(Dân trí) - TS Quách Mạnh Hào cũng từng mua cổ phiếu vì được "phím". Trải qua nhiều giai đoạn biến động của TTCK, ông có những chia sẻ chân thành với nhà đầu tư về tâm lý, quản trị cảm xúc.
Có người bảo thị trường chứng khoán (TTCK) giai đoạn này không khác gì giai đoạn cách đây 10 năm. Góc nhìn của ông?
- TTCK bây giờ, tôi nghĩ rằng, nếu mà nói về quy mô, số lượng nhà đầu tư, nền tảng thị trường thì có thể nói rằng là có sự khác biệt rất là lớn.
Số nhà đầu tư thì nhiều hơn, quy mô thị trường giao dịch thì lớn hơn, nền tảng tăng trưởng của thị trường bây giờ cũng khác so với 10 năm trước.
Nhưng tất nhiên có một thứ không thay đổi đó là tâm lý nhà đầu tư. Nhà đầu tư thì vẫn luôn tham lam và sợ hãi theo các chu kỳ của thị trường. Và tôi nhận thấy là không chỉ ở Việt Nam đâu, phần lớn các thị trường trên thế giới thì người ta cũng gặp vấn đề này cả.
Từ kinh nghiệm thực chiến trong những giai đoạn TTCK có nhiều biến động, ông đánh giá tâm lý trong đầu tư quyết định ra sao tới thành bại của một nhà đầu tư trên TTCK, nhất là những người mới tham gia thị trường?
- Theo cách nhìn của tôi thì thực ra là thị trường bị phụ thuộc bởi rất nhiều yếu tố. Tôi lấy ví dụ chẳng hạn như là phụ thuộc bởi định giá, tâm lý, ý chí của nhà tạo lập... Vậy thì nếu chúng ta loại trừ 2 yếu tố là định giá (tương đối khách quan) và ý chí của nhà tạo lập (mang dáng dấp của những trò chơi, mang tính chất yếu tố tác động từ bên ngoài vào giá của một cổ phiếu cụ thể), thì tâm lý của nhà đầu tư tôi nghĩ là quyết định phần lớn sự thành bại trong đầu tư chứng khoán.
Bởi các bạn thấy rồi đấy. Trong giai đoạn thị trường như vừa rồi người ta cứ đặt câu hỏi là tại sao có những doanh nghiệp làm ăn tốt nhưng giá cổ phiếu lại không tăng? Trong khi đó, có những cổ phiếu mà doanh nghiệp làm ăn be bét, hay nói cách khác là cả chục năm cổ phiếu cứ lóp nga lóp ngóp trong những mức giá mà gần như không ai quan tâm thì tự nhiên bây giờ nó đột ngột được quan tâm?
Điều đó nó cho thấy là tất cả những gì người ta nói về định giá, chúng ta nói về những yếu tố gọi là cơ bản của thị trường nó chỉ là một phần thôi. Còn phần nhiều nó liên quan tới kỳ vọng và trong kỳ vọng đó yếu tố tâm lý chi phối rất là lớn.
Ông nói điều này làm cho tôi hình dung là có những nguyên tắc trong đầu tư ai cũng biết, thậm chí có rất nhiều cuốn sách cũng dạy nhà đầu tư điều này, rằng thì đừng để mất tiền, hãy cắt lỗ khi đã lỗ 10%, hãy tham lam khi người khác sợ hãi và sợ hãi khi người khác tham lam… Ai đầu tư chứng khoán cũng biết nhưng khi áp dụng thực tế thì không phải ai cũng thành công là vì sao?
- Thì đó chính là những thứ liên quan đến yếu tố tâm lý. Có thể nói là nói thì rất dễ nhưng làm thì rất là khó vì chúng ta luôn bị chi phối bởi tâm lý cảm xúc. Cảm xúc của chúng ta, nhất là trong đầu tư, thì đôi khi không phải do chính chúng ta quyết định đâu, mà là bị tác động từ bên ngoài, đặc biệt bởi những đám đông ngoài thị trường.
Dù mọi thứ được viết thành sách hay nguyên tắc, thành giáo trình thì tôi nghĩ rằng đó là nguồn tham khảo, và nếu ai mà luyện được những cái đó thì cơ hội thành công sẽ cao hơn. Tôi nghĩ rằng để luyện được những thứ này thì người ta nên trải qua cả lỗ cả lãi. Có nghĩa là nếu như chúng ta có lỗ, thì ta coi đó là một bài học, mỗi lần chúng ta gặp những bài học như vậy thì chúng ta lớn lên rất nhiều.
