Hậu xăng tăng giá: Sức nóng bắt đầu lan toả

Dù nhiệt độ khu vực Hà Nội vào thời điểm này không vượt quá 16oC nhưng từ những người lao động phổ thông đến công nhân, các công chức nhà nước và đặc biệt là những doanh nghiệp vận tải đã bắt đầu cảm nhận được hơi nóng từ việc tăng giá xăng.

Không chỉ là mua xăng đắt hơn

 

Chia sẻ suy nghĩ với chúng tôi về quyết định tăng giá xăng chiều qua, anh Nguyễn Viết Tích, lái “xe ôm” tại khu tập thể Nam Đồng ngao ngán: “Nếu là người suốt ngày ngoài đường và thường xuyên tiếp xúc với nhiều người khác nhau, anh mới thấy xăng tăng giá gây khó khăn như thế nào với chúng tôi. Đã có giá chung, tăng một tí là khách kêu ngay”.

 

Anh Tích cho biết, mỗi ngày anh phải mua khoảng 3 - 5 lít xăng nên chi phí mua xăng tăng thêm từ 3.000 - 5.000 đồng/ngày, tính ra cả tháng, thu nhập của anh bị giảm tới 100.000 - 150.000 đồng.

 

Không bị giảm thu nhập nhiều như những người làm nghề “xe ôm” nhưng một lực lượng đông đảo trong xã hội là công nhân, viên chức cũng chịu tác động trực tiếp từ việc xăng tăng giá. Anh Đỗ Tiến Hà, cán bộ một công ty kiểm toán, cho biết với mức giá xăng mới, mỗi tháng anh sẽ phải chi thêm khoảng 20.000 đồng cho việc đi lại của mình.

 

Tuy nhiên, điều mà anh Tích, anh Hà và rất nhiều người khác lo ngại không chỉ là vấn đề tiền mua xăng tăng mà giá cả các mặt hàng khác cũng theo đà mà tăng lên. Bác Hoà, một người nội trợ tại khu tập thể Thành Công, chia sẻ: “Đã thành thói quen, mỗi khi xăng dầu tăng giá, người ta cứ vin vào để tăng giá từ mớ rau, con cá. Ở đâu cũng vậy, mình có cãi nhau với họ cũng đến vậy...”.

 

Cước taxi không đổi

 

Dù là một trong những đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp và lớn nhất từ quyết định tăng giá xăng nhưng hầu hết các công ty vận tải, các hãng taxi đều khẳng định họ sẽ giữ nguyên mức giá cước vận chuyển.

 

Trao đổi với chúng tôi chiều 7/3, anh Bùi Ngọc Thạch, Trưởng phòng Marketing công ty taxi Mai Linh tại Hà Nội, cho biết, việc giá xăng tăng thêm 900 đồng/lít khiến doanh thu của Mai Linh Hà Nội giảm khoảng 9 - 10 triệu đồng/ngày và nếu khoản tiền này được bù đắp hoàn toàn vào cước thì giá cước sẽ phải tăng thêm từ 7 - 10%.

 

Tuy nhiên, anh Thạch cho biết lãnh đạo Mai Linh Hà Nội chủ trương không tăng giá cước để đảm bảo quyền lợi của khách hàng. “Với những anh em lái xe thu nhập bị giảm, chúng tôi đang xây dựng kế hoạch hỗ trợ để thu nhập của anh em vẫn không bị giảm so với trước khi xăng tăng giá” - anh Thạch nói. Dự kiến mức hỗ trợ khoảng 300.000 - 400.000 đồng/lái xe/tháng.

 

Cũng khẳng định việc sẽ không tăng cước dù giá xăng tăng, anh Nguyễn Công Hùng, trưởng phòng marketing taxi Sao Sài Gòn, cho biết công ty đã có chính sách hỗ trợ lái xe ngay cả khi giá xăng giảm nên họ vẫn yên tâm công tác trước biến động của giá xăng. Anh Hùng còn cho biết, với lợi thế về đội xe chất lượng cao, tiết kiệm nhiên liệu nên ngay cả khi giá xăng có tăng lên 12.000 đồng/lít như năm ngoái thì Sao Sài Gòn cũng vẫn giữ nguyên mức cước như hiện nay.

 

Khá bất ngờ việc việc tăng giá xăng vượt mức dự đoán (500 đồng/lít) của nhiều người, đồng thời thuế nhập khẩu cũng giảm xuống còn 10% nhưng ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ôtô Việt Nam cho biết quyết định này chỉ tác động trực tiếp đến một số đơn vị sử dụng nguyên liệu xăng như các hãng taxi, còn đa số những xe chạy tuyến cố định đều dùng dầu nên hầu như không ảnh hưởng.

 

Ông Hùng cho biết hiệp hội sẽ có khuyến cáo với các đơn vị thành viên không tăng giá cước vận chuyển sau khi xăng tăng giá. Tuy nhiên, ông cho rằng các doanh nghiệp dù muốn cũng không tăng được: “Thực tế hiện nay có rất nhiều đối tượng khác nhau tham gia vận tải nên nếu anh đơn phương tăng giá cước sẽ chẳng khác nào tự sát” - ông Hùng nói. Để giảm tác động từ việc xăng tăng giá, theo ông Hùng, các đơn vị vận tải cần tìm mọi biện pháp tăng cường quản lý, giảm chi phí..., từ đó nâng cao hiệu quả kinh doanh.

 

Theo H.T

Vnmedia