Hậu WTO: Khả năng thu hút vốn FDI có lạc quan?

Theo số liệu thống kê mới nhất từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến chiều ngày 24/10, tổng lượng vốn thu hút FDI đã đạt hơn 6,48 tỷ USD, tương đương với 99,7% kế hoạch năm và tăng hơn 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhưng việc gia nhập WTO và đăng cai APEC liệu có ảnh hưởng gì tới tình hình thu hút vốn FDI?

Vênh báo cáo?

Vừa qua, Diễn đàn Liên Hiệp Quốc về Thương mại và Phát triển (UNTACD) đã công bố bản báo cáo về thương mại và đầu tư trên toàn thế giới năm 2005. Theo đó, Việt Nam đứng thứ 72 trên thế giới về thu hút đầu tư nước ngoài với số vốn 2,2 tỷ USD. Trong khi đó, số vốn đầu tư nước ngoài được Bộ Kế hoạch - Đầu tư thông báo năm ngoái là 6,8 tỷ USD.

Theo báo cáo của UNCTAD, Việt Nam hiện chỉ đứng ở mức trung bình thế giới về thu hút Đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng giá trị FDI là 2,2 tỷ USD. So với các nước trong khu vực, vốn đầu tư vào Việt Nam năm ngoái vẫn thấp hơn so với các nước Thái Lan, Indonesia, Malaysia. Tuy nhiên, theo các chuyên gia quốc tế có mặt tại Việt Nam, con số này của UNTACD chưa phản ánh hết bức tranh FDI tại Việt Nam.

Theo ông Jonathan Pincus, chuyên gia kinh tế cao cấp UNDP tại Hà Nội: "Sở dĩ có sự khác nhau giữa số liệu về đầu tư nước ngoài do UNCTAD công bố và số liệu do Bộ Kế hoạch - Đầu tư Việt Nam là do phương pháp tính toán. Số liệu của UNCTAD chỉ tính đến số vốn đầu tư đã được thực hiện, đã được giải ngân trong năm. Còn số liệu của Bộ Kế hoạch Đầu tư bao gồm cả số vốn giải ngân và vốn đăng ký cấp mới trong năm đó".

Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, bản báo cáo này cũng chỉ là một trong nhiều yếu tố mang tính tham khảo để các nhà đầu tư tiềm năng xem xét trước khi đưa ra quyết định đầu tư.

Nhiều hay ít - phụ thuộc vào chính sách

Hiện nay, các dòng vốn đầu tư nước ngoài vẫn đang đổ vào Việt Nam. 9 tháng đầu năm nay, số vốn đăng ký mới đã tăng một phần tư so với cùng kỳ năm ngoái với hàng loạt các dự án sắp được triển khai. Đó là những yếu tố quan trọng cho thấy các nhà đầu tư tiềm năng đánh giá tốt triển vọng đầu tư tại Việt Nam.

"Nhiều nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm đang chờ đợi cơ hội được hợp tác với nhiều hơn với đối tác Việt Nam trong lĩnh vực này. Vấn đề hiện nay là Việt Nam sẽ mở cửa đến đâu để chờ đón làn sóng đầu tư này mà thôi", ông Jonathan Pincus nói.

Cũng theo ông Jonathan, báo cáo FDI trên của UNTACD cũng chưa tính đến một sự kiện vừa diễn ra. Đó là Việt nam sẽ chính thức gia nhập Tổ chức thương mại thế giới WTO vào ngày 7/11 tới đây.

Sự kiện này đang được các nhà đầu tư nước ngoài đón nhận với một thái độ rất tích cực. Bởi gia nhập WTO cũng có nghĩa là hệ thống luật pháp, chính sách về đầu tư của Việt Nam phải được chỉnh sửa phù hợp với yêu cầu của quốc tế. Luật pháp được ban hành phải dựa trên sự bình đẳng giữa các loại hình doanh nghiệp.

Triển vọng hậu WTO

Với tư cách Phó Chủ tịch Phòng Thương mại Châu Âu (Eurocham) tại Việt Nam, ông Preben Hjortlund đã có những nhận định hết sức lạc quan về tình hình thu hút vốn đầu tư của Việt Nam giai đoạn hậu WTO: "Đúng là vẫn còn những lời phàn nàn trong việc thực thi các chính sách về đầu tư tại Việt Nam. Ví dụ như việc giải thích văn bản luật bằng nhiều cách khác nhau ở nhiều bộ, ngành và địa phương khác nhau. Nhưng điều này sẽ không còn tiếp tục khi gia nhập WTO".

"Thách thức lớn nhất hiện nay là làm thế nào để chúng ta có thể nhận được những lợi ích từ việc gia nhập WTO mang lại. Năm nay, vốn đầu tư mới vào Việt Nam có thể tăng nhiều so với năm ngoái. Nhưng quan trọng hơn, Việt Nam phải tạo cho được sự quan tâm lớn từ các nhà đầu tư nước ngoài từ việc gia nhập WTO của mình. Tôi tin Việt Nam sẽ làm được điều này".

Theo số liệu thống kê mới nhất từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến chiều ngày 24/10, tổng lượng vốn thu hút FDI đã đạt hơn 6,48 tỷ USD, tương đương với 99,7% kế hoạch năm và tăng hơn 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Chắc chắn, cùng với hai sự kiện vào cuối năm là Việt Nam gia nhập WTO và Việt Nam đăng cai Hội nghị APEC 2006, bức tranh FDI của Việt Nam sẽ có thêm nhiều mầu sáng trong thời gian tới đây.

Theo Thái Thanh
VTV