1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Hàng hoá Việt tìm đường vào ASEAN

(Dân trí) - Hiện nay, ASEAN là một trong các đối tác thương mại quan trọng nhất của Việt Nam, đứng thứ hai sau Trung Quốc. Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, sau 10 năm, kim ngạch thương mại hai chiều của Việt Nam với ASEAN tăng trưởng từ 3,3 tỷ USD trong năm 1995 lên 42,1 tỷ USD năm 2015 (tăng gần 13 lần).


Hội thảo đã thu hút được sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu

Hội thảo đã thu hút được sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu

Cơ hội từ thị trường hơn 60 triệu dân, GDP 3.000 tỷ USD

Phát biểu tại Hội thảo Xúc tiến thương mại sang thị trường châu Á với chủ đề "Nâng cao năng lực cạnh tranh xuất khẩu sang thị trường các nước ASEAN”, ông Tạ Hoàng Linh, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại Bộ Công Thương cho biết, ngoài việc thúc đẩy giao dịch, trao đổi thương mại trong Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), lợi ích mà các thành viên có được là giúp tăng trưởng kinh tế nhanh hơn, tạo ra nhiều việc làm hơn, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài mạnh mẽ hơn, phân bổ nguồn lực tốt hơn, tăng cường năng lực sản xuất và tính cạnh tranh, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các nước thành viên.

Nhìn nhận về vấn đề này tại thời điểm hiện nay, ông Đỗ Quốc Hưng, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường Châu Á – Thái Bình Dương đánh giá, cộng đồng kinh tế ASEAN đang được nhìn nhận ở 2 góc độ.

Thứ nhất đây như là một hiệp định kinh tế thương mại tự do giữa các nước ASEAN ký kết với nhau. Trong đó, tỷ lệ bãi bỏ thuế quan của các nước ASEAN là 98% nhưng với các nước Việt Nam, Lào, Campuchia, Myanma mới chỉ đạt 91% và sẽ cố gắng đạt mức 98% vào năm 2018. "Mức bãi bỏ thuế quan của hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) đối với Việt Nam là 100% nhưng phải đến năm 2028 mới có hiệu lực và đến năm 2018 mới chỉ dự kiến đạt từ 65 - 86%", ông Hưng cho biết thêm.

Ở góc độ thứ hai, Cộng đồng Kinh tế ASEAN được coi là một khuôn khổ hội nhập kinh tế khu vực. Tuy nhiên, vẫn chưa thể coi đây là một cộng đồng kinh tế hoàn chỉnh vì vẫn chưa có các quy định và các điều lệ rằng buộc.

Nhắc đến các cơ hội để các doanh nghiệp tham gia vào thị trường này ông Hưng đã chỉ ra 3 cơ hội, đầu tiên đó là hàng rào thuế quan bị loại bỏ, các hàng rào phi thuế bị cắt giảm tạo điều kiện cho hàng hóa dịch vụ của Việt Nam được lưu chuyển dễ dàng hơn trong khu vực ASEAN.

Ông Hưng nhấn mạnh rằng, đây không chỉ là cơ hội để tiếp cận và mở rộng thị trường cho hàng hóa xuất khẩu Việt Nam sang thị trường khu vực ASEAN với hơn 60 triệu dân và tổng GDP hàng năm hơn 3.000 tỷ USD mà còn mở rộng sang các khu vực thị trường đối tác của ASEAN vì đây là một khu vực giao thoa giữa rất nhiều hiệp định thương mại tự do với các đối tác ngoại khối như Ấn Độ, Trung Quốc, Úc và New Zealand.

Cơ hội thứ hai là Cộng đồng ASEAN tạo cơ hội để các doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh vì thông qua sự lưu thông tự do của hàng hóa, dịch vụ, vốn và lao động sẽ tạo sự gắn kết, hài hòa giữa các nhà sản xuất.

Doanh nghiệp Việt Nam cũng có thể tìm được nguồn cung dồi dào với giá thành hợp lý hơn, tiếp cận được nguồn vốn và các công nghệ kĩ thuật cao hơn. Đây là những điều kiện để các doanh nghiệp có thể hạ giá thành, nâng cao chất lượng sản phẩm từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, cũng như hàng hóa xuất khẩu.

