Hàng nghìn người Việt thành chủ nợ bất đắc dĩ của sàn tiền FTX

Thảo Thu

(Dân trí) - Không ít người Việt sử dụng sàn giao dịch FTX bị mắc kẹt tài sản ở nền tảng, không kịp rút tiền. Những người gom token FTT của FTX cũng không ngờ tài sản thành "coin rác".

Sam Bankman-Fried cần chưa đầy 3 năm đưa FTX thành sàn tiền số lớn thứ 3 thế giới, nhưng rồi sàn này sụp đổ chỉ trong vài ngày và có cả triệu chủ nợ. Cú lao dốc của Sam Bankman-Fried và sàn FTX khiến nhiều công ty tiền số tổn thất hàng triệu USD. Các nhà đầu tư Việt Nam cũng chung cảnh khi mắc kẹt tiền trên sàn và không rõ ngày có thể lấy lại.

Hàng nghìn người Việt thành nạn nhân FTX

Trước khi dừng hoạt động, nhóm hỗ trợ của FTX dành riêng cho người dùng Việt có hơn 9.400 thành viên. Trao đổi với Dân trí, không ít nhà đầu tư sử dụng sàn giao dịch này nói bị mắc kẹt tài sản ở nền tảng, không kịp rút về ví tiền số.

"Ứng dụng không thể đăng nhập từ ngày 9/11. Tôi còn hơn 10.000 USD trên sàn, không thể rút về được", Hoàng Mạnh, sống tại Hà Nội, ngậm ngùi cho biết.

Tuy FTX không phổ biến ở Việt Nam bằng Binance song lượng người dùng ở sàn FTX vẫn cao. Nhiều người Việt chọn lưu trữ tài sản trên sàn FTX vì nền tảng này lớn. Để tiền trên FTX để nhận mức lãi linh hoạt 5-8%/năm. Do vậy, khi sàn sụp đổ, không ít người bị mất một lượng lớn tài sản số.

"Tôi gửi hơn 5.000 USD trên FTX để lấy lãi. Hôm 8/11, gần như không ai có thể rút tiền từ nền tảng. Giờ xem như mất trắng hết", Hải An (Hà Nội) nói và cho rằng để tiền trên FTX còn nguy hiểm hơn là chơi xổ số. Anh không ngờ một ngày mình lại trở thành chủ nợ bất đắc dĩ của sàn giao dịch.

Anh có một nhóm bạn chịu tình cảnh tương tự, vì tin tưởng nhà sáng lập 9x Sam Bankman-Fried, vốn nổi tiếng với việc luôn nỗ lực xây dựng sàn giao dịch tiền số tuân thủ pháp luật.

Hàng nghìn người Việt thành chủ nợ bất đắc dĩ của sàn tiền FTX - 1

Nhiều người Việt thành chủ nợ của FTX (Ảnh: News7f.com).

Điều tương tự cũng xảy đến với những người không kịp "thoát hàng" token FTT của FTX khi thị giá lao dốc. Trong 2 ngày 8/11 và 9/11, khi giá FTX liên tục giảm, từ 22 USD xuống 4 USD, nhiều người cho biết cú sập FTX diễn ra quá nhanh, khiến cho họ không kịp xoay xở.

Nhưng vẫn có một lượng người kịp "thoát hàng" ở vùng giá thấp. Lệnh mua đối ứng là của các nhà đầu tư đã mạo hiểm "bắt đáy" FTT. Nhưng kịch bản giống đồng tiền số LUNA đã không lặp lại.

Ngày 10/11, khi FTT giảm còn 3,5 USD, Văn Báu, sống tại TPHCM, quyết định mua vào 600 token, tương đương 2.100 USD. Sau chưa đầy một tuần, số tiền giảm về dưới 1.000 USD. Tính đến tối 16/11, giá FTT tiếp tục giảm, chỉ còn quanh mức 1,6 USD. Tuy nhiên, người chơi không giao dịch được vì chỉ có người bán, không còn người mua.

Khi sàn mất thanh khoản, nhiều người đã lên nhóm Telegram chính thức của FTX dành cho người Việt phản ánh. Tuy nhiên, quản trị viên thông báo nhóm ngừng hoạt động và mọi thắc mắc được chuyển qua nhóm hỗ trợ toàn cầu. Nhưng trên nhóm hỗ trợ quốc tế cũng chỉ có người dùng từ khắp nơi liên tục cập nhật về tình trạng không thể đăng nhập và không nhận được hỗ trợ từ ban quản trị.

Hàng nghìn người Việt thành chủ nợ bất đắc dĩ của sàn tiền FTX - 2

Nhóm Telegram chính thức của FTX dành cho người Việt dừng hoạt động sau sự cố (Ảnh chụp màn hình).

Cẩn thận hiệu ứng domino

Trao đổi với Dân trí, ông Đào Tiến Phong, Giám đốc điều hành hãng luật Investpush Legal và là người tư vấn pháp lý cho FTX tại Việt Nam, cho biết "không thể tin được một đế chế như thế có thể sụp đổ dễ dàng chỉ trong 3 ngày".

Ông Phong thông tin, trước đây, FTX coi trọng pháp lý và rất cẩn trọng khi đi vào mỗi thị trường. "Nếu thị trường chưa có khung pháp lý thì họ sẵn sàng đợi chứ chưa đẩy mạnh thị trường đó. Nền tảng toàn cầu thì ai cũng tham gia được, nhưng FTX không mở một thực thể pháp lý cho tới khi có quy định pháp lý chắc chắn", ông Phong cho biết.

Chính ông cũng không biết nguyên nhân sâu xa khiến FTX sụp đổ. "Thậm chí nhân viên của FTX cũng vậy, trừ dàn lãnh đạo cấp cao", ông cho hay. Ông Phong đã nói chuyện với các nhân viên của FTX để hiểu thêm tình hình và chỉ nhận được phản hồi nhiều người trong số họ mất niềm tin lẫn tiền bạc.

Ông cho rằng, nhìn từ góc độ pháp lý, sẽ ngày càng khó khăn cho mọi sàn, dự án trong thế giới crypto sau sự kiện này: "Chưa kể hiệu ứng domino khi gần tới Noel, giai đoạn hết sức nhạy cảm".

Hàng nghìn người Việt thành chủ nợ bất đắc dĩ của sàn tiền FTX - 3

Binance đã "thoát" kịp thời trước sự sụp đổ của FTX (Ảnh: Reuters).

Theo người tư vấn pháp lý cho FTX tại Việt Nam, những quỹ đầu tư và nhà đầu tư hay có khuynh hướng tìm dự án có các quỹ đầu mạo hiểm chuyên cung cấp vốn tham gia để đầu tư theo, nhưng cần bình tâm xem tỷ trọng nắm giữ cổ phần của họ. "Một khi họ thoát ra vì bất kỳ lý do gì thì chúng ta cũng bị ảnh hưởng nặng nề", ông nhận định. Binance đã "thoát" kịp thời trước sự sụp đổ của FTX nhưng đây cũng là nguyên nhân quan trọng khiến FTX sụp đổ.

Ông này cũng cho rằng các chủ sàn cũng không vội mừng khi thấy sàn đối thủ bị sập hay thiệt hại vì chuyện đó có thể xảy ra với bất kỳ tổ chức nào. "Các sàn cũng nên ngay lập tức có biện pháp chống rủi ro vì có thể cơ quan quản lý sẽ siết chặt sàn và các quỹ đầu tự mạo hiểm lớn, để tránh những sự kiện như vậy tiếp diễn", ông chỉ ra.