Sau FTX, thêm một đế chế tiền số 10 tỷ USD có dấu hiệu khủng hoảng
(Dân trí) - Việc tạm dừng rút tiền tại hãng môi giới Genesis trong bối cảnh cuộc khủng hoảng thị trường tiền điện tử ngày càng lan rộng khiến dư luận dồn sự chú ý không mong đợi lên Barry Silbert, người đứng đầu đế chế tiền số DCG.
Cơn đau đầu của đế chế tiền số 10 tỷ USD
Silbert - người đứng đầu đế chế tiền số Digital Currency Group (DCG), đơn vị sở hữu Genesis - hiếm khi trả lời phỏng vấn báo chí hoặc phát biểu tại những hội nghị trong ngành.
Nhưng thông tin hiếm hoi này lại xuất hiện trên tài khoản LinkedIn của người đàn ông 46 tuổi. Việc Genesis thông báo dừng giao dịch rút tiền từ thứ 4 vừa qua, khiến sức khỏe của DCG bị nghi ngờ, đặc biệt sau vụ phá sản gây sốc của sàn giao dịch tiền điện tử FTX.
Năm ngoái, định giá của DCG đạt 10 tỷ USD sau khi bán 700 triệu cổ phần trong một đợt chào bán riêng lẻ do tập đoàn đầu tư SoftBank Group dẫn đầu.
Tính đến đầu tháng 11, DCG có 66 nhân viên và nắm giữ hơn 200 công ty trong danh mục đầu tư của mình.
Phạm vi hoạt động của DCG khá lớn. Ngoài công ty môi giới và cho vay Genesis, tập đoàn này còn kiểm soát công ty quản lý tài sản số Grayscale Investments - quỹ đầu tư tiền điện tử lớn nhất thế giới. DCG cũng là công ty mẹ của nhà cung cấp dịch vụ khai thác tiền điện tử Foundry Digital, hãng tin Coindesk và sàn giao dịch Luno và nhiều công ty khác.
Trong lĩnh vực tiền điện tử, tên tuổi của DCG đã quá nổi tiếng. Danh mục đầu tư của công ty tư nhân này trong nhiều năm bao trùm lên mọi thứ từ các sàn giao dịch như Coinbase, nhà sản xuất phần cứng Ledger cho đến ngân hàng tập trung vào tiền điện tử Silvergate.
Wilfred Daye, giám đốc điều hành của Securitize Capital, một công ty quản lý tài sản kỹ thuật số nhận xét: "Họ là gã khổng lồ trong lĩnh vực tiền điện tử. Dấu chân của DGC ở khắp mọi nơi".
Genesis từng được ví như chiếc vương miện quý trong đế chế của Silbert. Công ty này cũng đã tự khẳng định mình là một trong những nhà môi giới lớn nhất và nổi tiếng nhất, cho phép các quỹ và nhà tạo lập thị trường vay USD hoặc tiền kỹ thuật số để khuếch đại giao dịch của mình.
Không những vậy, một nguồn tin bí mật của tờ Wall Street Journal cho biết Genesis đang tìm kiếm khoản vay khẩn cấp trị giá 1 tỷ USD từ các nhà đầu tư trước khi họ tạm dừng rút tiền trên trang web của mình.
Wall Street Journal trích dẫn nguyên nhân dẫn tới khủng hoảng thanh khoản tại Genesis đến từ một số tài sản kém thanh khoản trên bảng cân đối kế toán..
Quỹ quản lý tài sản số Grayscale Investments vẫn bình thản trước biến động mới nhất của Genesis. Quỹ này đã nhanh chóng trấn an rằng mọi hoạt động của quỹ vẫn diễn ra bình thường. Mặc dù vậy, Grayscale cũng đang đối mặt với những vấn đề riêng.
Quỹ tín thác Bitcoin Grayscale (mã GBTC) trị giá 10,7 tỷ USD đang giao dịch với mức chiết khấu kỷ lục so với số bitcoin đang nắm giữ, do cấu trúc của quỹ tín thác không cho phép mua lại cổ phần. Hồi tháng 6, Grayscale đã kiện Ủy ban giao dịch và chứng khoán Hoa Kỳ khi cơ quan quản lý từ chối đơn đăng ký của công ty này để chuyển đổi GBTC thành một quỹ ETF.
