Hậu thời ông Trần Bắc Hà, BIDV vẫn chưa có tân chủ tịch
(Dân trí) - Tính từ thời điểm đặt chân vào "mảnh đất" BIDV, ông Hà đã có thời gian làm việc và gắn bó với ngân hàng này là 35 năm. Và dù chưa có tân chủ tịch, nhưng sau gần 1 năm ông Hà rời nhiệm sở, dưới quyền điều hành của ông Trần Anh Tuấn, người được giao phụ trách Hội đồng quản trị, BIDV đã có chuyển biến rõ rệt.
Phiên giao dịch ngày 9/8, dù báo chí đồng loạt đưa tin lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát đã bác bỏ thông tin bắt giữ ông Trần Bắc Hà, nguyên Chủ tịch BIDV song cổ phiếu BID của ngân hàng này vẫn bị bán tháo rất mạnh.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 9/8, cổ phiếu BID giảm kịch sàn, mất 1.500 đồng mỗi cổ phiếu, xuống còn 20.400 đồng. Phiên giao dịch không hề có dư mua trong khi dư bán sàn còn tới 142 nghìn đơn vị. Đáng nói là khối lượng khớp ở mã này vẫn mạnh, đạt xấp xỉ 9,7 triệu cổ phiếu, chứng tỏ vẫn có một bộ phận nhà đầu tư “ôm” vào cổ phiếu này nhân dịp giảm sâu.
Các cổ phiếu “họ BIDV” như BSI, BIC cũng giảm điểm. BIDV hiện là một trong những doanh nghiệp có vốn hóa thị trường lớn nhất trên thị trường chứng khoán hiện nay với quy mô vốn hóa gần 75.000 tỷ đồng.
Ngày 1/9/2016, ông Trần Bắc Hà chính thức nghỉ hưu tại BIDV sau 35 năm gắn bó với ngân hàng này và trong đó có gần 9 năm làm chủ tịch hội đồng quản trị.
Một năm sau khi ông Hà rời nhiệm sở, BIDV đã có chuyển biến rõ rệt. Báo cáo tài chính cho thấy, tính đến hết ngày 30/6/2017, tổng tài sản ngân hàng tăng vọt lên 1.100.433 tỷ đồng; Lợi nhuận trước thuế đạt 3.708 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái; Quy mô nợ xấu tăng lên 15.379 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu là 1,90% và các khoản phải thu là 15.432 tỷ đồng.
BIDV hiện vẫn chưa có tân chủ tịch. Sau khi ông Hà về hưu, ông Trần Anh Tuấn là thành viên hội đồng quản trị được giao nhiệm vụ điều hành hoạt động của BIDV. Tuy vậy, ông Tuấn cũng sắp đến tuổi nghỉ hưu (năm nay ông Tuấn đã 59 tuổi).
Tại BIDV, ông Trần Anh Tuấn đang có hơn 70 nghìn cổ phiếu BIDV. Ông Tuấn không phải là đại diện vốn nhà nước ở ngân hàng này.
BIDV đang có 2 đại diện vốn nhà nước, cùng là thành viên HĐQT, bao gồm ông Phan Đức Tú và ông Bùi Quang Tiên, mỗi người đại diện 30% vốn. Còn 40% vốn nữa nhà nước chưa có đại diện.
Ông Bùi Quang Tiên vừa được bầu bổ sung vào HĐQT ngân hàng hồi tháng 4 năm nay, trước đó ông là Vụ trưởng Vụ Thanh toán của Ngân hàng Nhà nước. Cá nhân vị lãnh đạo này không nắm giữ cổ phiếu BID.
Ông Trần Bắc Hà sinh năm 1956, nguyên quán Bình Định.
Tháng 2/1981, ông bắt đầu làm việc tại BIDV. Tháng 7/1991, ông là Giám đốc Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Chi nhánh Bình Định. Trong thời gian này, ông trực tiếp xây dựng, khởi tạo thành lập Sở Giao dịch 3, Công ty Chứng khoán, Công ty Quản lý nợ khai thác tài sản, Trưởng Ban Xử lý nợ Ngân hàng TMCP Nam Đô, chỉ đạo thành lập các hiện diện thương mại tại Lào, Campuchia, Myanmar, Cộng hòa Séc và chỉ đạo Văn phòng đại diện tại Lào, Campuchia, Myanmar.
Tháng 10/1999, ông là Phó Tổng Giám đốc BIDV. Tháng 5/2003, ông là Ủy viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc BIDV. Tháng 1/2008, ông được bổ nhiệm Chủ tịch HĐQT BIDV.
Như vậy, tính từ thời điểm đặt chân vào "mảnh đất" BIDV, ông Hà đã có thời gian làm việc và gắn bó với ngân hàng này là 35 năm. Còn tính thời gian ngồi "ghế nóng" trên cương vị Chủ tịch BIDV, ông Hà có thời gian 8 năm, 8 tháng.