Tuy nhiên, tôi cũng có lời với người mới đó là chừng nào khi các bạn mới đầu tư mà thấy lãi liên tục thì đừng có tham mà bỏ tiền nhiều vào. Hãy cứ đầu tư cho đến khi nào bạn lỗ. Khi bạn lỗ rồi thì bạn sẽ nhận ra tại sao mình lại lỗ và từ đó sẽ có nguyên tắc hơn trong việc xác định thời điểm nên vào, nên ra khỏi thị trường.
Tất nhiên những gì tôi nói thì đều là những gì tôi đã trải qua khi tham gia TTCK thời kỳ đầu. Thậm chí, giai đoạn vừa rồi, chính tôi cũng trải qua vấn đề đó. Nói vậy để cho các bạn hình dung là câu chuyện áp dụng nguyên tắc về lý thuyết không đơn giản như chúng ta nói hay chúng ta học đâu. Nó thực sự là trải nghiệm.
Tức lời khuyên của ông là hãy cứ đầu tư đi, cứ lỗ đi rồi lúc ấy nhà đầu tư tự sẽ rút ra cho mình bài học, rèn luyện được bản lĩnh trong đầu tư?
- Đúng rồi. Quan điểm của tôi là kinh nghiệm hay bài học không phải là những thứ được đọc hay được nghe người khác kể lại mà phải là những gì do chính chúng ta trải qua.
Vậy hỏi thật là trên hành trình đầu tư với nhiều giai đoạn TTCK biến động như thế, ông có tuân thủ được hết những nguyên tắc bản thân đặt ra?
- Có thể nói không hẳn là như vậy. Thực sự khi bám thị trường, tôi cảm thấy quan tâm thị trường nhiều hơn, tôi bám thị trường hàng ngày thì tôi lại càng rời ra các nguyên tắc. Nhưng khi tôi không nhìn bảng điện, hay nói cách khác là tôi xác định "thôi, lần này đầu tư dài hạn một chút" hay "cứ để tiền vào đó", thì tôi lại giữ được nguyên tắc tốt hơn.
Điều đó cho tôi một nhận xét rõ ràng việc chúng ta nhìn bảng điện liên tục hay tiếp xúc với nhiều người sẽ tác động tới tâm lý rất là nhiều. Và khi tâm lý bị tác động thì mọi nguyên tắc bị loạn đi và chúng ta sẽ bị xao nhãng nguyên tắc đó.
Và đã bao giờ nhà đầu tư kỳ cựu như Quách Mạnh Hào phải chịu sự thất bại khi tham lam quá đà?
- Có nhiều chứ. Các bạn hình dung là trong chứng khoán, nếu ai đó nói chưa bao giờ lỗ thì tôi cho rằng điều này nên là một thứ đáng để nghi ngờ.
Thực tế mà nói thì ngay từ lúc tôi tham gia TTCK cách đây mười mấy năm, lúc đó có thể nói là kiến thức về chứng khoán của tôi cũng rất ít, chủ yếu trên cơ sở học từ sách vở, nhà chuyên môn.
Cũng giống nhiều người khác, tôi mua cổ phiếu theo những gì bạn bè, đồng nghiệp, thậm chí là nhân viên "phím". Và tôi thấy là khi mà chúng ta đầu tư dựa trên những thứ đó thì gần như chúng ta sẽ không đoán được khi nào thị trường lên, khi nào thị trường xuống.
Kết cục là có những khi ta kiếm được tiền từ TTCK, thậm chí có cổ phiếu tăng giá vài ba lần, đặc biệt là cổ phiếu OTC (cổ phiếu chưa niêm yết - PV). Nhưng sau đó, khi TTCK lao dốc, chẳng hạn như giai đoạn trước những năm 2008 - 2009, thị trường như thế thì nhìn thị trường rơi vài phiên, người chưa có kinh nghiệm như tôi thậm chí còn nhảy vào để mua thỏa thuận, kể cả cổ phiếu sàn và khi mình nhận về thì cổ phiếu vẫn "sàn" tiếp (giảm sàn: thuật ngữ chỉ cổ phiếu giảm hết biên độ - PV).
