Hàng loạt dự án của Trung Quốc bị cho là ngày càng hão huyền, vô dụng ở châu Phi

(Dân trí) - Sau gần 20 năm rót tiền vào các dự án cơ sở hạ tầng trên khắp châu Phi, Chủ tịch Trung Quốc, ông Tập Cận Bình tuyên bố rằng, các dự án này đều hão huyền.

Các tuyến đường sắt của châu Phi do Trung Quốc cho vay vốn đầu tư đã và đang lỗ vốn và dính nhiều tai tiếng. (Nguồn: Construction Kenya)
Các tuyến đường sắt của châu Phi do Trung Quốc cho vay vốn đầu tư đã và đang lỗ vốn và dính nhiều tai tiếng. (Nguồn: Construction Kenya)

Cách đây không lâu, các kỹ sư Trung Quốc đã hoàn thiện 2 dự án đường sắt đắt tiền ở phía đông châu Phi, một dự án nối Cộng hòa Djibouti với Ethiopia, dự án còn lại nối từ cảng Mombasa của Kenya đến thủ đô Nairobi.

Nhưng chưa đầy 18 tháng sau khi cả hai tuyến đường sắt được khánh thành, những nghi ngờ đang nổi lên về khả năng tạo lợi nhuận của chúng.

Cụ thể, tuyến đường sắt Djibouti-Addis Ababa trị giá 4,5 tỷ USD, tuyến đường sắt xuyên biên giới được điện khí hóa hoàn toàn đầu tiên ở châu Phi, đang gặp khó khăn về tài chính và hoạt động, trong khi tuyến đường sắt Kenya trị giá 3,2 tỷ USD đang bị lỗ vốn và dính nhiều tai tiếng.

Đáng nói, sau gần 20 năm rót tiền vào các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng trên khắp châu Phi, Chủ tịch Trung Quốc, ông Tập Cận Bình tuyên bố hồi tháng 9 rằng, các dự án này đều hão huyền.

Tiếp nữa, trong tháng tiếp sau đó, tờ People People Daily, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, cảnh báo rằng Bắc Kinh nên chú ý hơn về cách các dự án liên doanh với sự phát triển và lợi ích cơ bản của các nước liên quan.

“Chúng tôi đã biết từ rất lâu rằng dự án đường sắt Mombasa-Nairobi là một trái đắng và nó đang ngày càng vô dụng hơn”, nhà báo John Githongo, một nhà vận động chống tham nhũng khẳng định.

Bên cạnh đó, các nhà đầu tư của Trung Quốc cũng đang mất tiền vì các dự án trong Sáng kiến “Vành đai, Con đường” của nước này. Ông Wang Wen, nhà kinh tế trưởng tại Sinenses, nói rằng công ty bảo hiểm nhà nước Trung Quốc đã buộc phải xóa khoản lỗ 1 tỷ USD của tuyến đường sắt Djibouti-Addis Ababa bởi tuyến đường sắt dài 718 km này thực sự không tạo ra lợi nhuận.

Nhận định của ông Wang được đưa ra sau khi Abiy Ahmed, Thủ tướng của Ethiopia, đã đàm phán các điều khoản với Trung Quốc về khoản vay 4 tỷ USD vào tháng 9, nhằm kéo dài thời gian trả nợ từ 10 - 30 năm. Động thái này diễn ra sau một cuộc khủng hoảng ngoại hối, làm ảnh hưởng đến khả năng duy trì tuyến đường sắt của Ethiopia và trả các khoản nợ cho các chủ nợ Trung Quốc, các nhà phân tích cho biết.

Trong khi đó, những chỉ trích về tuyến đường sắt Mombasa-Nairobi, dự án cơ sở hạ tầng lớn nhất của Kenya kể từ khi nó giành được độc lập vào năm 1963, đang tăng lên.

Cụ thể, 3 công dân Trung Quốc làm việc cho China Road and Bridge Corp đã bị buộc tội ở Kenya vào tháng trước khi cố gắng mua chuộc các quan chức địa phương trong một cuộc điều tra vụ lừa đảo bán vé nhằm ăn chặn 10.000 USD mỗi ngày.

Thêm nữa, nhà báo John cho rằng, tuyến đường sắt này đã không đạt được mục tiêu cắt giảm tắc nghẽn trên tuyến đường cao tốc. Hơn nữa, đường cao tốc bây giờ còn đông đúc hơn bao giờ hết.

Trung Quốc trong nhiều năm đã ưu tiên việc cho vay vốn để phát triển cơ sở hạ tầng ở châu Phi, gồm xây dựng đường, cầu, sân bay và nhà máy điện, từ Ghana đến Mozambique.

Hồng Vân (Tổng hợp)

Hàng loạt dự án của Trung Quốc bị cho là ngày càng hão huyền, vô dụng ở châu Phi - 2