1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Hàng tiêu dùng nhanh bán chậm: "Bốc thuốc" gì chữa bệnh?

Nguyễn Khánh

(Dân trí) - Để hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp, các chuyên gia cho rằng cần triển khai nhiều biện pháp tích cực về cải thiện môi trường kinh doanh, ổn định chính sách, không tăng thuế phí...

Ngành hàng tiêu dùng nhanh chật vật hậu Covid-19

Cú sốc đại dịch Covid-19 trong năm 2020 đã gây nên tác động sâu rộng trên bình diện toàn cầu. Sang 2021, các chuyên gia tiếp tục nhận định đây vẫn là một năm đầy khó khăn đối với cộng đồng doanh nghiệp.

Một trong những điều khiến không ít nhà sản xuất lo lắng đó là sự thay đổi hành vi tiêu dùng của hàng tỷ người trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam.

Kinh doanh ế ẩm từ đầu năm đến nay, bà Nguyễn Thị Xuyến - quản lý một cửa hàng phân phối hàng tiêu dùng khu vực Hà Đông, Hà Nội - cho biết: Do khó khăn, người tiêu dùng chi tiêu rất ít, chủ yếu tập trung vào những mặt hàng thực sự thiết yếu cho cuộc sống hằng ngày. Doanh thu mặt hàng nhiều ngành như đồ gia dụng, đồ uống đều giảm.

Hàng tiêu dùng nhanh bán chậm: Bốc thuốc gì chữa bệnh?  - 1

Người tiêu dùng Việt Nam cân nhắc chi tiêu những mặt hàng thực sự thiết yếu (Ảnh minh họa).

Trao đổi với PV Dân trí, chuyên gia kinh tế Lê Duy Bình cho rằng sức mua của người tiêu dùng trong nước sẽ là một thách thức chúng ta cần vượt qua trong năm 2021. Chính điều này tạo nên sức ép không hề nhỏ đối với những ngành hàng tiêu dùng nhanh, trong đó đặc biệt là nhóm ngành đồ uống.

Cụ thể, tiêu dùng trong ngành hàng đồ uống không cồn giảm 9,2% và đồ uống có cồn giảm 12,9% so với năm 2019, riêng ngành hàng nước giải khát phải đối mặt với mức tăng trưởng âm 10% khi lượng tiêu thụ giảm xuống thấp nhất kể từ năm 2018 (theo Nielsen IQ).

Trong một báo cáo từ Nielsen cho thấy, ngành hàng tiêu dùng nhanh bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 và vẫn đang chật vật hồi phục.

Theo đó, khi đề cập tới mô hình cuộc sống "Hậu Covid-19", nhóm Intelligence toàn cầu của Nielsen đã chỉ ra rằng: Chịu ảnh hưởng tiêu cực từ kinh tế, tài chính và tình trạng thất nghiệp, sinh kế và thu nhập của nhiều người tiêu dùng bị giảm sút nghiêm trọng. Người tiêu dùng sẽ tái ưu tiên những gì họ có thể mua ở mức chỉ để sống.

"Vì Covid-19 đã lan mạnh ra khắp toàn cầu, cách ly xã hội, đóng cửa doanh nghiệp và gia tăng thất nghiệp đã làm giảm niềm tin của người tiêu dùng và sự sẵn sàng chi tiêu của họ. Việt Nam đã thành công vượt qua làn sóng của đại dịch, Việt Nam đang trong giai đoạn Phục hồi, tuy nhiên, nhìn chung niềm tin tiêu dùng trở nên suy yếu vì những tác động của đại dịch đã ảnh hưởng đến cuộc sống cá nhân cũng như triển vọng tương lai của nhiều người" - bà Louise Hawley, Tổng Giám Đốc Nielsen Việt Nam - chia sẻ.

Báo cáo của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy, do chịu ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19, trong quý I/2021, tỷ lệ thất nghiệp tăng gần 2,42% và nhu cầu mua sắm giảm. Theo đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2021 giảm 0,27%.

Cách nào gỡ khó?

Khi đề cập về giải pháp, không thể phủ nhận những nỗ lực lớn của Chính phủ. Trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, dù ngân sách nhà nước rất eo hẹp, nhưng Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chịu tác động do dịch Covid-19.

Trong báo cáo "Tác động của dịch bệnh Covid-19 đối với doanh nghiệp Việt Nam - một số phát hiện chính từ Điều tra doanh nghiệp năm 2020" của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), những giải pháp hỗ trợ của Chính phủ, đặc biệt là những ưu đãi về thuế được doanh nghiệp xem là những giải pháp thiết thực nhất trong giai đoạn khó khăn.

Một số chính sách như gia hạn đóng thuế thu nhập doanh nghiệp, gia hạn đóng thuế giá trị gia tăng nhìn chung cũng được doanh nghiệp đánh giá dễ tiếp cận hơn cả.

Cũng theo báo cáo trên, các doanh nghiệp đã kiến nghị một số giải pháp mà Nhà nước có thể thực hiện để giúp doanh nghiệp phục hồi hoạt động trong thời gian tới. Trong đó, miễn giảm thuế, không đưa ra các loại thuế mới là kiến nghị phổ biến nhất khi có tới hàng nghìn lượt doanh nghiệp đề cập đến.

Do chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19, một số doanh nghiệp đề nghị Nhà nước tính toán giảm thuế cho doanh nghiệp hoặc thậm chí miễn thuế thu nhập doanh nghiệp, và duy trì chính sách này thêm trong ít nhất 1 năm nữa.

Trong khi đó, một số doanh nghiệp cũng đề xuất cần miễn giảm cả thuế môn bài, thuế khoán cho những hộ kinh doanh nhằm vực dậy khu vực này đồng thời khuyến khích hộ kinh doanh chuyển đổi sang hình thức doanh nghiệp. Một số doanh nghiệp cũng kỳ vọng vào môi trường chính sách ổn định, không tăng thuế hoặc đưa ra các chính sách thuế mới vào thời điểm này.

Việc giảm thuế cũng là chiến lược của hầu hết các quốc gia trên thế giới nhằm giảm bớt những tác động tiêu cực của dịch Covid-19 trong giai đoạn vừa qua.

Trên thực tế, "dư âm" tác động của dịch Covid tại Việt Nam không phải chỉ một sớm, một chiều. Ông Thomas Mc. Clelland - Chủ tịch Tiểu ban Thuế và Chuyển giá của EuroCham (Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam) - cho rằng, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp về thuế trong năm qua, khi doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 là hết sức tích cực.

Những chính sách như giãn thuế cho các DN, giảm thuế TNDN, được khấu trừ thuế đối với các khoản chi cho Covid-19, tăng giảm trừ người phụ thuộc và giảm trừ gia cảnh đối với thuế thu nhập cá nhân... vẫn cần được xem xét và triển khai ít nhất đến hết 2021 để "khoan sức doanh nghiệp".

Đồng quan điểm, nhiều chuyên gia cũng chỉ ra Việt Nam cần có chính sách hỗ trợ theo hướng tạo thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp trụ lại được và có khả năng vượt lên sau dịch Covid-19.

Để hỗ trợ cho nền kinh tế, Chính phủ, các bộ, ban, ngành và các tổ chức có liên quan cần tiếp tục triển khai nhiều biện pháp tích cực về cải thiện môi trường kinh doanh, tiếp tục có những hỗ trợ về thuế, phí cho doanh nghiệp hoặc ít nhất là giữ được môi trường chính sách ổn định, không tăng thuế hoặc đưa ra các chính sách thuế mới vào thời điểm này.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm