Hàng không Việt Nam 3 lần "vỡ" kế hoạch bay thương mại quốc tế

Châu Như Quỳnh

(Dân trí) - Gần 200 chuyến bay dự kiến chở khách từ nước ngoài về Việt Nam phải dừng theo "lệnh" của Thủ tướng. Đây là lần thứ 3 kể từ đầu năm nay hàng không cất cánh bất thành sau 3 lần "chạy đà" bay quốc tế.

Ba lần "chạy đà" nhưng không thể cất cánh

Trong văn bản về kế hoạch tổ chức bay thương mại quốc tế được Cục Hàng không Việt Nam (HKVN) gửi Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao nêu từ ngày 1/12/2020 - 15/1/2021 sẽ khai thác các chuyến bay trọn gói đưa công dân Việt Nam từ Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan về nước, theo hình thức trả phí trọn gói. Hình thức này đã được thực hiện thí điểm thành công với một số chuyến bay từ cuối tháng 11 vừa qua.

Kế hoạch xây dựng tổng số chuyến bay từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan về 7 điểm tại Việt Nam là 33 chuyến bay/tuần. Trong 6 tuần dự kiến khai thác khoảng 198 chuyến bay từ nước ngoài về Việt Nam. 

Tuy nhiên, TP.HCM vừa có 2 ca Covid-19 lây nhiễm trong cộng đồng, trong đó 1 ca là tiếp viên hàng không bay quốc tế trở về. Cả 2 ca bệnh này đều không tuân thủ các biện pháp cách ly phòng chống dịch Covid-19.

Chiều 1/12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu tạm dừng bay quốc tế về Việt Nam. Thủ tướng nêu rõ các chuyến bay thương mại tạm dừng, chỉ thực hiện các chuyến bay giải cứu như đối với các trường hợp khó khăn và thực sự cần thiết. Điều này đồng nghĩa với việc gần 200 chuyến bay dự kiến chở khách là người Việt từ nước ngoài về nước đã lên kế hoạch phải hủy bỏ.

Hàng không Việt Nam 3 lần vỡ kế hoạch bay thương mại quốc tế - 1

Gần 200 chuyến bay dự kiến chở khách từ nước ngoài về Việt Nam phải hủy bỏ theo "lệnh" của Thủ tướng (ảnh: TTXVN)

Như vậy, đây là lần thứ 3 hàng không Việt Nam bị "vỡ" kế hoạch bay thương mại quốc tế do dịch Covid-19.

Lần thứ nhất, sau khi Chính phủ quyết định "mở cửa" bầu trời vào ngày 15/9, kết nối lại các đường bay thương mại quốc tế thường lệ từ Việt Nam đi 6 quốc gia và vùng lãnh thổ là Quảng Châu, Đài Loan - Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Campuchia, Lào.

Trong 10 ngày đầu tiên, các chuyến bay quốc tế thường lệ chỉ thực hiện bay 1 chiều từ Việt Nam đi và không được chở khách từ nước ngoài về, các hãng phải bay rỗng khứ hồi. Lí do là thời điểm đó cách thức kiểm dịch, cách ly y tế giữa Việt Nam và các nước, các điểm đến nước ngoài khác nhau, đó là những khó khăn lớn với hãng bay và khách nhập cảnh.

Lần thứ 2 là khi nhà chức trách hàng không Việt Nam và Hàn Quốc cho phép thiết lập bay thương mại 2 chiều, thực hiện chuyến bay chở khách đầu tiên nhập cảnh vào Việt Nam ngày 25/9. Tuy nhiên, cũng vì chưa có hướng dẫn quy trình cách ly y tế cụ thể cho khách nhập cảnh nên các hãng hàng không đã phải tạm dừng bay chở khách từ Hàn Quốc vào Việt Nam ngay sau đó.

Kể từ cuối tháng 9 tới nay, mới có 2 chuyến bay chở khách từ Hàn Quốc vào Việt Nam, 1 chuyến do Vietnam Airlines khai thác chặng Hà Nội - Seoul - Hà Nội và 1 chuyến Vietjet khai thác chặng TPHCM - Seoul - TPHCM.

Quy trình cách ly tổ bay

Bộ GTVT cho biết trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, tổ bay có nguy cơ lây nhiễm Covid-19 khi tiếp xúc trực tiếp với hành khách hoặc nhân viên mặt đất bản địa tại sân bay nước ngoài, khi đi sâu vào nội địa (để nghỉ lại theo quy định của ICAO) và có tiếp xúc với người bản địa... Do đó cần tăng cường các biện pháp phòng dịch sau để giảm nguy cơ lây nhiễm cho tổ bay và lây nhiễm dịch bệnh vào cộng đồng.