Thứ ba là cơ hội để chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu sang hướng tăng giá trị gia tăng để đưa Việt Nam lên vị thế cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Song hành với các cơ hội luôn là thách thức cho các doanh nghiệp khi tham gia vào thị trường này. Nhìn nhận vào thực tế ông Hưng cho biết, khi muốn tham gia vào thị trường này trước hết chúng ta phải mở cửa thị trường của Việt Nam cho các sản phẩm của các nước ASEAN thâm nhập vào, nhưng điều đó lại tạo một áp lực cạnh tranh rất lớn cho hàng hóa Việt Nam.

Thách thức thức thứ hai đó là khi các nước ASEAN bãi bỏ hàng rào thuế quan thì ngay lập tức dựng lên một hệ thống các tiêu chuẩn về kĩ thuật để bảo vệ thị trường nội địa và hạn chế xuất khẩu của các nước khác.

Lợi thế cho ngành dệt may và phân bón

Liên quan đến vấn đề lợi thế cho 2 ngành này, ông Hưng cho biết, dệt may là một ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam ra thế giới, tuy nhiên thị phần của Việt Nam ở khu vực các nước Đông Nam Á lại rất thấp. Nguyên nhân là do chúng ta chưa thực sự quan tâm đến thị trường này mà chỉ tập trung xuất khẩu sang Mỹ, EU, Nhật Bản,...

Cơ hội cho ngành dệt may Việt Nam khi thuế xuất các hàng dệt may của Việt Nam đã về 0%. Sức ép cạnh tranh của ngành dệt may tại thị trường này cũng không quá cao do đối thủ chủ yếu là Thái Lan, Indonesia, Malaysia nhưng họ chủ yếu chỉ gia công và chưa có các thương hiệu lớn trên thị trường thế giới.

Tuy nhiên, để tận dụng các lợi thế trên thì phải vượt qua được khó khăn lớn đó là nguồn gốc xuất xứ của nguyên liệu. Hiện nay, nguồn nguyên liệu dệt may cho nội địa rất hạn chế chỉ đáp ứng được 25% nhu cầu. Nếu có thể xử lý được vấn đề này, hàng dệt Việt Nam còn có thể vươn xa hơn tới các nước đối tác của ASEAN, ông cho biết thêm.

Đối với ngành phân bón, trong khu vực ASEAN nổi lên là Campuchia, Lào, Myanmar và Thái Lan có nhu cầu rất lớn nhưng sản xuất không đủ dùng và phải nhập khẩu với số lượng rất lớn.

Đặc biệt, Campuchia và Myanmar phải nhập khẩu tới 90% nhu cầu trong nước và thuế nhập khẩu phân bón của các nước này đang là 0%. Trong đó, Campuchia là nước nhập khẩu phân bón của Việt Nam nhiều nhất với hơn 300 nghìn tấn/năm.

6 giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh xuất khẩu

Muốn xuất khẩu thì trước hết sản phẩm phải có chỗ đứng vững chắc tại thị trường nội địa, vì thế, ông Hưng đã đưa ra 6 nhóm giải pháp:

1. Đầu tư vào công nghệ mới có thể cạnh tranh trên thị trường.

2. Xây dựng kế hoạch chủ động vùng nguyên liệu giảm dần sự phụ thuộc vào vùng nguyên liệu nhập khẩu từ đó nâng cao tỉ lệ nội địa hóa để có thể hưởng các ưu đãi khi xuất khẩu ra nước ngoài.

3. Cần chú trọng việc xây dựng thương hiệu sản phẩm, uy tín doanh nghiệp do thực trạng nhiều doanh nghiệp của Việt Nam sử dụng trùng tên của các công ty nội địa.

4. Các doanh nghiệp có thể cân nhắc xây dựng hệ thống phân phối sản phẩm tại thị trường xuất khẩu nhằm đảm bảo tiếp cận thị trường ổn định, dễ dàng và tránh sự phụ thuộc quá lớn vào nhà nhập khẩu.

5. Tăng cường năng lực nghiên cứu thị trường và xúc tiến thương mại.

6. Nâng cao hiểu biết hội nhập kinh tế trong khu vực, nghiên cứu các cơ sở pháp lý, cơ chế giải quyết tranh chấp, thực thi các hợp đồng ngoại thương nhằm đảm bảo quyền lợi của doanh nghiệp.