1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Hàng loạt "ông lớn" chây ỳ cổ phần hóa, có nơi sợ trách nhiệm, viện lí do

Nguyễn Tuyền

(Dân trí) - Theo Bộ Tài chính, hàng loạt doanh nghiệp nhà nước đang chậm cổ phần hóa. Đáng ngại, ngoài các lý do bất khả kháng có hiện tượng sợ trách nhiệm, không dám làm ảnh hưởng tiến độ cổ phần hóa.

Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính vừa báo cáo Thủ tướng về kế hoạch cổ phần hóa của các doanh nghiệp trong năm 2020.

Theo các quyết định trước đó giai đoạn 2017 - 2020 nhiệm vụ cổ phần hóa 128 doanh nghiệp phải hoàn thành. Tuy nhiên, tính đến tháng 7/2020, mới chỉ có 37 doanh nghiệp cổ phần hóa được, chỉ đạt 28% kế hoạch, tiến độ cổ phần hóa còn chậm so với mục tiêu đề ra.

Hàng loạt ông lớn chây ỳ cổ phần hóa, có nơi sợ trách nhiệm, viện lí do - 1

MobiFone là doanh nghiệp được Bộ Tài chính cho biết chưa thực hiện các kế hoạch cổ phần hóa theo kế hoạch đề ra

Lũy kế giai đoạn 2016 đến tháng 7/2020, đã có 177 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa, tổng giá trị doanh nghiệp là trên 443.500 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước là trên 207.100 tỷ đồng.

Đáng nói, trong 177 doanh nghiệp đã cổ phần hóa chỉ có 37/128 doanh nghiệp cổ phần hóa thuộc danh mục cổ phần hóa của Nhà nước. Thời gian từ nay đến hết năm 2020 chỉ còn lại 5 tháng, nhiệm vụ sẽ phải cổ phần hóa 91 doanh nghiệp.

Như vậy, theo Cục Tài chính doanh nghiệp, tiến độ cổ phần hóa các doanh nghiệp còn chậm, những đơn vị còn nhiều doanh nghiệp thuộc danh sách phải thực hiện cổ phần hóa trong năm 2020.

Cụ thể là TP. Hà Nội cổ phần hóa 13 doanh nghiệp (04 Tổng công ty), chiếm 14% kế hoạch; TP.HCM cổ phần hóa 38 doanh nghiệp (11 Tổng công ty), chiếm 40% kế hoạch; Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cổ phần hóa 06 doanh nghiệp (03 Tập đoàn, 03 Tổng công ty); Bộ Công Thương cổ phần hóa 04 doanh nghiệp (03 Tổng công ty, trong đó đã công bố giá trị 01 Tổng công ty); Bộ Xây dựng cổ phần hóa 02 Tổng công ty.

Việc triển khai kế hoạch cổ phần hóa còn gặp nhiều khó khăn. Một số doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa quy mô lớn như: Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT), Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem), Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam (TKV), Tổng công ty Lương thực Miền Bắc, Tổng công ty Viễn thông (MobiFone), Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank)… hiện vẫn chưa hoàn thành phê duyệt phương án sử dụng đất để có thể tiến hành xác định giá trị doanh nghiệp.

Theo Bộ Tài chính, một trong các nguyên nhân dẫn đến tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn bị chậm lại hiện nay là do sự bùng phát của dịch Covid-19 đã ảnh hưởng toàn diện đến mọi mặt của đời sống kinh tế xã hội trong nước và quốc tế, trong đó có việc triển khai công tác cổ phần hóa, thoái vốn và thị trường chứng khoán.

Bên cạnh đó, đối tượng cổ phần hoá, thoái vốn trong giai đoạn này bao gồm một số tập đoàn kinh tế, tổng công ty lớn, có tình hình tài chính phức tạp, phạm vi hoạt động rộng.

Các tập đoàn, Tổng công ty cổ phần hóa đang sở hữu nhiều đất đai tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước nên việc xử lý tài chính, phê duyệt phương án sử dụng đất; xác định, kiểm toán giá trị doanh nghiệp, bán cổ phần lần đầu gặp nhiều khó khăn, thời gian kéo dài.

Ngoài ra, nhiều quy định mới về cổ phần hóa, thoái vốn mới được ban hành theo hướng ngày càng chặt chẽ, công khai, minh bạch, bảo đảm tối đa lợi ích của Nhà nước, quy trình thực hiện dài hơn..

Tuy nhiên, Bộ Tài chính cũng nêu rõ vấn đề chủ quan dẫn đến cổ phần hóa chậm là một số bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước và doanh nghiệp nhà nước chưa nghiêm túc, quyết liệt trong chỉ đạo và triển khai thực hiện; chưa chủ động theo thẩm quyền hoặc tham mưu, đề xuất để tháo gỡ các vướng mắc, bất cập.

"Còn hiện tượng không dám làm, không dám chịu trách nhiệm, viện dẫn vào các khó khăn vướng mắc để chậm hoặc không thực hiện gây ảnh hưởng không nhỏ tới tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn", Bộ Tài chính cho hay.