Hành trình xanh hóa và nỗ lực của ngành ngân hàng Việt Nam

Toàn Thịnh

(Dân trí) - Với vai trò quan trọng trong nền kinh tế, sứ mệnh của các ngân hàng đóng góp vào xây dựng xã hội xanh, tương lai bền vững, chung tay hướng đến mục tiêu của đất nước giảm phát thải ròng về 0 vào năm 2050.

Biến đổi khí hậu ngày càng trở thành thách thức quan trọng đối với nhiều quốc gia trên toàn cầu, tác động đến mọi lĩnh vực của kinh tế, chính trị, ngoại giao và an ninh toàn cầu.

Tại Hội nghị Công ước khung Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26), Việt Nam và hơn 150 quốc gia khác đã cam kết hạ mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050.

Để đạt được mục tiêu trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045 và đồng thời đạt được mức phát thải ròng 0 vào năm 2050, Việt Nam đang đối mặt với thách thức của việc phải xây dựng nền kinh tế thấp carbon mà vẫn duy trì tốc độ phát triển. Điều này đòi hỏi sự đồng lòng và nỗ lực mạnh mẽ từ các bộ ngành, cũng như sự hỗ trợ từ nhiều tổ chức và cơ sở tài chính quốc tế, trong nước.

Là ngành dẫn dắt nền kinh tế khi cung cấp, điều phối nguồn vốn dựa trên quy trình thẩm định rủi ro chặt chẽ, các ngân hàng đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy lớn đối với các doanh nghiệp là khách hàng của ngân hàng trong việc thiết lập những chuẩn mực mới về phát triển bền vững.

Số liệu tổng hợp từ Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) cho thấy, giai đoạn 2017-2022, dư nợ cấp tín dụng của hệ thống đối với các lĩnh vực xanh tăng trưởng bình quân hơn 23%/năm. Đến ngày 30/6/2023, dư nợ cấp tín dụng xanh đạt gần 528.300 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng khoảng 4,2% tổng dư nợ toàn nền kinh tế.

Các ngân hàng cũng đi đầu trong hoạt động bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng, phân loại rác thải trong hoạt động nội bộ. Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã triển khai nhiều giải pháp để các tổ chức tín dụng góp phần thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia như phê duyệt Đề án phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam, xây dựng Chương trình hành động thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, xây dựng thông tư về quản lý rủi ro môi trường, xã hội trong hoạt động cấp tín dụng, tăng dần tỷ trọng dư nợ tín dụng xanh…

Các tổ chức tín dụng cũng đã thể hiện sự quan tâm lớn tới trách nhiệm phát triển tín dụng xanh, xây dựng chính sách cấp tín dụng ưu đãi đối với khách hàng có phương án, dự án sản xuất, kinh doanh đáp ứng mục tiêu tăng trưởng xanh trong bối cảnh nhu cầu đối với những sản phẩm xanh, sản phẩm đáp ứng các điều kiện bảo vệ môi trường ngày càng tăng mạnh.

Hành trình xanh hóa và nỗ lực của ngành ngân hàng Việt Nam - 1
TPBank tiên phong triển khai loạt biện pháp nhằm thực hiện trách nhiệm phát triển bền vững, góp phần bảo vệ môi trường, hỗ trợ cộng đồng (Ảnh: TPBank).

Trong đó, Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) là một trong những định chế tài chính tiên phong trong việc triển khai chiến lược ESG (môi trường, xã hội và quản trị) toàn diện tại Việt Nam, đưa ngân hàng không chỉ trở thành nơi cung cấp sản phẩm và dịch vụ tài chính mà còn là đối tác chủ động và tích cực tham gia các hoạt động xã hội và bảo vệ môi trường.

Ngân hàng dành một phần tín dụng hướng tới các dự án năng lượng sạch và điện tái tạo, nhằm giúp giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường. Điều này không chỉ đồng hành cùng xu hướng toàn cầu về năng lượng sạch mà còn thể hiện định hướng của TPBank về đồng hành phát triển tương lai xanh và nâng cao chất lượng sống của cộng đồng.

TPBank cũng hợp tác chặt chẽ với Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) để hỗ trợ dòng vốn cho các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ. Đây là một bước đi quan trọng của TPBank tạo động lực giúp người phụ nữ Việt Nam tự tin xây dựng sự nghiệp, đồng hành trong giai đoạn đầu phát triển, tạo nên những doanh nghiệp mạnh mẽ do phụ nữ làm chủ, tích cực góp phần vào sự phát triển của xã hội.

Đồng thời, TPBank đã và đang thực hiện nhiều dự án hoạt động vì cộng đồng. Ngân hàng tham gia vào các dự án thiện nguyện, từ việc xây dựng các công trình công cộng đến những điểm trường và nhà tình thương. Để kỷ niệm 15 năm thành lập, TPBank đã triển khai phong trào thiện nguyện tại các địa đầu tổ quốc, bao gồm Hà Giang, Điện Biên, Trường Sa và Đất Mũi - Cà Mau.