Từ đó cho thấy kinh nghiệm là khi chúng ta mới bắt đầu thì quả thực chúng ta cũng không biết là TTCK lên hay xuống do cái gì. Nhưng dần dần, khi chúng ta tham gia vào nhiều hơn, và đặc biệt là có thêm một chút kiến thức, từ chuyện kinh nghiệm thực tiễn thị trường thì ta có quyết định và dần dần về sau sẽ đỡ hơn.
Ông mất bao lâu để rút ra được nguyên tắc đầu tư cho bản thân?
- Tôi đầu tư rất lâu rồi. Hồi mới ra trường, nghe học trò giới thiệu về TTCK và bảo thầy tham gia vào đi để phục vụ cho thực tế, tôi cũng tham gia. Nói thật ngày xưa đi học toàn chủ yếu học trên giấy, chưa hiểu thế nào là ghép lệnh, hồi ấy kiến thức rất là sơ khai, chẳng ai có mấy kinh nghiệm cả.
Sau đó, khoảng năm 2006 - 2007, tôi tham gia nhiều hơn vào TTCK. Và mất khoảng 2 năm thì tôi mới định hình ra rằng "à, TTCK không đơn giản là dựa trên tính toán, định giá mà còn có nhiều yếu tố liên quan tới tâm lý, "trò chơi". Định giá chỉ là một phần, toán chỉ là một phần". Tôi cứ nghĩ nếu mình giỏi toán thì mình đầu tư chứng khoán sẽ thành công, nhưng thật ra không phải như vậy. (Cười).
Và trong 2 năm ấy, ông thấy mình được hay mất nhiều hơn?
- Thật ra ở giai đoạn đó, các bạn hình dung phần lớn đầu tư là OTC hoặc nếu có mua bán cổ phiếu trên sàn thì giao dịch tương đối nhỏ. Thời điểm ấy, mới tham gia thị trường, mới về nước nên tiền đầu tư của tôi không nhiều. Vì thế mà việc được và mất gần như là cân bằng nhau.
Xét cho cùng, tôi nghĩ rằng trong toàn bộ quá trình tôi đầu tư và cho đến bây giờ tôi vẫn tồn tại được trên thị trường có nghĩa rằng tôi không bị vấn đề gì liên quan tới câu chuyện lỗ. Vì có rất nhiều trường hợp bù lỗ các khoản đầu tư mà mình có lời nên khi mà chúng ta còn tồn tại, chúng ta vẫn vui vẻ trên thị trường thế này, như tôi bây giờ thì tôi nghĩ rằng các bạn có thể hiểu là xét một con đường dài cái câu chuyện lãi lỗ đối với tôi nó luôn luôn là yếu tố mang tính chất tích cực.
Chủ đề của chúng ta hôm nay là tâm lý đầu tư. Ông cũng kể đã trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm của TTCK và đến hôm nay ông vẫn chưa rời thị trường. Ấy thế nhưng không ít nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư mới, họ tham gia thị trường và nói thật khi gặp các cú sốc, họ sợ, họ không dám quay lại thị trường nữa. Vậy thì tâm lý trong đầu tư, nói văn hoa là thế, thực tế nó là cái gì, có định hình được ra?
- Thật ra nếu chúng ta nói đó là bản lĩnh cũng được, mà gọi là có máu liều cũng được. (Cười). Nói đúng ra, theo cách nhìn của tôi, tâm lý đầu tư là sự kết hợp giữa kiến thức và kinh nghiệm, kiến thức và kinh nghiệm cho chúng ta một cảm giác tốt khi mà chúng ta phán đoán được lúc nào nên vào, lúc nào nên ra.
Có thể là ta chẳng vào được đúng đáy hoặc ra đúng đỉnh đâu. Nhưng khi mà chúng ta vận dụng được kiến thức và kinh nghiệm thì tự nhiên trong chúng ta có một cái thôi thúc là phải hành động, và khi kinh nghiệm ngày càng nhiều thì tự nhiên ta sẽ hình thành một nguyên tắc thôi.
Nhà đầu tư mới họ được khuyên rất nhiều, và nói thật chắc họ cũng tham khảo những cách đầu tư nhưng đôi khi không tránh khỏi chạy theo đám đông, mua bán cổ phiếu theo tâm lý thị trường, có người còn bảo với TTCK thì phân tích kỹ thuật, định giá đâu phải là tất cả. Ông có lời khuyên gì, từ góc độ nhà đầu tư thực chiến?
