1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Hàng loạt doanh nghiệp xuất nhập khẩu, logistics “kiệt quệ” vì Covid-19

Đại Việt

(Dân trí) - Covid-19 đã khiến nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu, logistics vô cùng khó khăn do không có chuyến bay. Một số doanh nghiệp phải bỏ ra hàng triệu USD để thuê máy bay vận chuyển hàng hóa.

Hàng loạt doanh nghiệp xuất nhập khẩu, logistics “kiệt quệ” vì Covid-19 - 1

Doanh nghiệp xuất nhập khẩu và logistics gặp nhiều khó khăn vì Covid-19.

Ông Đinh Văn Thủy, đại diện một doanh nghiệp xuất nhập khẩu rau củ quả tại huyện Hóc Môn cho biết, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng rất lớn đến doanh nghiệp của ông.

Bình thường, mỗi ngày công ty ông Thủy xuất khẩu khoảng 2 tấn rau củ quả sang thị trường châu Âu. Công việc này diễn ra đều đặn 5 chuyến/tuần. Tuy nhiên, dịch bệnh Covid-19 đã khiến công việc kinh doanh bị gián đoạn.

“Khi Covid-19 đang ở đỉnh dịch, các chuyến bay đều hạn chế. Mỗi tuần chỉ xuất khẩu được 1 – 2 chuyến, doanh thu giảm 60 – 70%. Hiện nay, mọi thứ đã khả quan hơn nhưng doanh thu vẫn giảm khoảng 20%”, ông Thủy nói.

Theo ông Thủy, do dịch Covid-19 hoành hành nên giá cước vận chuyển cũng tăng vọt lên gần gấp 3 lần. Bình thường, giá cước vận chuyển hàng hóa của công ty ông ở mức khoảng 3 USD/kg. Tuy nhiên, khi dịch bệnh hoành hành thì giá cước có lúc tăng lên 8 USD/kg.

“Giá cước vận chuyển tăng khiến giá hàng hóa xuất khẩu cũng đội lên. Điều này khiến các đối tác nước ngoài ít nhập hàng hóa hơn trước, doanh thu của công ty vì thế mà suy giảm đáng kể. Trong khi đó, chúng tôi vẫn phải gồng gánh chi phí trả cho công nhân và bộ máy của mình. Chính vì vậy, tài chính cứ cạn kiệt dần”, ông Thủy chia sẻ.

Bà Võ Thúy Hạnh, đại diện một doanh nghiệp logistics tại quận Tân Bình cho biết, công ty của bà chuyên làm thủ tục xuất nhập khẩu và vận chuyển hàng hóa đi nước ngoài. Tuy nhiên, đường hàng không bị ngưng trệ do dịch Covid-19 đã khiến doanh thu của công ty có lúc giảm đến 90%.

Thời điểm hiện tại, doanh thu của công ty bà Hạnh cũng đang giảm khoảng 50% so với thời điểm chưa xảy ra dịch bệnh.

“Khi dịch bệnh ở giai đoạn cao điểm, giá cước vận chuyển tăng gấp 3 lần nhưng máy bay cũng không có để vận chuyển hàng hóa. Một số doanh nghiệp ký hợp đồng với khách hàng từ trước đã phải lao đao, trầy trật vì giá cước vận chuyển tăng. Trong khi đó, đối tác nước ngoài không chấp nhận việc tăng giá hàng hóa. Chính vì vậy, doanh nghiệp yếu vốn thì thường phá sản ở giai đoạn này”, bà Hạnh nói.

Hàng loạt doanh nghiệp xuất nhập khẩu, logistics “kiệt quệ” vì Covid-19 - 2

Việc vận chuyển hàng hóa trong dịch bệnh bị ách tắc khiến doanh nghiệp "lao đao".

Theo bà Hạnh, số chuyến bay giảm cộng với nhu cầu vận chuyển của các doanh nghiệp giảm trong mùa Covid-19 đã khiến doanh nghiệp của bà “liêu xiêu” vì khó khăn.

Tuy nhiên, công ty đã tìm mọi phương án để “vực dậy” doanh thu, trong đó có việc thuê nguyên chiếc máy bay để vận chuyển hàng hóa.

