1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

Hãng hàng không Air Mekong chính thức bị “khai tử”

(Dân trí) - Bộ GTVT đã quyết định hủy bỏ giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không của Công ty cổ phần Hàng không Mê Kông (Air Mekong) kể từ ngày 6/1 vừa qua, chính thức “khai tử” hãng hàng không mang tên “Sếu đầu đỏ” khỏi thị trường hàng không Việt Nam.

Lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam cho biết, Air Mekong không đủ các điều kiện duy trì giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không (KDVCHK) theo quy định.

Cụ thể, Nghị định số 30/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định, một hãng hàng không bị hủy bỏ Giấy phép KDVCHK, Giấy phép kinh doanh hàng không chung vì mục đích thương mại nếu ngừng khai thác vận chuyển hàng không, dịch vụ hàng không chung 12 tháng liên tục. Ngoài ra, nếu không duy trì đủ vốn tối thiểu trong thời gian 3 năm liên tục thì cũng bị hủy bỏ giấy phép kinh doanh.

Hãng hàng không Air Mekong chính thức bị khai tử

Hãng hàng không Air Mekong chính thức bị "khai tử"

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA: 
 
Với Air Mekong, hãng này được Bộ GTVT cấp giấy phép KDVCHK ngày 30/10/2008. Đến tháng 10/2010 Air Mekong tổ chức khai thác chuyến bay thương mại đầu tiên, sau 2 năm hoạt động hãng đã mở 8 đường bay, nối các điểm như TPHCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc, Côn Đảo, Đà Lạt, Buôn Ma Thuột, Hải Phòng và Vinh.

Air Mekong xin tạm ngừng khai thác từ ngày 1/3/2013 với lý do là tái cơ cấu đội tàu bay. Tuy nhiên, sau 1 tháng xin tạm ngừng bay, Giấy chứng nhận người khai thác tàu bay (AOC) của Air Mekong hết hiệu lực. Sau hơn 1 năm tạm ngừng bay, Air Mekong vẫn không có bất cứ động thái nào về kế hoạch sẽ bay trở lại và không đủ các điều kiện để duy trì giấy phép KDVCHK theo quy định. Cục Hàng không Việt Nam đã phải gửi văn bản hối thúc Air Mekong thực hiện báo cáo kế hoạch và chứng minh khả năng bay trở lại (nếu có).

Đối diện với nguy cơ bị tước giấy phép, vào cuối tháng 3/2014, Air Mekong liên tiếp có 2 văn bản gửi Cục Hàng không Việt Nam báo cáo kế hoạch khai thác trở lại, tiến trình thực hiện xin cấp lại AOC, đồng thời đề nghị cơ quan chức năng có biện pháp giúp đỡ Air Mekong để không bị hủy bỏ giấy phép KDVCHK trước tháng 1/2015.

Đề nghị này được Bộ GTVT chấp thuận và cho phép hãng này giữ giấy phép đến hết ngày 31/12/2014. Để làm rõ khả năng nối lại hoạt động bay, cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực hàng không đã yêu cầu Air Mekong lập kế hoạch cụ thể, tiến trình xin cấp lại chứng chỉ AOC và cung cấp các tài liệu, thỏa thuận, biên bản ghi nhớ, bằng chứng liên quan đến việc tái cơ cấu, thu xếp vốn, nhân sự và thuê tàu bay.

Tuy nhiên, đến hết ngày 31/12/2014, Air Mekong đã không có bất cứ báo cáo nào đáp ứng yêu cầu của Cục Hàng không Việt Nam. Lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam cho biết Cục đã chủ động liên lạc nhiều lần với người đại diện pháp luật của Air Mekong là ông Đoàn Quốc Việt để yêu cầu thực hiện báo cáo cũng như thu xếp gặp gỡ nhằm làm rõ việc chuẩn bị khai thác trở lại, tuy nhiên việc liên lạc đều không thành công.

Cục Hàng không Việt Nam đã có văn bản đề nghị Bộ Giao thông vận tải (GTVT) hủy bỏ Giấy phép KDVCHK của Air Mekong sau khi thời hạn chót để hãng hàng không tư nhân này hết hạn vào ngày 31/12/2014.

Trước Air Mekong, 2 hãng hàng không tư nhân Indochina Airlines và Trãi Thiên cũng bị Bộ GTVT rút giấy phép kinh doanh do không đáp ứng được năng lực bay. Như vậy, hiện thị trường hàng không Việt Nam có 4 hãng hàng không đang khai thác bay thương mại là Vietnam Airlines, Jetstar Pacific, Vasco và VietJet Air.

Châu Như Quỳnh
 

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”