Hé lộ lý do giá xăng giảm về tương đương tháng 10/2021

Ghi Du

(Dân trí) - Giá xăng dầu thế giới kỳ vừa qua lại giảm do đồng USD tăng giá; ngân hàng Trung ương tại nhiều nước tiếp tục tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát cùng dự trữ dầu thô của Mỹ tăng.

Từ 15h chiều 21/9, mỗi lít xăng RON 95 giảm 630 đồng, về 22.580 đồng/lít và xăng E5 RON 92 giảm 450 đồng/lít, còn 21.780 đồng/lít. Sau khi giảm, giá xăng đã về mức tương đương hồi tháng 10/2021.

Theo lý giải của liên Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, thị trường xăng dầu thế giới kỳ điều hành lần này (từ ngày 12/9 đến 21/9) có diễn biến tăng giảm đan xen nhưng xu hướng chung là giảm.

Cụ thể, giá xăng dầu có những phiên tăng là do sản lượng khai thác của OPEC không đạt mức dự kiến; dự trữ dầu thô của Mỹ tăng nhưng thấp hơn nhiều mức dự báo. Giá xăng dầu có những phiên giảm do đồng USD tiếp tục tăng giá; ngân hàng Trung ương tại nhiều nước tiếp tục tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát cùng dự trữ dầu thô của Mỹ tăng.

Bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới giữa 2 kỳ điều hành là 95,3 USD/thùng xăng RON 92 dùng để pha chế xăng E5 RON 92 (giảm 2,9 USD/thùng, tương đương giảm 2,9% so với kỳ trước); 99,4 USD/thùng xăng RON 95 (giảm 3,7 USD/thùng, tương đương giảm 3,6% so với kỳ trước).

Hé lộ lý do giá xăng giảm về tương đương tháng 10/2021 - 1

Giá xăng đang ở vùng thấp nhất trong vòng 1 năm qua (Ảnh: Mạnh Quân).

Thực tế, giá xăng đã có thể giảm mạnh hơn con số 450-630 đồng/lít nếu cơ quan quản lý không thực hiện trích lập hoặc tăng chi quỹ bình ổn giá xăng dầu. Tuy nhiên, tại phiên điều chỉnh ngày 21/9, liên Bộ Tài chính, Bộ Công Thương không chi, nhưng lại thực hiện trích lập quỹ bình ổn giá đối với các loại xăng ở mức 450-451 đồng/lít (bằng với kỳ trước).

Liên bộ cho rằng mục đích là có dư địa điều hành bình ổn giá xăng dầu cho giai đoạn các tháng cuối năm, khi thị trường vẫn đang tiềm ẩn nhiều bất ổn. Việc giảm giá xăng góp phần bảo đảm thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát và bình ổn thị trường, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong quá trình phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh; hạn chế tối đa tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế xã hội, hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân.

Liên quan đến việc giữ hay bỏ quỹ bình ổn, Chính phủ vừa trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự thảo Luật Giá sửa đổi, trong đó vẫn duy trì quỹ bình ổn giá xăng dầu.

Cụ thể, tại phiên thảo luận về dự Luật Giá sửa đổi này, ông Nguyễn Phú Cường - Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách - cho hay, đa số ý kiến thường trực Ủy ban này tán thành đề xuất của Chính phủ về duy trì quỹ bình ổn giá xăng dầu. Bởi, đây là công cụ điều tiết giá loại nhiên liệu này trong nước, là biện pháp kinh tế, không phải can thiệp hành chính.

Hiện nay, thị trường xăng dầu trong nước vẫn chưa hoàn toàn vận hành theo thị trường, vẫn có sự điều hành của Nhà nước. Quản lý điều hành giá bán lẻ xăng dầu trong nước vẫn thông qua giá cơ sở thì việc bỏ quỹ là chưa phù hợp.

Ngoài ra, theo ông Cường, khi giá xăng dầu thế giới biến động thì quỹ bình ổn đã phát huy vai trò "điều hòa", góp phần giảm được tần suất và mức điều chỉnh tăng giá bán xăng dầu. Quỹ này cũng giúp giảm biên độ biến động của giá, từ đó giảm tác động tiêu cực đến sản xuất, kinh doanh, kiểm soát lạm phát.