- Lời khuyên của tôi là các bạn hãy bị mất tiền một lần đi thì tự nhiên các bạn sẽ khôn ra. Về những kiến thức thì tôi nghĩ các bạn tự học được nếu như các bạn muốn. Còn nếu từ chuyên ngành khác, tốt nhất cũng nên có kiến thức nền tảng về kinh tế, về định giá, về chu kỳ của thị trường cũng như một chút về phân tích kỹ thuật.
Vì thật ra phân tích kỹ thuật không phải chỉ là vấn đề chúng ta nhìn hình vẽ. Mà phân tích kỹ thuật, nếu nhìn đúng, thì ở trong đó chúng ta sẽ nhìn thấy sự luân chuyển của dòng tiền, và chúng ta đọc được tâm lý thị trường, tâm lý của bên mua và bên bán dựa trên cái mà người ta giao dịch trên thị trường, trên cơ sở là giá và lượng.
Vậy theo ông, trong 3 yếu tố được coi là kim chỉ nam cho nhà đầu tư là thông tin, kiến thức và kinh nghiệm thì thứ nào là quan trọng nhất, hay nói cách khác là nhà đầu tư nên chú trọng yếu tố nào để tránh bị mất tiền trong đầu tư chứng khoán?
- Kinh nghiệm là thứ mà mình phải trải qua. Cái này tôi đã nói rõ rồi, ta hãy mua bán, thắng, lỗ và biết tại sao mình lại thắng, lỗ. Điều này lại đòi hỏi kiến thức.
Còn về mặt thông tin ư? Đó là một trong những vấn đề tôi nghĩ chúng ta cần hết sức cẩn trọng. Vì thông tin trên TTCK thì có nhiều kênh lắm, từ truyền thông, hội nhóm tới các chuyên gia. Tôi luôn tin rằng chúng ta đang sống trong thế giới thông tin không cân xứng. Những gì người ta đưa cho mình thật ra là cái mà người ta muốn mình nhìn thấy, nghe thấy. Vậy thì chúng ta phải luôn luôn đặt câu hỏi là tại sao người ta lại đưa thông tin đó cho ta?
Khi đặt được câu hỏi ấy thì chúng ta sẽ thấy câu chuyện rất đơn giản là giả sử người ta đưa cho chúng ta thông tin về một cổ phiếu cụ thể thì đó đơn giản là người tạo lập muốn ta biết điều đó. Và khi người ta muốn cho ta biết thì điều đó chứng tỏ là người ta đang cố đưa chúng ta vào một cái trò chơi nào đó.
Thông thường thì những thông tin như vậy luôn nói về những cái gì mang tính chất triển vọng dài hạn. Thực tế thì triển vọng, dài hạn là cái gì đó rất dễ nói vì nó không xảy ra ngay ngày mai. Nhưng vì chính những cái dài hạn đó sẽ kéo chúng ta nếu không tỉnh táo vào những trò chơi mà chúng ta sẽ rất dễ để mất tiền. Tôi vẫn nói vui là dài hạn trong những tình huống như vậy nó đơn giản là một lời nói dối ngọt ngào thôi, nên chúng ta hãy biết sàng lọc thông tin bên cạnh yếu tố kinh nghiệm, kiến thức.
Trong giai đoạn biến động của TTCK vừa rồi, có nhà đầu tư từng gửi tâm sự đến Dân trí và kể là họ đầu tư chứng khoán, bỏ tiền vào cổ phiếu bất động sản và đã lỗ 50-60% rồi thì nên hành động thế nào. Lời khuyên của ông?
- Thật ra tôi nhận được rất nhiều những câu hỏi kiểu vậy. Quả thực, tôi cũng không biết khuyên thế nào cả.
Có những trường hợp tôi khuyên là lúc này đừng nên vào, nên ra và có vẻ như so với diễn biến TTCK thì điều đúng nhưng đến khi tôi trao đổi lại thì người ta lại không làm như thế, mà vẫn bị chi phối bởi các yếu tố đám đông từ nhóm này, nhóm kia. Cho nên, tôi nhận thấy là khi các bạn tham gia vào quá nhiều các nhóm, đặc biệt là các nhóm không dựa trên cơ sở kiến thức, nền tảng kinh nghiệm thì sẽ rất dễ bị chi phối bởi tâm lý đám đông và dễ bị chi phối bởi những lời mà gọi là "phím" hay dụ dỗ.
Quay trở lại câu hỏi trên, nếu người hỏi có một chút kiến thức về chu kỳ kinh tế, chu kỳ ngành, sự luân chuyển của dòng tiền thì rõ ràng cổ phiếu trong lĩnh vực bất động sản là nhóm không hẳn tốt trong thời gian tới. Đặc biệt, khi mà chính sách vĩ mô nói chung trở nên khó khăn hơn, thắt chặt hơn thì nhóm này không phải nhóm tốt. Vậy thì cái lời khuyên là nếu như bạn cứ cố giữ một nhóm cổ phiếu bạn nghĩ rằng nó khó tăng giá liệu nó có tốt hơn cũng số tiền đó bạn chuyển sang một cổ phiếu bạn nghĩ nó có cơ hội, mặc dù bản chất là như nhau, hay không?
Tôi biết, nhà đầu tư luôn có tâm lý không muốn bán ra thứ mà các bạn đang lỗ. Trong đầu tư, bán khoản lãi là rất dễ nhưng khi đang lỗ thì hầu như không dám bán. Đó chính là bản lĩnh, là nguyên tắc. Cùng một số tiền nhưng bây giờ bạn hãy chọn cổ phiếu mạnh hơn chứ đừng cố nắm giữ cổ phiếu khó khăn trong thời gian tới.
Rất là khó để đưa ra lời khuyên trong bối cảnh thị trường như hiện nay, đặc biệt khi chúng ta mất tiền, nhất là ai lại đang đi vay để đầu tư. Cho nên tôi thì tôi thấy nhà đầu tư chỉ cần cân nhắc một điều đơn giản như thế này thôi: giả sử các bạn đang nắm một cổ phiếu thuộc nhóm bạn tin rằng có thể tốt thì sự chuyển dịch nó sang nhóm cổ phiếu mà bạn nghĩ rằng nó có cơ hội thì về cơ bản là ổn hơn, tốt hơn thay vì việc cứ cố nắm giữ cổ phiếu mà nó khó có cơ hội phục hồi.
Đó là lời khuyên có thể nói là chân tình vì rất nhiều người luôn muốn nắm giữ cổ phiếu mình có khi nó lỗ vì đa phần nhà đầu tư rất sợ tâm lý bán lỗ.
Có người còn bảo lỗ tới 60% và đảo danh mục cổ phiếu sang dòng cơ bản "bank - chứng - thép" nhưng vẫn lỗ và thực sự là hoảng loạn?
- Tôi nghĩ rằng để mà nói các bạn muốn tìm cơ hội có lời ở thị trường này trong điều kiện như hiện nay là khó. Và tôi cũng không ngần ngại để nói rằng trong bối cảnh thế giới cũng như bối cảnh Việt Nam, đặc biệt trong vấn đề lạm phát cũng như là chính sách tiền tệ hiện nay, thì TTCK còn khó chứ không đơn giản chỉ là trong một vài tuần, trong một vài tháng rồi nó lại phục hồi ngay được.
2 năm qua, TTCK luôn tăng và mỗi khi có sự điều chỉnh thì chúng ta nghĩ rằng "à sẽ điều chỉnh ngắn hạn thôi và sẽ phục hồi. Nhưng bối cảnh TTCK điều chỉnh trong 2 năm qua dựa trên nền tảng chung là việc chính sách tiền tệ nới lỏng, lãi suất hỗ trợ, lạm phát chưa vấn đề gì. Nhưng hiện tại, bối cảnh lớn khác rồi, nên nếu nhìn một cách dài hạn thì câu chuyện của TTCK cũng khác.
Lời khuyên của tôi về chuyển đổi sang nhóm cổ phiếu khác nó đơn giản là khi các bạn thấy rằng TTCK có thể tạo được những bước sóng nhỏ. Vì nếu nhìn lớn là khó nhưng trong lớn thì thị trường cũng có những sóng nhỏ và đây chính là cơ hội để bạn chuyển sang nhóm cổ phiếu khác. Khi chuyển sang nhóm ngành mạnh hơn thì lại đòi hỏi kiến thức về chu kỳ ngành, chu kỳ kinh tế, dòng tiền… Nếu cứ chọn bừa thì có khi chúng ta giữ cổ phiếu hiện tại chỉ lỗ vài % thôi nhưng khi chuyển sang mã mới lại lỗ 30-40% thì "toi".
Trải qua những giai đoạn thị trường giá lên, giá xuống, làm thế nào ông có thể "sống sót" tới tận bây giờ. Thị trường xuống, có khi nào ông mất sạch tiền chưa?
- Trên thị trường có nhiều câu chuyện đồn thổi về tôi lắm, vì trước đây tôi hay xuất hiện trên TTCK bởi lý do công việc. Còn thực tế, thời gian tôi dành cho công việc đã chiếm nhiều rồi, từ gặp nhà đầu tư nước ngoài, gặp gỡ doanh nghiệp, chứ thời gian đâu tôi ngồi trading hàng ngày. Thậm chí khi đó, tiền mà tôi dùng mua bán cổ phiếu thực ra là tôi nhờ một bạn broker quản lý hộ. Giai đoạn đó, chúng tôi làm thế này: đầu tiên là bỏ tiền vào một quỹ cho bạn broker quản lý, sau lần đầu tiên thì các bạn ấy lại chia tiền và tôi lấy hết gốc ra, bỏ lãi vào đầu tư. Nếu nói mất thì là tôi mất toàn bộ phần lãi, còn cái gốc vẫn nguyên.
Người ta cứ nói tôi nợ nần này kia, thật ra không có chuyện đó. Vì chứng khoán mà tôi có thời điểm đó là chứng khoán của CTCP Chứng khoán Thăng Long (giờ là MBS - ông Hào từng có giai đoạn là lãnh đạo công ty chứng khoán này), với tư cách là lãnh đạo thì tôi mua cổ phiếu dựa trên cơ sở là khoản tài trợ công ty đứng ra vay hộ để đầu tư. Sau này, câu chuyện Chứng khoán Thăng Long xảy ra thì lãnh đạo công ty rất hiểu câu chuyện đó, nên không có chuyện ông Quách Mạnh Hào làm mất khoản tiền nào liên quan tới đầu tư cả.
Và như tôi đã nói là một số các khoản đầu tư bẵng đi tôi quên, từ năm 2018 đến giờ thậm chí tăng vài lần.
Nói thật khi đó tôi cũng bi quan lắm. Tôi nghĩ rằng mình cống hiến cho công ty, mình làm cho công ty, một mặt nào đó giúp công ty có danh tiếng này kia nhưng lúc ra đi lại chẳng có gì cả. Cái mà tôi thấy mất có lẽ là thời gian, công sức cống hiến chứ không bị mất tiền theo danh nghĩa đầu tư vì thực tế tôi là lãnh đạo doanh nghiệp chứ có phải là nhà đầu tư cá nhân đâu.
Nhà đầu tư được khuyên là hãy tỉnh táo, thận trọng. Nhưng trong bối cảnh TTCK liên tục biến động thì khó mà tỉnh táo để rồi thận trọng lắm?
- Đúng rồi, như tôi đã nói, nếu như mà cứ lấy sách hay là lấy kinh nghiệm của chính mình ra nói cho người khác thì rất dễ, vì chúng ta không giống như người khác. Và ngược lại, khi chúng ta là những người nhận được các lời khuyên như thế thì ta cũng cần hiểu là tình cảnh của ta không giống họ.
Cho nên, quan điểm của tôi là các bạn có thể có nhiều lời khuyên, thông tin, nhưng cuối cùng thì kiến thức của các bạn vẫn là quan trọng. Giả sử có lỗ rồi, lãi rồi thì đó là kinh nghiệm, nhưng người đầu tư cần trang bị thêm kiến thức cho mình để làm sao ra tự ra quyết định được.
Khi các bạn tự mình ra được quyết định thì tôi nói rằng nó sướng lắm, sướng ở cái mình cảm giác rằng "à thành công này là thành công của mình hay cái lỗ này là cái lỗ của mình và đó là bài học của mình". Chứ còn khi chúng ta dựa trên những lời khuyên hay sự hô hào từ chỗ này hay chỗ kia thì tôi nghĩ rằng đơn giản các bạn đang chơi trò chơi may rủi, mà hiểu một cách đơn giản là chúng ta lên một đoàn tàu và ai là người nhảy xuống trước trước khi đoàn tàu ấy rơi xuống vực thôi.
Tóm lại là vẫn cần đan xen các yếu tố tâm lý, kiến thức, kinh nghiệm, nền tảng về thị trường?
- Đúng rồi. Các bạn cứ hình dung nguyên lý rất đơn giản thôi là khi thị trường lên thì các bạn mua cái gì, mua lúc nào cũng đúng. Còn khi thị trường xuống thì các bạn bán cái gì, bán lúc nào cũng đúng.
