 1h với các đơn vị nội bộ để chuẩn bị kế hoạch thực hiện chuyến bay.
- Tôi từng nghe về những chuyến bay đến vùng dịch Covid-19 có chi phí khai thác cực "khủng", thậm chí được ví von là chuyến bay "đắt nhất hành tinh". Ông có thể tiết lộ sự thật về chuyến bay này và kiến giải cụ thể về những chi phí?
Khai thác các chuyến bay chuyên chở công dân và đưa chuyên gia từ nước ngoài vào Việt Nam có nguồn doanh thu, nhưng chi phí hãng hàng không phải bỏ ra để phục vụ các chuyến bay này không hề nhỏ, có thể lên tới 12 tỷ đồng.
Chúng tôi phải thuê luật sư và đối tác tư vấn, làm dịch vụ xin cấp phép bay để kịp thời gian giải tỏa hành khách và đảm bảo đúng quy định của nước sở tại như Mỹ và Canada, có chuyến phải chi tới gần 700 triệu đồng.
Trên máy bay, chúng tôi phải đầu tư lắp đặt thêm nhiều thiết bị y tế để hỗ trợ bệnh nhân như máy lọc không khí, máy thở, máy khí dung, các monitor theo dõi, bộ đặt ống nội khí quản, bình oxy, cáng và giường bệnh dã chiến; lắp buồng áp lực dương; ngăn cách khoang khách để giảm thiểu nguy cơ phát tán virus trên chuyến bay; bọc kín toàn bộ ghế ngồi và chuẩn bị các vật dụng cá nhân cần thiết trên các chuyến bay chở người mắc Covid-19. Tại sân bay các nước, hãng phải trả mức rất cao cho phục vụ mặt đất, thuê xe cứu hỏa, nạp nhiên liệu, mua suất ăn đồ uống…
Về khai thác, toàn bộ chiều đi của các chuyến bay trống khách do không khai thác thương mại. Khoang thương gia vốn thu được khoản tiền vé rất lớn nhưng nhiều chuyến bay về từ vùng dịch khoang thương gia được bố trí để dự phòng trong trường hợp cần thiết. Điều này có nghĩa là hãng chỉ có doanh thu một chiều nhưng phải trả chi phí cho chuyến bay hai chiều.
Bay tới vùng dịch, thành viên phi hành đoàn huy động nhiều gấp 2-3 lần so với thường lệ, có chuyến lên tới 32 người. Lý do là phi hành đoàn không được nhập cảnh tại điểm đến và phải có sự luân phiên phục vụ chuyến bay suốt hành trình đi/về. Kết thúc các chuyến bay, toàn bộ phi hành đoàn ngừng việc tối thiểu 14 ngày sau để cách ly; mọi chi phí và lương của phi công, tiếp viên trong thời gian cách ly do hãng chi trả. Tàu bay cũng phải ngừng hoạt động 2-3 ngày để bảo dưỡng, thay màng lọc khử khuẩn và khử trùng toàn bộ trước khi đưa vào khai thác.
- Việc thích ứng với diễn biến đại dịch của doanh nghiệp đã và đang được thể hiện. Tuy nhiên, cỗ máy chỉ có thể vận hành trơn tru khi tất cả bộ phận đều hoạt động chuẩn theo nguyên lý và phải cùng một guồng quay. Vậy những con người cụ thể, bản lĩnh và sự chuyển mình của họ như thế nào, thưa ông?
Nếu như không đề cập tới những người lao động cụ thể thì đúng là một thiếu sót. Trường hợp đầu tiên tôi muốn nhắc tới là các nhân viên ở chi nhánh Đài Loan - Trung Quốc.
Cuối tháng 5/2020, chi nhánh Đài Loan phục vụ chuyến bay đưa công dân Việt Nam hồi hương, hành trình Đài Bắc - Đà Nẵng. Hành khách của chuyến bay này rất đặc biệt: Có tới 243 bà bầu, 4 khách phải sử dụng xe lăn, 6 khách mắc bệnh ung thư hiểm nghèo và 4 khách mang theo bình tro cốt của người thân về nước.
Tiếp nhận danh sách hành khách và kế hoạch chuyến bay, nhân viên chi nhánh Đài Loan đã nhanh chóng triển khai các thủ tục để đưa những người đồng hương của mình trở về nước. Mọi lo lắng chỉ tan biến sau khi nhân viên chi nhánh nhận được dòng tin nhắn của một hành khách gửi tới: "Chuyến bay đã hạ cánh tại Đà Nẵng. Kết thúc tốt đẹp. Thanks tất cả các anh chị!".
Ở một khía cạnh khác, các đơn vị thành viên của hãng vốn phụ thuộc vào sản lượng chuyến bay, nhưng khi hoàn cảnh thay đổi thì chính họ cũng phải đổi thay để thích ứng, duy trì hoạt động. Như công ty suất ăn hàng không, thời gian qua vì số lượng chuyến bay ít hoặc không khai thác liên tục nên đơn vị đã chuyển hướng sang cung cấp suất ăn "mặt đất". Khách hàng mới là các trường học, văn phòng, bệnh viện, khu cách ly, lực lượng y bác sĩ... Thậm chí, đơn vị này còn sản xuất trà sữa để bán tại các siêu thị và được giới trẻ đón nhận.
Anh Lưu Minh Việt (nhân viên chi nhánh miền Bắc) đã "hiến kế" để thúc đẩy hiệu quả vận tải hàng hóa, trong đó giải pháp cân bằng tàu bay Airbus A350 giúp tối ưu cho nguồn hàng của đối tác, giúp hãng thuyết phục bán thành công 3 chuyến bay charter hàng hóa, doanh thu hơn 100.000 USD.
Nhiều cá nhân đã thể hiện bản lĩnh, như cơ trưởng Tôn Dương Tuấn đã tham gia nhiều chuyến bay đưa người Việt về nước từ vùng dịch, cũng là cơ trưởng trực tiếp chỉ huy chuyến bay Guinea Xích Đạo hi hữu khi có tới hơn 120 hành khách dương tính với SARS-CoV-2.
- Xin trân trọng cảm ơn ông!