Hàng nhái hoành hành trên mạng, "sống khỏe" nhờ dân sính hàng hiệu
(Dân trí) - Nhờ siêu lợi nhuận, các hội nhóm bán hàng hiệu rởm ngày càng nở rộ, phát triển với quy mô lớn. Thậm chí, việc buôn bán. trao đổi hàng giả, hàng nhái trên chợ mạng còn diễn ra công khai.
Trên mạng xã hội, các hội nhóm buôn bán hàng hiệu rởm mọc lên "như nấm" với quy mô hàng nghìn hội viên.
Điểm chung các hội nhóm này là đều buôn bán hàng hiệu rởm đến từ các thương nổi tiếng trên thế giới như Nike, Adidas, Hermès, LV, Chanel với giá siêu rẻ. Thậm chí, việc trao đổi mua, bán hàng giả còn diễn ra công khai và quảng cáo rầm rộ. Chỉ cần khách có tiền là có thể mua sản phẩm được làm nhái bất cứ thương hiệu nào với độ giống tới 90% so với hàng thật.
Chị Hương, người bán quần áo trên chợ mạng chia sẻ, thế giới hàng hiệu rởm còn được phân tầng, chia lớp, giá càng cao thì hàng càng giống thật. Như hàng hiệu rởm, loại cao cấp nhất được gọi là replica, nghĩa là hàng bản sao, mô phỏng. Nhưng trong replica lại có replica thường và replica 1:1.
"Hàng replica 1:1 được làm nhái công phu, tỉ mỉ có chất lượng giống hệt sản phẩm chính hãng, bằng mắt thường không thể phân biệt nổi. Còn hàng replica thường chỉ giống 90% hàng chính hãng. Tiếp theo là hàng super fake, hàng fake thì có chất liệu, ngoại hình, độ giống thấp hơn" - chị Hương cho biết.
Ngoài ra, chị Hương còn tiết lộ, trong lĩnh vực thời trang, giày là sản phẩm được làm nhái nhiều nhất, chủ yếu đến từ các thương hiệu như Nike, Adidas, Gucci... Một đôi giày Gucci thật có giá cả chục triệu đồng thì hàng replica 1:1 chỉ 2,5 triệu đồng, replica thường có giá là 1 triệu đồng. Dòng giày chạy bộ Adidas loại thật có giá 5 triệu đồng trong khi đó hàng rởm chỉ dao động ở mức 300.000 - 500.000 đồng/đôi.
"Mặt hàng này tồn tại, phát triển mạnh là do nhu cầu của người tiêu dùng tăng cao. Đa phần khách thường là học sinh, sinh viên, người có thu nhập thấp nhưng muốn sử dụng hàng hiệu. Hơn nữa, việc buôn hàng giả mang về cho dân buôn chúng tôi lợi nhuận khổng lồ, thường là 1 vốn 4 lời, nếu tìm được bên cung ứng hàng chất lượng" - chị nói.
Là một tay buôn hàng hiệu lâu năm, anh T.T (Hà Nội) thừa nhận, thi thoảng trong các kiện hàng của anh nhập về nước sẽ có một vài sản phẩm là hàng rởm. Bởi chỉ cần bán 2 - 3 chiếc túi, đôi giày hàng hiệu giả là anh có thể thu được khoản lãi lớn.
Anh T còn cho biết thêm, các công xưởng làm đồ hiệu rởm đa phần đến từ vùng Tô Châu, Quảng Châu ở Trung Quốc. Nếu không phải khách quen, mối tin cậy thì sẽ không bao giờ được dắt vào xưởng mà chỉ tiếp cận qua một bên thứ ba. Còn nếu muốn hàng càng giống thật thì phải bỏ ra số tiền lớn, đặt làm riêng theo yêu cầu.
"Như tôi là dân buôn lâu năm thì sẽ không phải làm việc qua đầu mối mà được dắt thẳng vào xưởng để xem, lựa hàng. Sau khi ưng ý, hàng sẽ được một công ty vận chuyển theo đường bộ về Việt Nam" - anh bật mí.
Tương tự, chị Linh Nga, bán quần áo trên chợ mạng cho hay, chỉ cần khách đưa mẫu, bất cứ sản phẩm nào chị cũng có thể làm nhái, làm giả được, mà mức giá chỉ bằng 1/3 so với hàng thật.
"Thông thường, mọi người sẽ tìm ảnh về sản phẩm muốn mua rồi gửi cho tôi. Sau đó, tôi sẽ gửi ảnh sang phía bên kia xưởng Trung Quốc đặt làm. Tùy vào số tiền mọi người bỏ ra mà hàng sẽ có độ giống thật là bao nhiêu" - chị nói.
Để tránh sự rà soát của các cơ quan chức năng, đa phần, chị Nga đều bán hàng trên mạng. Sau khi hàng về tới Việt Nam, chị sẽ thuê một bên thứ ba vận chuyển tới tay khách.
"Nếu lượng khách đều, mỗi tháng tôi cũng thu về 30 - 40 triệu đồng tiền lãi từ công việc này. Để đỡ vất vả, tôi còn tuyển thêm mạng lưới cộng tác viên trên cả nước, ăn chia theo hình thức 50:50" - chị tiết lộ.
Như Dân trí đưa tin, ngày 17/3, Tổ 368 Tổng cục quản lý thị trường đã phối hợp với Cục QLTT Nam Định, Công an tỉnh Nam Định kiểm tra kho tàng trữ hàng hóa giả thương hiệu Hermès, LV, Chanel… tại thôn Đại Lại, xã Vĩnh Hào, Vụ Bản, Nam Định.
Kho hàng rộng hơn 500m2 tàng trữ hàng chục nghìn các sản phẩm chủ yếu là túi nhái thương hiệu Hermès - một hãng thời trang xa xỉ có trụ sở ở Paris, Pháp. Chưa có con số chính xác song lực lượng quản lý thị trường đã phải dùng tới 10 xe 3,5 tấn mới di chuyển hết số hàng vi phạm.