Hàng loạt thách thức cho tăng trưởng xuất khẩu 2010
(Dân trí) - Nhiều nhóm hàng đã chạm ngưỡng, khó tăng tiếp trong năm 2010. Bên cạnh đó, xuất khẩu Việt Nam cũng phải sẽ đối mặt thêm với nhiều rào cản thương mại mới... là những thách thức lớn cho mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu trên 6% (tương đương 59,9 tỷ USD) năm 2010.
Mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu năm 2010 đạt hơn 6% (ảnh minh họa)
Quá trình phục hồi chứa đựng nhiều rủi ro
Bước sang năm 2010, một số dự báo cho rằng kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn, nhưng có nhiều khả năng sẽ bắt đầu phục hồi vào cuối năm 2009 và năm 2010 sẽ có cải thiện, chuyển biến tích cực hơn.
Theo dự báo của IMF, kinh tế thế giới năm 2010 tăng trưởng 3,1%, cao hơn dự báo trước đây là 2,5%. Cùng với tăng trưởng kinh tế, các hoạt động thương mại và đầu tư cũng từng bước phục hồi và phát triển. Giá dầu thô có thể tăng lên trên 76 USD/thùng trong năm 2010.
Tuy nhiên, quá trình phục hồi của kinh tế thế giới chứa đựng nhiều rủi ro, khó lường. Những vấn đề hậu khủng hoảng như bảo hộ mậu dịch, biến động giá cả, lạm phát, khan hiếm nguyên liệu, năng lượng... có thể xảy ra, sẽ tác động xấu đến phát triển kinh tế các nước, nhất là các nước đang phát triển như nước ta.
Trong khi đó, đứng trước năm 2010, Việt Nam vẫn phải đối mặt với những khó khăn do suy giảm kinh tế năm 2009, hoạt động của hệ thống tài chính của Việt Nam còn nhiều rủi ro, lạm phát có nguy cơ tăng lên cũng như đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn. Sức cạnh tranh của cả nền kinh tế và của các doanh nghiệp còn ở mức thấp. Bên cạnh đó, tình hình thiên tai, dịch bệnh có thể còn diễn biến phức tạp...
Năm 2010 cũng là năm nhiều cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO đến thời hạn thực thi, nhất là cam kết về mở cửa lĩnh vực dịch vụ, tài chính, bán lẻ, tạo ra thách thức không nhỏ đối với các doanh nghiệp Việt Nam.
Vì vậy, để thực hiện được mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu trên 6% so với năm 2009 (tương đương 59,9 tỷ USD) là một nhiệm vụ hết sức khó khăn.
Nhiều mặt hàng chạm ngưỡng
Trong năm 2010, việc đẩy mạnh xuất khẩu được kỳ vọng vào 3 nhóm hàng nông sản, khoáng sản và công nghiệp chế biến. Tuy nhiên, năng lực sản xuất nhiều mặt hàng trong nhóm nông sản, khoáng sản đã đến ngưỡng, khó có khả năng tăng trưởng cao như lúa gạo, cà phê, cao su, thủy sản, dầu thô, than đá...
Đặc biệt, lượng dầu thô xuất khẩu sẽ giảm khoảng 3,5 - 4 triệu tấn năm 2010 do phục vụ Nhà máy lọc dầu Dung Quất sẽ làm kim ngạch giảm khoảng 1,62 tỷ USD (giá bình quân năm 2009) hoặc 1,9 tỷ USD (giá hiện tại 70 - 75 USD/thùng).
Lượng XK than đá dự kiến cũng sẽ giảm 2,5 - 3 triệu tấn, tương đương 130 triệu USD. Ước tính sơ bộ, lượng XK của 2 nhóm này giảm cũng làm kim ngạch giảm trên 2,3 tỷ USD...
Không những vậy, năm 2010, xuất khẩu Việt Nam sẽ phải đối mặt thêm nhiều rào cản thương mại mới. Bắt đầu từ ngày 1/1/2010, EU sẽ áp dụng quy định về khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) đối với thủy sản đánh bắt.
Đạo luật “Cải tiến an toàn sản phẩm tiêu dùng” (CPSIA) đối với các mặt hàng dệt may cũng sẽ được Hoa Kỳ áp dụng vào ngày 10/2/2010. Theo đó, bất cứ lô hàng dệt may nào XK vào Hoa Kỳ đều phải kèm theo giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn an toàn được đánh giá bởi một đơn vị độc lập (được Ủy ban An toàn sản phẩm tiêu dùng Hoa Kỳ công nhận).
Việc Hoa Kỳ áp dụng một số chính sách mang tính chất bảo hộ, đưa ra những quy định như những rào cản kỹ thuật sẽ là những trở ngại chung với tất cả các nước XK vào Hoa Kỳ, trong đó có Việt Nam...
Lan Hương