1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Hàng loạt doanh nghiệp bị "tuýt còi" trên sàn chứng khoán

(Dân trí) - Trong tiến trình thực hiện tái cấu trúc thị trường chứng khoán, cơ quan điều hành đã ban hành hàng loạt quy định nhằm tăng tính minh bạch và làm trong sạch thị trường, tuy nhiên hàng loạt vi phạm vẫn xảy ra, nhiều tổ chức, cá nhân liên tục "lãnh án".

Trong thời gian vừa qua, Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã ban hành hàng loạt quy định và thông điệp về kinh doanh chứng khoán nhằm siết chặt hoạt động của các tổ chức cá nhân, tăng tính minh bạch và công bằng trên thị trường.

Đơn cử như Thông tư số 165 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 226 nhằm quy định chỉ tiêu an toàn tài chính và biện pháp xử lý đối với các tổ chức kinh doanh chứng khoán không đáp ứng chỉ tiêu an toàn tài chính. Sự điều chỉnh này nhằm bổ sung các chế tài hỗ trợ tái cấu trúc thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, hàng loạt vi phạm vẫn xảy ra và được phát hiện.

UBCKNN ngày 24/10/2012 đã ban hành Quyết định đình chỉ hoạt động đối với Công ty Cổ phần Chứng khoán Hà Nội, do không đáp ứng các điều kiện quy định về chỉ tiêu an toàn tài chính và biện pháp xử lý đối với tổ chức kinh doanh chứng khoán không đáp ứng chỉ tiêu an toàn tài chính.

Thời hạn đình chỉ đối với Chứng khoán Hà Nội kéo dài từ ngày 24/10/2012 đến ngày 24/04/2013. Trong thời gian này, công ty được yêu cầu phải đảm bảo quyền lợi của khách hàng, chịu trách nhiệm tất toán, chuyển giao đầy đủ, chính xác toàn bộ tài khoản giao dịch, lưu ký chứng khoán của khách hàng. Đồng thời, lưu trữ thông tin giao dịch theo quy định của pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán.

(Ảnh minh họa).

(Ảnh minh họa).
 
Cùng ngày, UBCKNN cũng đã thông báo việc đặt CTCP Quản lý quỹ Đầu tư Thành Việt vào tình trạng kiểm soát đặc biệt. Theo đó, thời gian kiểm soát đặc biệt của quỹ này bắt đầu từ ngày 23/10/2012 đến ngày 23/4/2013. Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc của công ty có trách nhiệm tuân thủ các quy định nhằm khắc phục tình trạng bị kiểm soát đặc biệt theo quy định của Thông tư 226 của Bộ Tài chính quy định chỉ tiêu an toàn tài chính và biện pháp xử lý đối với các tổ chức kinh doanh chứng khoán không đáp ứng chỉ tiêu an toàn tài chính.

Ở hình phạt nhẹ hơn là xử phạt vi phạm hành chính, cũng có rất nhiều các thành viên tham gia thị trường "lãnh án". Chẳng hạn như CTCP Chứng khoán Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam ngày 23/10 đã bị phạt 20 triệu đồng do vi phạm quy chế tổ chức và hoạt động công ty chứng khoán. Công ty đã có hành vi vi phạm pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán, không tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2012 theo quy định tại Điều lệ Công ty và quy định của pháp luật hiện hành.

Cúng lúc, công ty cổ phần SPM cũng phải nộp 10 triệu đồng do chưa tuân thủ các quy định pháp luật về quản trị công ty.  

UBCK đã đưa ra yêu cầu đối với hai công ty, sau khi chấp hành quyết định xử phạt phải xác định được cá nhân có lỗi gây ra vi phạm hành chính để xác định trách nhiệm pháp lý và nghĩa vụ tài chính riêng.

Ngoài ra, ngày 17/10, một công ty khác là Quản lý Quỹ Nhân Việt do chậm nộp Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2011 nên cũng đã bị phạt tiền 20 triệu đồng.

Ở mức cảnh cáo, tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), cơ quan này mới đây cũng đã ra thông báo về việc cảnh cáo 2 công ty chứng khoán là Công ty cổ phần chứng khoán Á Âu và Công ty cổ phần chứng khoán Rồng Việt ( VDS) do 2 công ty chứng khoán trên vi phạm quy định của Sở nêu tại Biên bản kiểm tra hệ thống công nghệ thông tin ngày 16/10 và ngày 17/10.

Hai công ty chứng khoán có trách nhiệm nghiêm túc tuân thủ các quy định, quy trình do HNX ban hành; tuân thủ việc triển khai và lắp đặt hệ thống công nghệ thông tin (bao gồm hệ thống giao dịch từ xa và giao dịch trực tuyến) của công ty theo đúng mô hình quy định, hướng dẫn của HNX; chấn chỉnh nội bộ và có hình thức kỷ luật đối với nhân viên không thực hiện đúng quy định.

Kết quả khắc phục vi phạm sẽ phải được báo cáo cho HNX trước ngày 30/10 này.

Trước đó, từ đầu tháng 10 đến nay, một loạt các tổ chức khác cũng bị dính án phạt trên thị trường chứng khoán gồm có CTCP Chứng khoán TPHCM, CTCP Quản lý quỹ Tín Phát, CTCP Chứng khoán Mê Kông, CTCP Chứng khoán Công nghiệp Việt Nam, CTCP Phát triển nhà và Sản xuất Vật liệu xây dựng Chí Linh, Công ty SEAF SME FINANCE LLC...

Nhiều ý kiến cho rằng, do mức phạt còn chưa "nặng" nên các vi phạm vẫn diễn ra liên tục và tràn lan. Tuy nhiên, theo một số nhận định khác, mức phạt không quan trọng bằng việc hình thức phạt, cách thức phạt. Việc giám sát phải chặt chẽ và nghiêm mình thì mới đảm bảo được quyền lợi của nhà đầu tư tham gia thị trường.

Mai Chi