1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Hàng hóa ở nhiều thành phố lớn vẫn dồi dào, người dân không cần tích trữ

(Dân trí) - Dịch Covid-19 đang khó lường. Tuy nhiên, cuộc sống của người dân ở một số nơi như: TPHCM, Đà Nẵng vẫn không quá nhiều xáo trộn. Hàng hóa trong các siêu thị luôn dồi dào và sẵn sàng phục vụ.

TPHCM: Nhịp độ mua bán vẫn bình thường

Hàng hóa trong siêu thị rất dồi dào cho người dân lựa chọn

Tại các siêu thị lớn ở TPHCM, không khí mua sắm vẫn diễn ra bình thường. Các loại thực phẩm dùng hàng ngày như thịt, cá, rau xanh, trái cây, mì gói, dầu ăn, nước tương…vẫn là những mặt hàng “hút khách” nhất.

Tại siêu thị BigC Miền Đông (quận 10), lượng khách hàng đến mua sắm vẫn rất tấp nập trong ngày cuối tuần. Các nhân viên siêu thị liên tục chất hàng lên kệ để phục vụ người dân.

Hàng hóa ở nhiều thành phố lớn vẫn dồi dào, người dân không cần tích trữ - 1

Người dân đến mua sắm tấp nập tại các siêu thị ở TPHCM.

Anh Hồ Văn Đức (ngụ đường Sư Vạn Hạnh, quận 10) cho biết, dù dịch Covid-19 đang có những ca nhiễm mới. Tuy nhiên, không vì thế mà anh thấy hoang mang.

“Khi có sự cố, chúng ta cần bình tĩnh đối mặt với nó. Tôi đến siêu thị mua thêm trái cây, rau củ về ăn để tăng sức đề kháng. Gia đình cũng mua thêm khẩu trang, nước rửa tay để bảo vệ bản thân khi đi ra ngoài, đến nơi đông người”, anh Đức nói.

Theo anh Đức, nhiều bạn bè anh cũng mua thêm mì gói, phở ăn liền, bún gạo khô về ăn nhằm hạn chế ăn ngoài hàng quán. Ngoài ra, những loại thực phẩm này cũng dễ chế biến và bảo quản được thời gian dài.

Hàng hóa ở nhiều thành phố lớn vẫn dồi dào, người dân không cần tích trữ - 2

Các loại nhu yếu phẩm được người dân mua sắm nhiều nhất. 

Ngoài siêu thị BigC Miền Đông thì tại các siêu thị như Co.opMart Nhiêu Lộc (quận 3), Co.opXtra Vạn Hạnh Mall (quận 10), VinMart Cộng Hòa (quận Tân Bình) lượng khách mua sắm cũng rất tấp nập.

Đa số người dân khi đến siêu thị đều đeo khẩu trang và rửa tay kỹ lưỡng. Một số người cũng mua sắm khẩn trương, nhanh gọn để tránh việc ở nơi đông người quá lâu.

Trong khi đó, các siêu thị, nhà cung cấp cũng luôn trong tư thế sẵn sàng để đảm bảo nguồn cung hàng hóa dồi dào nhất nhằm phục vụ nhu cầu của người dân thành phố.

Theo Bà Dương Thị Thanh Tâm - Phó Tổng giám đốc Vincommecre (đơn vị sở hữu VinMart và VinMart+), trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 thì hệ thống siêu thị VinMart và VinMart+ cam kết đồng hành, đảm bảo nguồn cung, bình ổn và không tăng giá hàng hoá toàn quốc.

“Khách hàng không cần phải lo lắng, mua đồ dự trữ với khối lượng lớn. Mọi người chỉ nên mua lượng đủ dùng để đảm bảo sinh hoạt thiết yếu cho gia đình vì nguồn cung hàng hoá rất dồi dào, bởi các nhà cung cấp của chúng tôi sẽ bổ sung liên tục trong ngày”, bà Tâm chia sẻ.

