Hàng không khốn đốn vì Covid-19, Vietravel Airlines vẫn tham vọng

(Dân trí) - Hãng hàng không mới toanh Vietravel Airlines dự định sẽ có thể cất cánh vào đầu năm 2021, tranh thủ giai đoạn hồi phục sau dịch Covid-19. Tuy vậy, thông tin này không tác động mạnh lên cổ phiếu.

Hàng không khốn đốn vì Covid-19, Vietravel Airlines vẫn tham vọng - 1

Hàng không được kỳ vọng sẽ phục hồi mạnh sau đại dịch

Cổ phiếu VTR “cầm máu”

Trên thị trường UPCoM phiên cuối tuần (8/5), cổ phiếu VTR của Công ty cổ phần Du lịch và Tiếp thị Giao thông Vận tải Việt Nam - Vietravel đứng giá 38.800 đồng sau 3 phiên giảm liên tục.

Công ty này vừ công bố kết quả kinh doanh hợp nhất quý 1/2020 với doanh thu thuần giảm mạnh 44% so với cùng kỳ, đạt 789 tỷ đồng; lợi nhuận gộp giảm tới 72% còn hơn 30 tỷ đồng.

Doanh thu tài chính tăng mạnh lên gần 18 tỷ đồng, tuy nhiên, chi phí tài chính cũng tăng lên gần 24 tỷ đồng (trong đó chi phí lãi vay hơn 21 tỷ đồng).

Việc kinh doanh thu không đủ bù chi đã dẫn tới kết quả Vietravel bị lỗ thuần kinh doanh hơn 41 tỷ đồng, lỗ trước thuế hơn 38 tỷ đồng và lỗ sau thuế gần 42 tỷ đồng.

Vừa rồi, ngày 7/5, Vietravel đã triển khai quyết định của Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án Vận tải Hàng không lữ hành Việt Nam. Theo đó, hãng này đã bổ nhiệm ông Đào Đức Vũ với hơn 30 năm kinh nghiệm trong ngành hàng không vào vị trí Phó tổng giám đốc phụ trách Khai thác bay.

Vietravel Airlines cũng cho biết sẽ tập trung nguồn lực hoàn thiện Giấy phép vận chuyển hàng không và Chứng chỉ nhà khai thác tàu bay (AOC) để đủ điều kiện có thể cất cánh vào nửa đầu năm 2021 khi thị trường vận chuyển hàng không được phục hồi sau dịch bệnh.

Dòng tiền gần 8.000 tỷ đồng đổ vào chứng khoán

Mặc dù một số nhà đầu tư đã lựa chọn chốt lời vào cuối phiên chiều, tuy nhiên, VN-Index vẫn đạt được mức tăng mạnh 17,19 điểm tương ứng 2,16% lên 813,73 điểm. HNX-Index tăng 1,71 điểm tương ứng 1,58% lên 110,02 điểm và UPCoM-Index tăng 0,54 điểm tương ứng 1,03% lên 52,91 điểm.

Đáng chú ý, hôm qua là một phiên bùng nổ về thanh khoản. Dòng tiền như thác lũ đổ vào mua cổ phiếu khiến thị trường trở nên nhộn nhịp và sôi động hẳn.

Trên HSX, có 371,33 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng giá trị giao dịch bị đẩy lên 7.026,39 tỷ đồng. Trong khi HNX có 62,01 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng 544,06 tỷ đồng và UPCoM có 29,48 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng 266,34 tỷ đồng. Tổng cộng, nhà đầu tư đã giải ngân 7.838,79 tỷ đồng vào cổ phiếu.

Phiên hôm qua cũng đánh dấu việc chấm dứt chuỗi bán ròng kéo dài đến 26 phiên liên tiếp của nhà đầu tư nước ngoài tại thị trường chứng khoán Việt Nam. Theo đó, khối nhà đầu tư này đã mua ròng trở lại với giá trị mua ròng 61,7 tỷ đồng (mặc dù vậy, nếu tính theo khối lượng thì vẫn bán ròng nhẹ 380 nghìn cổ phiếu).

Trong đó, các nhà đầu tư nước ngoài đã mua vào 36,3 triệu cổ phiếu tương ứng 982,6 tỷ đồng, đồng thời cũng bán ra 36,7 triệu cổ phiếu tương ứng 921 tỷ đồng.

Trên HSX, khối ngoại mua ròng trở lại 1,2 triệu cổ phiếu tương ứng 73 tỷ đồng, tập trung tại các cổ phiếu VCB (74 tỷ đồng) và VHM (49 tỷ đồng).

Trong bức tranh chung của thị trường, chủ đạo vẫn là sắc xanh lá. Có tổng cộng tới 448 mã tăng, 70 mã tăng trần trên cả 3 sàn giao dịch so với 309 mã giảm và 66 mã giảm sàn.

Trong rổ VN30, các bluechip diễn biến tốt. Với 24 mã tăng giá, 1 mã tăng trần, VN30-Index được đẩy tăng 20,17 điểm tương ứng 2,73% và đã hỗ trợ đáng kể cho VN-Index.

Cổ phiếu nhóm ngân hàng cho thấy sức hút lớn khi đồng loạt tăng giá mạnh: VCB tăng 3.800 đồng lên 73.500 đồng; VPB tăng 1.400 đồng lên 22.800 đồng, TCB tăng trần 1.200 đồng lên 18.900 đồng, HDB tăng 1.100 đồng lên 22.400 đồng. Các mã khác như CTG, BID, MBB , STB, EIB cũng đều tăng giá.

Trong đó, VCB là mã có ảnh hưởng mạnh mẽ nhất lên thị trường trong phiên hôm qua. Chỉ riêng mã này đã giúp cho VN-Index đóng cửa phiên cuối tuần tăng 4,01 điểm.

Chưa hết, không thể không kể đến hai mã “họ Vingroup” là VHM và VIC cũng đóng góp 3,15 điểm và 1,44 điểm cho VN-Index. Cụ thể, VHM tăng 3.300 đồng lên 70.900 đồng, VIC tăng 1.500 đồng lên 97.500 đồng.

Mai Chi