Hậu bàn giao 2 công ty con, Tổng công ty Giấy "đòi nợ" UBND tỉnh Thanh Hoá hơn 12,4 tỷ đồng
(Dân trí) - Để xử lý dứt điểm khoản nợ còn tồn đọng của 2 công ty lâm nghiệp đã được bàn giao cho UBND tỉnh Thanh Hoá, Vinapaco đề nghị tỉnh Thanh Hoá sớm thu xếp trả nợ cho Tổng công ty.
Tổng công ty Giấy Việt Nam (Vinapaco) vừa có công văn gửi UBND tỉnh Thanh Hoá về xử lý khoản nợ khi bàn giao 2 Công ty lâm nghiệp Cẩm Ngọc và Lang Chánh.
Trước đó, hồi tháng 5/2017, Tổng công ty Giấy Việt Nam đã bàn giao nguyên trạng 2 Công ty lâm nghiệp Cẩm Ngọc và Lang Chánh về UBND tỉnh Thanh Hoá quản lý, trong đó tồn tại khoản nợ, số tiền là 12,42 tỷ đồng của 2 công ty này còn nợ Tổng công ty chưa được xử lý.
Sau bàn giao, Vinapaco đã có 2 tờ trình Bộ Tài chính, Bộ Công Thương và UBND tỉnh Thanh Hoá đề nghị được hướng dẫn hạch toán và xử lý khoản nợ trên. Tiếp đó, Bộ Tài chính đã có văn bản hướng dẫn hạch toán và đề nghị tỉnh Thanh Hoá chỉ đạo đơn vị/doanh nghiệp tiếp nhận 2 công ty lâm nghiệp thực hiện đối chiếu xác nhận khoản nợ trên, tránh thất thoát tài sản nhà nước.
Ngày 11/10/2017, Vinapac làm việc với Sở Tài chính tỉnh Thanh Hoá để bàn biện pháp xử lý dứt điểm khoản nợ trên. Tuy nhiên, đến nay đã hơn 1 năm kể từ ngày bàn giao 2 công ty lâm nghiệp về UBND tỉnh Thanh Hoá quản lý, khoản nợ trên vẫn chưa được xử lý.
Để xử lý dứt điểm khoản nợ trên, Vinapaco đề nghị UBND tỉnh Thanh Hoá là đơn vị trực tiếp ký nhận bàn giao 2 đơn vị lâm nghiệp Cẩm Ngọc và Lang Chánh sớm thu xếp trả nợ cho Tổng công ty.
Đồng thời, có biện pháp thu xếp, xử lý hoặc giao cho các đơn vị liên quan tiếp nhận hai công ty lâm nghiệp nói trên trả nợ cho Tổng công ty, giao các đơn vị cụ thể liên quan ký xác nhận nợ, tránh thất thoát tài sản nhà nước.
“Tổng công ty Giấy Việt Nam đề nghị Bộ Công Thương và Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, xử lý hoặc có ý kiến để UBND tỉnh Thanh Hoá sớm trả khoản nợ trên cho Tổng công ty”, văn bản của Vinapaco nêu rõ.
Theo thông tin trước đó, Công ty Lâm nghiệp Lang Chánh sẽ được bàn giao cho Công ty CP Mía đường Lam Sơn, Công ty Lâm nghiệp Cẩm Ngọc được bàn giao cho Công ty CP xuất nhập khẩu Đồng Giao tiếp nhận nguyên trạng và tổ chức quản lý, sản xuất kinh doanh.
Trong phương án tổ chức sản xuất, sau khi tiếp nhận Công ty Lâm nghiệp Lang Chánh, Công ty CP Mía đường Lam Sơn sẽ tổ chức lại sản xuất, kinh doanh trồng các loại cây nông nghiệp công nghệ cao, cây ăn quả có múi; trồng rừng gỗ lớn và luồng thuần loài thâm canh xen cây gỗ lớn; chăn nuôi đại gia súc gắn với đầu tư cơ sở giết mổ, bảo quản cấp đông các sản phẩm từ thịt; xây dựng nhà máy sản xuất tre ép công nghiệp và khu dịch vụ thương mại; phát triển cây dược liệu dưới tán rừng tái sinh... trên diện tích đất đai được tiếp nhận.
Đối với Công ty CP xuất nhập khẩu Đồng Giao, sau khi tiếp nhận Công ty Lâm nghiệp Cẩm Ngọc, đơn vị sẽ tổ chức lại bộ máy quản lý. Đồng thời, đầu tư xây dựng nhà máy chế biến rau quả, khu dịch vụ thương mại. Trên diện tích đất được tiếp nhận, công ty quy hoạch trồng 1.000 ha chanh leo, dứa gai; 1.000 ha măng bát độ và gần 35 ha rau, quả, lúa hữu cơ. Riêng diện tích rừng công ty sẽ tổ chức chăm sóc, bảo vệ theo kế hoạch của tỉnh.
Phương Dung