TPHCM:

Hàng gỗ, thủ công mỹ nghệ: Tiến thoái lưỡng nan

(Dân trí) - Dù có rất nhiều nỗ lực để vượt qua cơn bão suy thoái chung của nền kinh tế nhưng ngành sản xuất đồ gỗ và thủ công mỹ nghệ nước ta vẫn chưa được cải thiện triệt để.

Thực trạng trên đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến doanh thu của đa số doanh nghiệp và cuộc sống của công nhân ngành này. Tuy nhiên, để khắc phục được lại chẳng phải là chuyện ngày một ngày hai. Suốt thời gian qua, Sở Công thương TP HCM, Cục xúc tiến thương mại (Bộ Công thương), Hội mỹ nghệ & Chế biến gỗ TP HCM (Hawa) và các doanh nghiệp đã cùng chung tay vực dậy lĩnh vực kinh doanh này.

Ông Đặng Quốc Hùng – Phó chủ tịch Hội mỹ nghệ và chế biến gỗ TPHCM cho biết, những năm vừa qua, ngành này phải chống chọi với không ít khó khăn và rủi do trong kinh doanh. Nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ nước ngoài (chiếm 80%) đang tăng giá chóng mặt (khoảng 1/3) khiến giá thành sản phẩm không thể giữ như trước. Bên cạnh đó, sự biến động của tỷ giá cũng khiến việc xuất khẩu lao đao, bình quân xuất đi 1 USD chúng ta thường bị mất 1000 VNĐ. Ngoài ra, nguồn vốn vay nhỏ giọt với lãi suất cao (20%) khiến các doanh nghiệp nhỏ và vừa “hụt hơi” trong việc vận hành sản xuất và kinh doanh.

Những nguyên nhân trên khiến ngành gỗ và thủ công mỹ nghệ đang ‘thoi thóp” sống từng ngày. Ông Hùng bày tỏ, việc kinh doanh đang vần xoay trong cảnh lỗ triền miên. Không sản xuất: lỗ trầm trọng. Sản xuất: lỗ ít hơn. Mặc dù vậy, các doanh nghiệp đều cố gắng duy trì hoạt động, một phần để giữ thị trường, mặt khác tìm tòi cải tiến công nghệ và nhiều biện pháp khác để giảm thiểu giá thành sản phẩm.
Hàng gỗ, thủ công mỹ nghệ: Tiến thoái lưỡng nan - 1
Ngành sản xuất đồ gỗ, đồ mỹ nghệ đang từng bước làm mới mình (Ảnh minh họa)
 
Theo ông Đặng Quốc Hùng, ngành xuất khẩu đồ gỗ và thủ công mỹ nghệ trước đây thường tập trung vào thị trường truyền thống là Mỹ và châu Âu. Tuy nhiên, tình hình thực tế cho thấy, cơn bão khủng hoảng vừa qua đã “càn quét” thị trường này, khiến doanh số tụt dốc không phanh. Ngoài ra, “sân nhà” vẫn luôn được đánh giá là mảnh đất màu mỡ. Thế nhưng, thời gian vừa qua, do bị bỏ ngỏ nên đồ gỗ của chúng ta đang có nguy cơ thất thế trước các sản phẩm ngoại cùng loại.

Do đó, các cơ quan chức năng cần định hướng cho doanh nghiệp tìm kiếm và mở rộng sang thị trường mới đầy tiềm năng như các nước Trung Đông, châu Phi, Nga, Nhật Bản… Bên cạnh đó, sắp tới, Sở Công thương TPHCM và Hội mỹ nghệ, chế biến gỗ TP cũng sẽ đưa ra nhiều biện pháp thay đổi nhằm giữ thị phần ở thị trường truyền thống, tránh bị “hạ gục” ngay trên sân nhà.

Đứng trước tình hình nền kinh tế thế giới có những biến động khôn lường, tiềm ẩn nhiều rủi ro, bà Quách Tố Dung, Phó Giám đốc Sở Công thương TP HCM, kêu gọi các doanh nghiệp đoàn kết, chia sẻ cho nhau. Bởi chỉ có đồng lòng cùng xây dựng thương hiệu đồ gỗ, thủ công mỹ nghệ Việt lớn mạnh thì mới có cơ hội phát triển đột phá và vững chắc trong tương lai. Bà Dung cũng cho biết, sắp tới Sở Công Thương sẽ xúc tiến tổ chức Hội chợ quốc tế đồ gỗ và thủ công mỹ nghệ EXPO 2011 (diễn ra từ 5-8/10) tại trung tâm Triển lãm và Hội chợ quốc tế Tân Bình. Sẽ có khoảng 500 gian hàng của gần 200 doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia.

“Năm nay, trước xu thế mới, chúng tôi đã chú trọng đầu tư Hội chợ trực tuyến. Đây là nhịp cầu giao lưu giữa các doanh nghiệp với khách hàng trong nước và quốc tế, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, vốn luôn gặp khó khăn trong khâu tương tác với thị trường. Đồng thời là sự cố gắng của TPHCM nhằm thúc đẩy quá trình hồi phục và phát triển nhành đồ gỗ”, bà Dung cho biết.

Công Quang