Nhưng ngay cả với mức chiết khấu kỷ lục, GBTC vẫn được coi là cỗ máy in tiền cho Grayscale và lớn hơn là cho DCG. Quỹ ủy thác này tính phí cổ đông 2% hàng năm. Điều đó có nghĩa là mặc dù GBTC đã giảm hàng tỷ USD giá trị kể từ khi tổng tài sản đạt đỉnh hơn 40 tỷ USD vào tháng 11 năm ngoái, Grayscale vẫn sẽ thu hơn 200 triệu USD phí ủy thác mỗi năm ở mức tài sản hiện tại, theo tính toán của Bloomberg.
Theo Giám đốc điều hành tạm thời Derar Islim, động thái của Genesis hôm thứ 4 vừa qua chỉ ảnh hưởng đến hoạt động cho vay của công ty. Người phát ngôn này cho biết các hoạt động kinh doanh lưu ký, giao dịch phái sinh và giao dịch giao ngay của công ty "vẫn hoạt động bình thường". Tuy nhiên, quyết định tạm dừng rút tiền được đưa ra sau một khoảng thời gian khó khăn đối với công ty môi giới.
Vết nứt trên chiếc vương miện
Những vết nứt bắt đầu lộ ra sau khi Genesis vướng vào vụ phá sản của quỹ phòng hộ Three Arrows Capital. Genesis là chủ nợ lớn nhất mắc kẹt trong sự sụp đổ của Three Arrows Capital khi quỹ phòng hộ này không thể đáp ứng các yêu cầu ký quỹ. DCG đã nhận một số khoản nợ và nộp đơn yêu cầu bồi thường 1,2 tỷ USD đối với Three Arrows khi công ty này đang trong quá trình thanh lý tài sản. Genesis cho biết hồi tháng 10, trước khi FTX sụp đổ, khoản cho vay đó đã giảm 80% trong quý III.
"Genesis Global Capital, bộ phận kinh doanh cho vay của Genesis, đã đưa ra một quyết định khó khăn là tạm thời dừng việc rút tiền và cho vay mới. Quyết định này được đưa ra để đối phó với tình trạng thị trường bị xáo trộn nghiêm trọng và sự mất niềm tin của ngành tiền số sau vụ phá sản của FTX. Điều này ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh cho vay nhưng không ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh lưu ký hoặc giao dịch của Genesis. Điều quan trọng là việc này không ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của DCG và các công ty con thuộc sở hữu hoàn toàn khác của chúng tôi", Amanda Cowie, người phát ngôn của DGC cho biết.
Trong bối cảnh hỗn loạn gần đây, DCG đã cải tổ lại ban lãnh đạo cấp cao. Mark Murphy được thăng chức chủ tịch từ giám đốc vận hành (COO) như một phần của quá trình tái cấu trúc. Điều này khiến khoảng 10 nhân viên rời khỏi công ty trong đó có một số nhân viên giao dịch, giám đốc nghiên cứu thị trường và giám đốc rủi ro.
Silbert lần đầu tiên mua bitcoin vào năm 2012, khi ngành này đang ở giai đoạn sơ khai. Silbert thành lập DCG sau khi ông bán SecondMarket, một nền tảng giao dịch tài sản tư nhân đã được Nasdaq mua lại vào năm 2015.
Năm ngoái, chia sẻ với tờ Wall Street Journal, Silbert cho biết ông xem Standard Oil là nguồn cảm hứng cho công ty tài sản kỹ thuật số của mình. Standard Oil là công ty sản xuất, vận chuyển, tinh chế và tiếp thị dầu mỏ của được thành lập vào năm 1870 bởi tỷ phú John D. Rockefeller và Henry Flagler.
Trước khi mua SecondMarket, Silbert từng đã làm việc tại Houlihan Lokey, sau khi tốt nghiệp Đại học Emory.