1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Hàng Thái, Nhật ngập thị trường

Hàng hóa nhập từ Thái Lan, Nhật Bản đang “làm mưa làm gió” trên thị trường. Theo lộ trình, thuế nhập khẩu hàng ngàn mặt hàng từ các nước này vào Việt Nam sẽ dần về 0%, cuộc “đổ bộ” hàng ngoại càng rầm rộ, sức ép cạnh tranh đối với doanh nghiệp nội thêm phần khốc liệt.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

Phố quần áo Nguyễn Trãi (quận 5, TP HCM) có khá nhiều cửa hàng treo bảng giới thiệu sản phẩm thời trang được nhập trực tiếp từ Thái Lan. Nhiều nhất là quần áo dành cho lứa tuổi trung niên và trẻ em. Chị Lê Ngọc Liên, chủ cửa hàng quần áo Kha Thy, cho biết gần 2 năm nay đã ngưng lấy hàng của Trung Quốc và Việt Nam, chuyển sang buôn hàng Thái.

Quen mắt, dễ xài

Theo chị Liên, hàng Thái tuy giá nhỉnh hơn so với hàng sản xuất trong nước nhưng bù lại mẫu mã đẹp. “Giá vận chuyển giờ đã giảm, chỉ còn 50.000-90.000 đồng/kg hàng. Trong khi đó, giá mỗi bộ quần áo của Thái Lan tương đương giá sản xuất tại Việt Nam, lâu nay người Việt hễ thấy hàng ngoại là thích mua nên bán rất chạy” - chị Liên nói.

Một cửa hàng tại quận 7, TP HCM chuyên bán các mặt hàng được nhập về từ Thái Lan Ảnh: Hoàng Triều
Một cửa hàng tại quận 7, TP HCM chuyên bán các mặt hàng được nhập về từ Thái Lan Ảnh: Hoàng Triều

Tương tự, trên đường Nguyễn Oanh, Quang Trung (quận Gò Vấp) có không dưới 10 cửa hàng kinh doanh đồ gia dụng, bàn ghế của Nhật Bản. Khu vực gần ngã sáu Gò Vấp có tới 3 cửa hàng bán đồ gia dụng, mỹ phẩm Thái, Nhật nằm sát nhau nhưng không khi nào vắng khách. Giá bán ở đây so với hàng trong nước cao hơn 10%-15%/sản phẩm. Đến khu chợ đêm Hạnh Thông Tây (quận Gò Vấp) lại bắt gặp nhiều điểm bán giày, dép của Thái Lan với giá từ 30.000-55.000 đồng/đôi. Trên đường Nguyễn Tất Thành (quận 4), Nguyễn Văn Linh (quận 7) đầy rẫy các điểm bán quần áo của Thái Lan với giá chỉ từ 30.000-70.000 đồng/sản phẩm. Anh Lê Anh Tâm, thợ xây dựng, lựa 2 chiếc quần jean có giá bán 128.000 đồng, nói: “Hàng Thái mặc thoáng mát, mặc dù đồ bành nhưng vẫn còn bắt mắt và sử dụng được lâu”.

Chuỗi hàng tiện ích Family Mart, Circle K, B’s Mart… ở TP HCM có bán rất nhiều mì gói, thức ăn nhanh nhập trực tiếp từ Thái, Nhật, giá bán từ 18.000-27.000 đồng/sản phẩm nhưng tiêu thụ khá tốt.

Không chỉ nở rộ ở các cửa hàng, đại lý chuyên kinh doanh hàng Thái, Nhật và các siêu thị, trung tâm thương mại, hàng Thái, Nhật còn âm thầm chinh phục, bám rễ khá sâu vào thói quen tiêu dùng ở TP HCM. Chị Nguyễn Thanh Tú (nhà ở quận 7), “tín đồ” của hàng Thái từ nhiều năm nay, cho biết: “Trước đây, hội chợ hàng Thái Lan chỉ tổ chức 1 lần/năm, gần đây thì 3-4 lần/năm. Hàng hóa tại các kỳ hội chợ khá ổn định, không có nhiều sản phẩm mới nhưng được cái là các mặt hàng “made in Thailand” chính hiệu, đưa trực tiếp từ Thái Lan sang tham gia hội chợ hoặc do các công ty, đại lý phân phối ở TP HCM bán. Tôi và một số bạn thân thường mua giấy vệ sinh, mì gói, bún gạo Thái. Giấy mềm, dai hơn; mì gói không nhiều dầu mỡ, bún gạo ngon, đặc biệt là an tâm đó là hàng Thái chính gốc, không sợ mua nhầm hàng Trung Quốc”.