Cũng theo bà Tâm, hệ thống siêu thị này sẽ tăng cường các hàng hóa thiết yếu như thịt sạch, rau củ quả, mì gói, gạo, gia vị, nước rửa tay, khẩu trang trên toàn bộ các siêu thị để phục vụ người dân.

Hàng hóa ở nhiều thành phố lớn vẫn dồi dào, người dân không cần tích trữ - 3

Lượng hàng hóa tại các siêu thị lớn rất dồi dào.

Đại diện Tập đoàn Central Group (sở hữu chuỗi BigC và GO!) cho biết, những diễn biến khó lường của dịch bệnh Covid-19 trên thế giới và Việt Nam đã gây ra nhiều xáo trộn trong đời sống của người tiêu dùng.

Lượng tiêu thụ các mặt hàng thực phẩm thiết yếu tại BigC và GO! như mì gói, gạo, dầu ăn, nước mắm, đồ hộp đều tăng mạnh trong khoảng 2 tháng qua.

Tuy nhiên, hệ thống siêu thị BigC và GO! đã đặt hàng tối đa với tất cả các nhà cung cấp. Mặt hàng rau, củ, quả tươi sống dự phòng gấp 5 lần bình thường. Thực phẩm thiết yếu như gạo, mì gói, đồ hộp có đủ lượng hàng dự phòng trong 2 tháng tới.

Hàng hóa ở nhiều thành phố lớn vẫn dồi dào, người dân không cần tích trữ - 4

Các siêu thị và nhà cung cấp luôn dự trữ số lượng hàng hóa lớn có thể phục vụ liên tục từ 2-6 tháng, thậm chí là 1 năm.

Đại diện Công ty CP Dầu thực vật Tường An chia sẻ, đơn vị này luôn đảm bảo nguồn cung hàng hóa đầy đủ cho các siêu thị, đại lý phân phối và không tăng giá trong mùa dịch bệnh.

Ngoài việc bán dầu ăn ở các kênh truyền thống như cửa hàng, siêu thị, chợ thì Tường An cũng đang triển khai việc phân phối hàng hóa qua các sàn thương mại điện tử, bán hàng online. Đặc biệt, việc bán hàng online trong mùa dịch đang mang lại hiệu quả cao.

Theo Sở Công Thương TPHCM, hiện nay tại một số hệ thống phân phối có mãi lực tăng do một bộ phận người dân mua hàng số lượng lớn. Cụ thể là các mặt hàng lương thực – thực phẩm thiết yếu, thực phẩm khô…

Ngay khi có thông tin nêu trên, Sở Công Thương đã chủ động làm việc với đại diện các hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi quy mô lớn trên địa bàn thành phố như Saigon Co.op, Satra, VinMart, Lotte Mart, BigC, AEON Mall…Sở Công Thương khẳng định, lượng hàng hóa rất dồi dào, đủ khả năng cung cấp liên tục và đầy đủ từ 2-3 tháng.

Đồng thời, các đơn vị phân phối đã chủ động làm việc với các đơn vị sản xuất, cung ứng các mặt hàng lương thực – thực phẩm thiết yếu để chuẩn bị nguồn hàng đáp ứng đầy đủ nhu cầu mua sắm của người dân trong 6 tháng cuối năm.

"Việc có một số thông tin khan hiếm hàng hóa và các quầy kệ trống là do nhân viên chưa kịp đưa hàng hóa lên kệ, hoàn toàn không có vấn đề thiếu hụt hàng hóa", Sở Công Thương TPHCM nhận định.

Hàng hóa ở nhiều thành phố lớn vẫn dồi dào, người dân không cần tích trữ - 5

Hoàn toàn không có việc thiếu hụt hàng hóa, đó là khẳng định của Sở Công Thương TPHCM.

Cũng theo Sở Công Thương TPHCM, nhiều doanh nghiệp có chính sách giảm giá 2% - 3% hỗ trợ người dân trong mùa dịch và đảm bảo nguồn hàng dự trữ không thiếu, giá cả ổn định. Đồng thời, sản lượng gạo dự trữ cũng đảm bảo cung ứng đủ trong 6 tháng tới và giá không có biến động lớn.

Chính vì vậy, Sở Công Thương khuyến cáo người dân thành phố cần an tâm, không nên tích trữ hàng hóa trong thời điểm hiện nay, gây tâm lý hoang mang thị trường.

Ngoài ra, người dân nên ưu tiên sử dụng hình thức mua hàng trực tuyến để hạn chế đến những nơi tập trung đông người (chợ, siêu thị, cửa hàng tiện lợi) và lựa chọn những đơn vị phân phối uy tín để mua hàng, tránh tình trạng mua hàng giá cao nhưng chất lượng thiếu đảm bảo.

Đà Nẵng: Sở Công Thương đảm bảo không thiếu hàng

Tối 7/3, Sở Công Thương Đà Nẵng đã có thông báo công tác chuẩn bị hàng hóa của các trung tâm thương mại, siêu thị và các chợ trên địa bàn thành phố.

Theo Sở Công Thương Đà Nẵng, ngày 7/3, sau khi Hà Nội công bố ca thứ 17 của Việt Nam nhiễm bệnh Covid-19, một bộ phận người dân Đà Nẵng lo lắng đã ào ạt đến các siêu thị, trung tâm thương mại để mua sắm tích trữ hàng hóa, tập trung vào các nhóm hàng thực phẩm khô như mỳ tôm, đồ hộp...

Hàng hóa ở nhiều thành phố lớn vẫn dồi dào, người dân không cần tích trữ - 6

Sở Công thương Đà Nẵng khẳng định các siêu thị, chợ trên địa bàn thành phố đủ nguồn hàng để phục vụ cho người dân

Trước tình hình trên, Sở Công Thương Đà Nẵng đề nghị người dân bình tĩnh, không nên hoang mang mà tích trữ hàng hóa.

Sở Công Thương Đà Nẵng cho biết, hiện nay hệ thống các trung tâm thương mại, siêu thị và các chợ trên địa bàn thành phố luôn luôn có nguồn dự trữ hàng hóa và đảm bảo cung cấp đủ lượng hàng hóa tiêu dùng, lương thực thực phẩm và nhu yếu phẩm cho người dân.

Lãnh đạo các siêu thị đã cam kết và sẵn sàng cung ứng tăng 20-40% các chủng loại thực phẩm từ hệ thống chuỗi siêu thị của mình và hệ thống các nhà cung cấp toàn quốc. Các siêu thị, chợ cũng đã tư vấn người dân không nên tập trung mua quá nhiều vào một loại chủng loại hàng hóa, tạo nên sự sụt giảm tức thời, ảnh hưởng tới người mua sắm bình thường khác.

Vì vậy, Sở Công Thương Đà Nẵng khuyến cáo người dân không cần thiết mua tích trữ lương thực thực phẩm và các nhu yếu phẩm, chỉ nên mua với số lượng đủ dùng để đảm bảo sinh hoạt thiết yếu cho gia đình bình thường, nhằm tránh tạo ra sự đột biến trong mua sắm, ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch của cả cộng đồng, tạo tâm lý hoang mang không đáng có.

Các doanh nghiệp trong Chương trình Bình ổn thị trường thành phố cam kết sẽ ưu tiên cung ứng hàng hóa cho hệ thống phân phối trên địa bàn thành phố.

Đại diện Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (Vissan) nhấn mạnh, hiện mặt hàng thịt heo cung ứng ra thị trường không có dấu hiệu sụt giảm. Đối với sản phẩm thực phẩm chế biến, các doanh nghiệp đều khẳng định sản lượng đảm bảo đủ cung ứng đến hết quý 2/2020 và đảm bảo không tăng giá.

Đơn cử tại Vissan, nguồn hàng thực phẩm chế biến chiếm 1/2 tỷ trọng sản xuất của công ty, hiện nguyên liệu dự trữ cho sản xuất đủ dùng đến tháng 3/2021, do đó giá thành sản phẩm sẽ luôn được đảm bảo.

 Đại Việt-Khánh Hồng