“Vào thời điểm dịch bệnh, các công ty logistics khác không vận chuyển được hàng hóa thì đây là cơ hội cho doanh nghiệp chúng tôi tăng doanh thu và lợi nhuận. Khách hàng mới đến với công ty nhiều hơn và khách hàng cũ cũng bắt đầu quay lại. Tuy nhiên, cái khó của việc thuê nguyên chiếc máy bay để vận chuyển hàng hóa là chúng tôi phải trả tiền trước, mỗi lần trả hàng triệu USD. Nếu không có đủ tiềm lực kinh tế thì không thể làm nổi”, bà Hạnh chia sẻ.

Cũng theo bà Hạnh, dịch Covid-19 cũng mang đến nhiều rủi ro cho công ty hơn, bởi nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn dẫn đến việc nợ tiền vận chuyển kéo dài. Đây cũng chính là dịp để công ty “sàng lọc” đối tác.

Những khách hàng nào có công nợ kéo dài, không có tài sản đảm bảo vững chắc, không có nguồn vốn an toàn hoặc uy tín chưa rõ ràng thì công ty bà Hạnh hạn chế giao dịch.

“Dịch Covid-19 này khiến cho nhiều doanh nghiệp rơi vào cảnh kiệt quệ và nợ chúng tôi hàng chục ngàn USD cho đến hàng trăm ngàn USD. Thậm chí, có doanh nghiệp đang có số công nợ lên đến hàng triệu USD”, bà Hạnh nói.

Nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu và logistics tại TPHCM cho biết, Covid-19 đã khiến nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm nhân lực, tiết giảm các chi phí vận hành, marketing để “cầm cự”. Một số doanh nghiệp tạm thời đóng cửa và đang trong giai đoạn “ngủ đông” để vượt qua thời kỳ khó khăn.

Hàng loạt doanh nghiệp xuất nhập khẩu, logistics “kiệt quệ” vì Covid-19 - 3

Nhiều doanh nghiệp tại TPHCM đã trả lại mặt bằng, tạm ngừng kinh doanh vì Covid-19.

Theo số liệu mới nhất của Cục Quản lý Đăng ký kinh doanh - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 7 tháng đầu năm 2020 đã có 63.461 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 10,9% so với cùng kỳ 2019.

Trung bình mỗi tháng có 9.065 doanh nghiệp đóng cửa, tương đương mức bình quân hơn 300 doanh nghiệp đóng cửa mỗi ngày, chủ yếu là nhóm doanh nghiệp có quy mô vốn nhỏ và mới thành lập

Trong đó có 32.722 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 41,5% so với cùng kỳ năm 2019. Đây là mức tăng cao nhất về số lượng đăng ký tạm ngừng kinh doanh trong các kỳ 7 tháng giai đoạn 2015 – 2020. Việc này thể hiện sự ảnh hưởng mạnh mẽ của dịch bệnh Covid-19 đến các doanh nghiệp.

Số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn trong tháng 7/2020 là 3.372 doanh nghiệp, tăng 34,8% so với cùng kỳ năm 2019 và tăng 4,8% so với tháng 6/2020.

Còn theo Tổng cục Thống kê, trong 7 tháng qua, thị trường hàng hóa xuất khẩu sang các nước châu Âu đạt kim ngạch 19,5 tỷ USD, giảm 5,9% so với cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu sang thị trường ASEAN đạt 12,8 tỷ USD, giảm 15,4%; thị trường Nhật Bản đạt 10,9 tỷ USD, giảm 5%; thị trường Hàn Quốc đạt 10,7 tỷ USD, giảm 0,4%.

Tuy nhiên, trong khi bức tranh xuất khẩu có phần “u ám” thì thị trường Hoa Kỳ và Trung Quốc vẫn mang lại những gam màu tươi sáng. Cụ thể, Hoa Kỳ đang là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong 7 tháng qua với kim ngạch 37,9 tỷ USD, tăng 15% so với năm 2019. Tiếp đến là thị trường Trung Quốc với kim ngạch xuất khẩu đạt 23,5 tỷ USD, tăng 18,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm