Hé lộ khả năng Nam A Bank "về một nhà" với Eximbank
(Dân trí) - Dù chưa công bố nhưng sự kiện lãnh đạo Nam A Bank ứng cử hội đồng quản trị Eximbank đang hé lộ nhiều khả năng hai nhà băng này sẽ “về một nhà”.
Hội đồng quản trị Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) vừa công bố biên bản kiểm phiếu lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản về việc đề cử, ứng cử nhân sự làm thành viên Hội đồng quản trị, ban kiểm soát nhiệm kỳ 2015-2020.
Trong danh sách 6 ứng viên mới này xuất hiện tên của hai lãnh đạo cao nhất ban điều hành của Ngân hàng Nam Á là Tổng giám đốc Trần Ngô Phúc Vũ và nguyên Phó tổng giám đốc Trần Ngọc Tâm. Ông Tâm vừa thôi nhiệm trong ngày 24/3 - ngay sau khi biên bản Eximbank được công bố.
Ngoài 2 ứng viên tới từ NamABank, các ứng viên còn lại gồm 2 ứng viên người nước ngoài đại diện cho phần vốn góp của Sumitomo Mitsui Banking Corporation, ông Phạm Hữu Phú là Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc.
Đối với ứng viên Ban kiểm soát, Eximbank nhận được hồ sơ của ông Trần Lê Quyết và ông Trần Ngọc Dũng. Ông Dũng hiện là thành viên Ban kiểm soát NamABank.
Việc Tổng giám đốc và Phó Tổng giám đốc NamABank ứng cử vào HĐQT Eximbank, cũng như thành viên ban kiểm soát Nam A Bank ứng cử vào ban kiểm soát Eximbank đã hé lộ việc hai nhà băng này sẽ về một nhà.
Được biết, Nam Á là một trong những ngân hàng thuộc diện Ngân hàng Nhà nước cho tự tái cơ cấu. Trước đó, thông tin từ Nam Á cũng cho biết, ngân hàng đang tìm hiểu một số tổ chức tín dụng khác để xin ý kiến cổ đông và Ngân hàng Nhà nước phê duyệt kế hoạch sáp nhập nhằm tạo ra một định chế tài chính vững mạnh hơn.
Trao đổi với báo giới, Phó thống đốc Nguyễn Phước Thanh từng cho biết, năm 2015 dự báo sẽ có nhiều cuộc "kết hôn" tự nguyện của các nhà băng với nhau. Trong đó, Nam A Bank nhiều khả năng sẽ xin nhập vào Eximbank.
Soi chiếu vào các ngân hàng từng “hợp nhất” thời gian gần đây có thể thấy, trước mỗi kỳ sáp nhập sẽ có sự bổ nhiệm lãnh đạo ngân hang này vào các vị trí chủ chốt ngân hàng kia.
Điển hình như với Maritimebank và MDB, trước khi được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận về mặt nguyên tắc, một trong những công việc quan trọng để chuẩn bị cho thương vụ sáp nhập này, HĐQT và Ban kiểm soát (BKS) MDB đã đề cử những ứng viên đến từ hoặc có liên quan tới Maritime Bank để bầu bổ sung tại Đại hội thường niên năm 2014 của MDB.
Hiện tại, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có văn bản về việc chấp thuận nguyên tắc Ngân hàng TMCP Phát triển Mê Kông (MDB) sáp nhập vào Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (Maritime Bank) theo Đề án sáp nhập đã được hai ngân hàng trình.
Trở lại với trường hợp của ngân hàng Nam Á và Eximbank, sự đồn đoán việc hai nhà băng này hợp nhất đang dần hiện hữu. Như Phó Thống đốc Thanh từng nói: “Nếu Nam A Bank và Eximbank mà hợp nhất được với nhau là điều rất tốt, vì đến năm 2018 hệ thống ngân hàng Việt Nam sẽ chỉ còn khoảng 20 ngân hàng”.
Đầu năm 2015, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình đã phát đi thông điệp: Năm 2015, NHNN sẽ sáp nhập ít nhất khoảng 6 - 8 ngân hàng.
Ngoài ra, theo Thông tư 36/2014/TT-NHNN, mỗi ngân hàng thương mại chỉ được nắm giữ cổ phiếu của hai tổ chức tín dụng khác, với tỷ lệ nắm giữ tối đa phải dưới 5%. Với quy định như vậy, rất nhiều tổ chức tín dụng đang “phạm luật” và chỉ có một năm kể từ ngày 1/2/2015 để đưa tỷ lệ về mức cho phép.
Trên thị trường vẫn còn 15 - 20 ngân hàng có cổ đông hoặc nhóm cổ đông "vượt rào” về tỷ lệ sở hữu theo quy định. Theo đó, có thể thấy, làn sóng M&A sẽ càng “nóng” hơn trong thời gian tới.
Như trong báo cáo của BVSC viết: “Xu hướng sáp nhập giữa các ngân hàng thương mại dự báo sẽ diễn ra mạnh mẽ trong năm 2015. Việc này cũng nhằm đáp ứng những quy định liên quan đến góp vốn, mua cổ phần theo Thông tư 36/2014/TT-NHNN”.
Nguyễn Hiền