Đối với phi công trên các chuyến bay đón công dân, chuyên gia, nhà đầu tư, người lao động kỹ thuật cao... từ các nước về Việt Nam, trong toàn bộ hành trình bay phải đeo khẩu trang N95 hoặc tương đương, mặc trang phục bảo hộ gồm mũ, kính, bộ quần áo liền, bọc giầy, găng tay 2 lớp, sử dụng dung dịch rửa tay khô, không xếp khách tại khoang thương gia nơi sát với buồng lái; phi công sử dụng buồng vệ sinh riêng, tự phục vụ đồ ăn.

Hàng không Việt Nam 3 lần vỡ kế hoạch bay thương mại quốc tế - 2

Bảo hộ đặc chủng đối với thành viên tổ bay - những người có nguy cơ lây nhiễm Covid-19 rất cao 

Khi rời máy bay, phi công được phục vụ xe riêng không cùng với tiếp viên, không tiếp xúc với hành khách trên chuyến bay và các thành viên còn lại của tổ bay và nhân viên mặt đất bản địa tại sân bay nước ngoài.

Đối với tiếp viên và các thành viên khác của tổ bay (nhân viên kỹ thuật, nhân viên mặt đất) đi cùng chuyến bay, phải mặc trang phục phòng hộ tương tự phi công; hạn chế tối đa tiếp xúc với hành khách; Sử dụng buồng vệ sinh riêng; khi rời máy bay được phục vụ xe riêng, không tiếp xúc với phi công trên chuyến bay và nhân viên mặt đất bản địa tại sân bay nước ngoài; Thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp phòng hộ như trên trong suốt hành trình bay nhằm giảm thiểu nguy cơ bị nhiễm bệnh.

Khi về đến Việt Nam, phi công thực hiện cách ly tập trung và lấy mẫu xét nghiệm virus SARS-CoV-2. Nếu phi công, các thành viên tổ bay còn lại và tất cả hành khách có kết quả xét nghiệm âm tính lần 1 thì phi công được phép rời khỏi khu cách ly và tiếp tục thực hiện cách ly y tế tại nhà, nơi cư trú cho tới khi thực hiện chuyến bay khác (trước chuyến bay khác phải xét nghiệm lại).

Nếu có hành khách hoặc thành viên tổ bay dương tính với Covid-19 khi xét nghiệm lần 1, thực hiện cách ly tập trung 14 ngày đối với phi công và tất cả thành viên còn lại của tổ bay. Nếu xét nghiệm lần 2 có kết quả dương tính, thực hiện thực hiện cách ly tập trung 14 ngày đối với phi công và tất cả thành viên còn lại của tổ bay kể từ ngày có kết quả xét nghiệm lần 2.

Các hãng hàng không phải thường xuyên thực hiện vệ sinh khử khuẩn các vị trí có nguy cơ lây nhiễm trên các chuyến bay (trước, trong và sau các chuyến bay) tại các khu vực dùng chung như tay vịn ghế ngồi, chỗ đặt khay ăn, cửa phòng vệ sinh, các vật dụng trong phòng vệ sinh...

Trang phục phòng hộ của thành viên tổ bay phải được loại bỏ trước khi rời khỏi máy bay theo đúng quy trình để tránh bị lây nhiễm và sau đó tiếp tục sử dụng khẩu trang, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn nhanh để phòng bệnh Covid-19.

Trao đổi với PV Dân trí sáng 2/12, lãnh đạo Vietnam Airlines cho biết hãng luôn tuân thủ quy trình, quy định chung và thực hiện đầy đủ các biện pháp về phòng chống dịch Covid-19. Cùng với các quy định về khai thác các chuyến bay thương mại, bay giải cứu, vận chuyển hàng hóa thì thành viên tổ bay cũng phải thực hiện quy định của các nước có chuyến bay đến.

"Hãng không cắt bước, không giảm bước trong quy trình cách ly đối với các thành viên tổ bay. Tuy nhiên, sự việc tiếp viên nhiễm Covid-19 và không tuân thủ quy định là do ý thức của người thực hiện, sự việc xảy ra là điều đáng tiếc. Vì sao cách ly tập trung 4-5 ngày rồi cho về nhà cách ly? Đó là quy định mới của cơ quan y tế và Vietnam Airlines đã áp dụng" - lãnh đạo Vietnam Airlines nói.

Đề cập tới việc cách ly đủ 14 ngày tập trung, lãnh đạo Vietnam Airlines cho biết: Nếu cách ly thành viên tổ bay đủ 14 ngày thì hãng sẽ phải tổ chức lại lao động. Tiếp viên sẽ không gặp quá nhiều khó khăn vì số lượng đông và có thể bay luân phiên, nhưng phi công là lực lượng bay chính nên sẽ rất "căng".