Các cửa hàng đồng giá Nhật Bản như Hachi Hachi, Daiso, Tokutokuya… trở thành địa chỉ quen thuộc của các bà nội trợ thích săn hàng “độc”. Chỉ 40.000-45.000 đồng/vật dụng gia đình, đồ dùng nhà bếp và nơi đây thỉnh thoảng có hàng mới, lạ, tiện dụng.

Không ngừng “bành trướng”

Ông Vũ Văn Đang, Giám đốc Công ty Nhập khẩu Bình Minh (quận Bình Tân), cho biết hàng Thái Lan, Nhật Bản bắt đầu vào Việt Nam từ những năm 2009 thông qua các đợt xúc tiến thương mại, hội chợ. Từ một công ty vận tải hàng hóa, nay ông chuyển hẳn sang nhập khẩu hàng Thái về Việt Nam, chủ yếu là quần áo, thực phẩm. Ông Đang nhận định: “Trước năm 2010, hàng Thái đã có mặt tại Việt Nam. Tuy nhiên những năm gần đây, sản phẩm của quốc gia này có nhiều người ưa chuộng nên được nhập về ồ ạt”.

Tập đoàn Aeon Mall của Nhật Bản đã đầu tư xây 3 trung tâm thương mại có quy mô lớn ở Việt Nam. Theo đại diện của tập đoàn này, đến năm 2020 sẽ xây tổng cộng 20 trung tâm thương mại trên cả nước để trực tiếp đưa hàng Nhật sang bán. Bên cạnh đó, Aeon cũng đang bắt tay với các doanh nghiệp bán lẻ trong nước xây dựng chuỗi phân phối hàng hóa quy mô lớn. Cụ thể, đã mua lại 30% cổ phẩn Fivimart và 49% cổ phần của Citimart, từng bước tăng sự hiện diện của các sản phẩm Nhật tại những hệ thống bán lẻ này.

Ở phân khúc cửa hàng tiện ích, các “ông lớn” Thái Lan và Nhật Bản không ngừng thâu tóm thị trường. Ông Kigure Takehiko, CEO Family Mart, cho biết 5 năm tới sẽ đẩy mạnh đầu tư gấp 10 lần, tức nâng 100 cửa hàng tiện ích hiện tại lên con số 1.000. Mục tiêu Family Mart đặt ra là lọt vào tốp 5 cửa hàng bán lẻ tại Việt Nam. “Việt Nam với dân số trên 90 triệu dân trong khi số lượng các cửa hàng tiện ích khá khiêm tốn nên việc đầu tư sẽ bảo đảm sinh lãi” - ông Kigure Takehiko tự tin.

Tập đoàn Berli Jucker (BJC) cũng đã mua lại 40 cửa hàng Family Mart, dần đưa hàng Thái len lỏi vào thị trường nội địa. Chưa dừng lại, BJC bỏ ra 880 triệu USD thâu tóm luôn chuỗi buôn bán khổng lồ Metro Việt Nam để nắm quyền kiểm soát việc cung cấp hàng hóa.

Kỳ tới: Từ nhà hàng…tràn xuống vỉa hè

Mỹ phẩm Thái nhập lậu gia tăng

Chi cục QLTT TP HCM vừa kiểm tra, phát hiện nhiều loại mỹ phẩm lậu xuất xứ Thái Lan. Các loại mỹ phẩm bị tạm giữ gồm: kem dưỡng da Emon, NE, POP, Young One, PC, thuốc nhuộm tóc Revlon, kem dưỡng thể hiệu Whitening, kem dưỡng da Olay, sữa tắm Suave, kem đánh răng Crest, bút kẻ mắt Natural...

Đầu tháng 4, Đội QLTT 5B kiểm tra một cơ sở chuyển phát nhanh tại quận 5, cũng đã phát hiện 8.525 chai, hũ, lọ mỹ phẩm xuất xứ Thái Lan các hiệu See chuan, Listerine, Pond, Gustang Berrin… của một số người từ Châu Đốc (An Giang) chuyển về.

Ng.Ánh
 
Theo Lê Phong - Đông Nghi
Người Lao động
 

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm