Hàng không Việt Nam và những “giấc mơ” bay dang dở

(Dân trí) - Bộ GTVT vừa báo cáo Thủ tướng Chính phủ việc triển khai hoạt động kinh doanh vận chuyển hàng không của VietJet, VP, Air Mekong, Sao Việt và Jetstar Pacific. Theo đó, có 2 trong 5 hãng hàng không trên xin Thủ tướng gia hạn giấy phép kinh doanh.

“Lỡ hẹn” rồi… hứa hẹn
 
Công ty cổ phần Hàng không Đông Dương (VP) được Bộ GTVT cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không thay đổi lần 2 ngày 17/10/2008, đến tháng 11/2008 VP thực hiện khai thác vận chuyển hàng không. Tuy nhiên, tháng 10/2009 VP xin tạm ngừng khai thác bay do khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
 
Được biết, từ tháng 10/2009 - tháng 4/2010, Cục Hàng không Việt Nam đã 3 lần có văn bản thu hồi quyền vận chuyển hàng không của VP, yêu cầu VP báo cáo tiến trình thực hiện việc xin cấp Giấy chứng nhận người khai thác tàu bay (AOC) và dự kiến kế hoạch khai thác trở lại.
 
Hàng không Việt Nam và những “giấc mơ” bay dang dở - 1
Các hãng hàng không tư nhân của Việt Nam đang quyết tâm thực hiện "giấc mơ" bay
 
Mất thương quyền nhưng vẫn có tham vọng bay, vì vậy VP đã gửi văn bản lên Bộ GTVT đề nghị được gia hạn Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không đến hết 31/12/2011 để có thời gian hoàn thiện hồ sơ xin cấp AOC, tái cơ cấu vốn và thanh toán nợ nần với các nhà cung cấp dịch vụ.
 
Chiếu theo Luật, VP đã ngừng khai thác vận chuyển hàng không , không được cấp AOC là 14 tháng và không đủ khả năng duy trì Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không.
 
Tuy nhiên, để tạo mọi điều kiện cho VP, Bộ GTVT đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận việc xin gia hạn của VP với điều kiện VP phải đối chiếu và thanh toán đầy đủ các khoản nợ cho các nhà cung cấp dịch vụ trước ngày 30/6/2011.
 
Đối với Công ty cổ phần Hàng không VietJet (VietJet), tuy được cấp Giấy phép kinh doanh từ cuối năm 2007, nhưng sau nhiều lần thay đổi về cổ đông và góp vốn của cổ đông, đến nay VietJet chưa tiến hành khai thác vận chuyển hàng không.
 
Với lí do bị ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008 - 2009 và đề nghị của Cục Hàng không Việt Nam, Bộ GTVT đã chấp thuận lùi kế hoạch khai thác bay cho VietJet đến hết tháng 5/2010.
 
Nhưng cho đến thời điểm hiện nay (tháng 2/2011), Giấy phép kinh doanh của VietJet đã hết hiệu lực, bị hủy bỏ vì lí do hãng này không bắt đầu khai thác vận chuyển hàng không, không được cấp chứng chỉ AOC trong thời hạn 24 tháng.
 
Trên cơ sở thực tế tăng trưởng của thị trường vận chuyển hàng không, cùng những nỗ lực của VietJet để đưa tàu bay vào khai thác trong thời gian sớm nhất và với các khoản chi phí của các nhà đầu tư Việt Nam đã bỏ ra để chuẩn bị cho việc khai thác, Bộ GTVT đã kiến nghị Thủ tướng gia hạn Giấy phép kinh doanh cho VietJet đến hết ngày 30/6/2011.
 
Trước đó, hãng hàng không Indochina của nhạc sỹ Hà Dũng sau nhiều lần “lỡ hẹn” bay cũng gửi văn bản xin Thủ tướng hoãn “khai tử” và gia hạn Giấy phép đến hết năm 2011 để hãng này tái cơ cấu tài chính, cổ đông… quyết tâm thực hiện “giấc mơ” bay.
 
“Phải chuẩn bị toàn diện”
 
Liên quan đến việc nhiều hãng hàng không bị tước thương quyền bay nay xin gia hạn Giấy phép kinh doanh, ông Lại Xuân Thanh - Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, cho biết: “Thị trường hàng không nội địa Việt Nam đang hết sức sôi động và nhiều cơ hội Trước những đề nghị của các hãng, Cục Hàng không Việt Nam sẽ tạo mọi điều kiện để họ đưa máy bay vào khai thác, Cục đã đồng ý với những kiến nghị xin gia hạn trong khả năng có thể”.
 
Hàng không Việt Nam và những “giấc mơ” bay dang dở - 2
Thị trường có sẵn những các hãng hàng không mới phải chuẩn bị thật toàn diện thì mới tìm kiếm được thị phần cho mình
 
Tuy nhiên, cũng theo ông Thanh: “Kinh doanh vận chuyển hàng không rất nhạy cảm, khó khăn. Nhà khai thác phải biết chấp nhận tỷ suất lợi nhuận thấp và rủi ro cao do hàng không trong nước chịu ảnh hưởng lớn của các biến động kinh tế, chính trị trên thế giới. Mặt khác, hàng không Việt Nam phụ thuộc rất nhiều yếu tố nước ngoài như: xăng dầu, nhân lực, sửa chữa… Vì vậy tất cả các hãng phải có sự chuẩn bị thật toàn diện”.
 
“Không phải cứ xin gia hạn giấy phép là được gia hạn. Hiện nay có 3 hãng hàng không tư nhân đang xin Thủ tướng gia hạn Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không thì trường hợp của VP đề nghị mới chỉ là ý định, VP chưa có kế hoạch cụ thể nào báo cáo với Cục Hàng không Việt Nam. VietJet vẫn đang cố gắng hoàn thành mọi thủ tục để được cấp chứng chỉ AOC.
 
Con trường hợp của Indochina, mặc dù Hà Dũng liên tục phát biểu trên báo chí là quyết tâm bay, nhưng cho đến nay Indochina vẫn chưa có báo cáo chi tiết khẳng định sự sẵn sàng bay trở lại gửi về Cục, nếu có đó cũng phải thẩm định kỹ lưỡng mới được phép bay” - ông Thanh cho hay.
 
Trên thực tế, Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) đang chiếm tới 75% thị phần nội địa và là “ông lớn” trên thị trường hàng không Việt Nam. Vì vậy, nhiều chuyên gia hàng không cho rằng, để cạnh tranh được với Vietnam Airlines không phải chuyện đơn giản.
 
Thị trường đã có sẵn nhưng muốn “ghi tên” trên thị trường ấy thì các hãng hàng không mới phải có những tính toán kỹ lưỡng về chi phí để hợp lý hóa sản phẩm hàng không của mình, triển khai hệ thống bán vé để cạnh tranh với Vietnam Airliens, với các đối tác đảm bảo về khai thác, an toàn bay, thu hút được thị phần, số lượng khách mình…
 
Quỳnh Anh