Việc tôi nói hoán đổi như bên trên thật ra là đang nói câu chuyện các bạn muốn bám lấy thị trường. Chứ còn từ thời điểm cuối năm ngoái, tôi cũng luôn nói từ năm nay là thời điểm "ai về nhà nấy", còn nếu vẫn ở trong thị trường thì phải xác định là khó khăn. Những ai là dân "tay ngang", tức nghỉ dịch không có việc gì làm và quay ra đầu tư chứng khoán thì tốt nhất nên quay lại với công việc của mình (cười).
Chứng khoán có chu kỳ. Ví dụ giai đoạn 2006 - 2007 rồi sau đó là 2008 - 2009 thì câu chuyện như trên cũng xảy ra thường xuyên. Nhiều người khi đó cứ nghĩ vào chứng khoán đầu tư dễ ăn lắm, cứ mua là được. Khi cứ mua thì họ lại nghĩ đây là cái nghề của mình. Nhưng thực ra, chơi một nghề trong điều kiện như vậy thì tôi nói luôn đó là nghề đánh bạc. Và nếu bạn thấy nghề đánh bạc mà ổn thì hẵng tham gia, còn nếu không thì đừng nên đánh đổi.
Triển vọng TTCK từ nay tới cuối năm ra sao khi mà "tin tốt" cơ bản ra hết rồi?
- Tôi thì nhìn thị trường "sideway down", có thể có những lình xình nhưng cơ bản khi tiền được rút ra thì xu hướng nói chung là khó. Tôi không biết sẽ giảm cụ thể bao nhiêu nhưng nhìn nhận là khó.
Đơn giản thôi, trước đây, TTCK lên bằng gì thì giờ sẽ giảm bằng thứ đó. Trong 2 năm đại dịch, khoảng đầu năm 2020, khi đại dịch mới diễn ra thì chúng ta nới lỏng tiền tệ. Trong 2 năm đó, rõ ràng nền kinh tế thế giới và Việt Nam tăng trưởng khá ít. Nên chứng khoán bùng nổ là do tiền bơm ra.
Khi tiền được rút ra thì quá trình ngược lại sẽ xảy ra, sẽ về vùng trước khi bơm tiền thôi. Đó là một nguyên lý đơn giản. Và khi bạn hình dung ra câu chuyện đó thì bạn cũng sẽ có cách nhìn phù hợp hơn. Còn để mà đưa ra một con số cho TTCK thì rất là khó.
Giờ mà bạn nghe ai nói rằng cổ phiếu tăng bằng lần, nhân 5, nhân 10 lần tài khoản thì các bạn đừng tin. Những câu chuyện đó không xảy ra trong thời kỳ sideway down đâu, mà giả sử có xảy ra thì nó đơn giản là những trò chơi, mà trò chơi, hiểu đơn giản là chúng ta cùng "lừa" nhau vào một cái "bẫy" mà người trước lấy tiền của người sau thôi.
TS Quách Mạnh Hào hiện giảng dạy và nghiên cứu tại Đại học Lincoln (Anh). Ông cũng là người sáng lập và hướng dẫn điều hành Quỹ đầu tư sinh viên Lincoln (LSMIF) thuộc Đại học Lincoln - một trong 5 quỹ đầu tư dạng này tại Anh.
Ông Quách Mạnh Hào từng hoàn thành chương trình nghiên cứu tại Đại học Havard (Mỹ) với tư cách học giả Fulbright, có bằng tiến sĩ tài chính kế toán và thạc sĩ quản trị kinh doanh tại Đại học Birmingham (Anh). Sau khi về nước, ông là thành viên HĐQT, điều hành cấp cao tại nhiều công ty chứng khoán Việt Nam, công ty quản lý quỹ huy động vốn đầu tư Nhật Bản vào Việt Nam và các công ty niêm yết.
Tại Việt Nam, ông sáng lập và vận hành CLB đầu tư theo nhóm QMV, hoạt động theo mô hình CLB đầu tư thịnh hành của Anh. Tại đây, các nhà đầu tư tham gia hỗ trợ nhau về thông tin, kiến thức, kinh nghiệm để tự ra quyết định đầu tư và đặc biệt không có chuyện "phím" hàng.
Nội dung: Đan Anh
Ảnh: Mạnh Quân
Thiết kế: Tuấn Huy