Trong những lĩnh vực ngân hàng, ông Trần Bắc Hà được biết đến là một trong những "lão tướng", với nhiều phát ngôn gây chú ý trong dư luận. Ông còn là Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư Việt Nam sang Campuchia (AVIC), sang Lào (AVIL) và sang Myanmar (AVIM).
Theo báo cáo quản trị công ty 6 tháng đầu năm 2016, ông Trần Bắc Hà sở hữu 136.643 cổ phiếu BID, chiếm 0,004% vốn tại BIDV.
Và cũng dưới thời ông Trần Bắc Hà, BIDV có một bước tiến lớn về sự thay đổi trong hoạt động kinh doanh. Đó là trở thành công ty đại chúng và chính thức niêm yết trên thị trường chứng khoán ngày 24/1/2014. Vào ngày niêm yết, giá cổ phiếu BID của BIDV là 18.700 đồng/cổ phiếu.
BIDV dưới sự điều hành của ông Hà đã có bước tăng vọt từ tổng tài sản tăng từ 246.494 tỷ đồng (năm 2008) lên 930.267 tỷ đồng (tháng 6/2016); lợi nhuận trước thuế cũng tăng mạnh từ 2.350 tỷ đồng (năm 2008) lên 7.948 tỷ đồng (năm 2015), 6 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của BIDV là 3.311 tỷ đồng.
Tuy nhiên, cũng dưới thời ông Trần Bắc Hà, cùng với sự tăng trưởng về quy mô, tín dụng nên nợ xấu của BIDV cũng tăng. Cũng dưới thời ông Trần Bắc Hà, cùng với sự tăng trưởng về quy mô, tín dụng nên nợ xấu của BIDV cũng tăng. Cuối nhiệm kỳ của ông Hà cũng có một tin không vui nữa, đó là khoản tiền chi trả cổ tức cho cổ đông. Cụ thể, khoản cổ tức năm 2015 của BIDV dự tính trả bằng cổ phiếu, nhưng tháng 4 vừa qua, Bộ Tài chính đã “đòi” BIDV phải trả bằng tiền mặt.
Hiện tại, HĐQT BIDV đã ra nghị quyết chốt ngày chi trả cổ tức năm 2016 bằng tiền mặt, với tỷ lệ 7% (tức 1 cổ phiếu nhận được 700 đồng). BIDV sẽ trả cổ tức vào ngày 25/8 tới đây. Ngày đăng ký cuối cùng là ngày 10/8.
Tên tuổi ông Trần Bắc Hà không chỉ gắn liền với việc BIDV phát triển lên thành ngân hàng lớn, thuộc nhóm "big 4" trong làng ngân hàng Việt Nam, mà Chủ tịch BIDV còn “nổi như cồn” bởi thông tin sai lệch rằng, ông bị bắt giữ hồi tháng 2/2013.
Còn nhớ, thông tin đồn thổi đó đã gây ảnh hưởng xấu đến thị trường tài chính, tiền tệ thời điểm bấy giờ, khiến hàng loạt cổ phiếu bị “bán tháo”, các chỉ số chứng khoán sụt giảm mạnh như VN-Index giảm 18 điểm, tương đương 3,36%, còn HNX Index giảm 3,35 điểm, tương đương -5,3%. Gần 430 mã chứng khoán giảm điểm, trong đó 148 mã giảm sàn. Vốn hóa của thị trường chứng khoán đã mất 29.000 tỷ đồng trong chỉ 1 phiên giao dịch.
Hiện tại, HĐQT BIDV đã ra nghị quyết chốt ngày chi trả cổ tức năm 2016 bằng tiền mặt, với tỷ lệ 7% (tức 1 cổ phiếu nhận được 700 đồng). BIDV sẽ trả cổ tức vào ngày 25/8 tới đây. Ngày đăng ký cuối cùng là ngày 10/8.
Tên tuổi ông Trần Bắc Hà không chỉ gắn liền với việc BIDV phát triển lên thành ngân hàng lớn, thuộc nhóm "big 4" trong làng ngân hàng Việt Nam, mà Chủ tịch BIDV còn “nổi như cồn” bởi thông tin sai lệch rằng, ông bị bắt giữ hồi tháng 2/2013.
Còn nhớ, thông tin đồn thổi đó đã gây ảnh hưởng xấu đến thị trường tài chính, tiền tệ thời điểm bấy giờ, khiến hàng loạt cổ phiếu bị “bán tháo”, các chỉ số chứng khoán sụt giảm mạnh như VN-Index giảm 18 điểm, tương đương 3,36%, còn HNX Index giảm 3,35 điểm, tương đương -5,3%. Gần 430 mã chứng khoán giảm điểm, trong đó 148 mã giảm sàn. Vốn hóa của thị trường chứng khoán đã mất 29.000 tỷ đồng trong chỉ 1 phiên giao dịch.
Nguyễn Hiền