Hàng hóa Tết năm nay tăng giá cao nhất tới 50%
(Dân trí) - Theo Báo cáo tổng hợp tình hình 3 ngày Tết Nguyên đán Nhâm Thìn 2012 do Bộ Công thương trình lên Văn phòng Chính phủ, giá các mặt hàng dao động phổ biến trong khoảng 10-20%, tăng mạnh nhất lên tới 50%.
Chênh lệch giá không cao nên bánh kẹo và rượu ngoại vẫn được ưa chuộng hơn (ảnh minh họa).
Không khí mua bán trên thị trường Tết năm nay được đánh giá là kém sôi động hơn so với cùng thời điểm các năm trước đây. Nguyên nhân một phần do tình hình kinh tế khó khăn trong năm 2011 ảnh hưởng tới thu nhập, chi tiêu và sức mua của người dân, một phần do xu hướng mua sắm Tết muộn hơn và tập trung vào những ngày sát Tết.
Tuy nhiên, tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ xã hội tháng 1 vẫn đạt 191.061 tỷ đồng, tăng 3,2% so với tháng 12/2011, tăng 22% so với tháng 1/2011, cho thấy sức mua tăng cao hơn vào dịp Tết và tập trung vào nhóm thương nghiệp (tăng 3,54%) và các nhóm dịch vụ, du lịch (lần lượt tăng 2,79% và 2,64%).
Báo cáo ngành Công thương cho biết, mặc dù đã có chuẩn bị về nguồn cung và sức mua trên thị trường không cao như mọi năm nhưng so với Tết năm trước, giá nhiều loại hàng hóa vẫn cao hơn từ 10-20%.
Riêng đối với một số mặt hàng như thực phẩm tươi sống, rau quả, hoa tươi, với đặc thù mặt hàng và nhu cầu tiêu thụ cao nên giá trong những ngày sát Tết tăng khoảng 20-50% so ngày thường.
Trong khi đó, giá hầu hết các mặt hàng thực phẩm cũng tăng nhẹ so với tháng trước Tết (từ 10-15% tùy loại) và tăng mạnh so với Tết năm 2011(từ 15 - 45%).
Cụ thể, giá thịt lợn tăng nhẹ vào những ngày cận Tết với mức tăng khoảng 10-15%, cao hơn mức giá năm trước từ 7.000-25.000 đồng tương đương 10-20%. Giá thịt bò, gia cầm, thủy hải sản cũng cao hơn khoảng 10-20% so trước Tết và tăng 10-30% so với Tết Tân Mão.
Hàng hóa rượu, bia, bánh, mứt kẹo ngoại vẫn được người dân thành thị ưu ái hơn so hàng hóa nội do giá cả chênh lệch không lớn. Giá hàng hóa của các nhãn hàng trong nước so với cùng kỳ Tết năm trước đã tăng khoảng 15-25% (tùy loại) nhưng mức tăng chủ yếu được điều chỉnh từ trong năm do các chi phí đầu vào sản xuất tăng.
Năm nay, nguồn cung hoa, cây cảnh dồi dào và đa dạng về chủng loại, nhu cầu của người dân không cao nhưng các loại hoa như đào, lan, ly, hồng, lay ơn…vẫn lên giá khoảng 10-15% so với Tết năm trước, nguyên nhân do giá phân bón, tiền vận chuyển, chăm sóc, thuê cửa hàng, địa điểm đều tăng.
Như vậy, có thể thấy rằng, chỉ số giá CPI tăng 1% chưa đánh giá hết được lạm phát tháng 1 (thời điểm thống kê tính đến 15/1, tức ngày 22 tháng Chạp âm lịch, trong khi giá các mặt hàng bắt đầu biến động mạnh vào những ngày sát Tết) và sức ép lạm phát lên tháng tới là rất cao.
Bích Diệp