Hàng giả, hàng nhái: Doanh nghiệp lớn cũng vi phạm, người dùng còn thích
(Dân trí) - Người tiêu dùng còn thích dùng hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ vì giá thấp nên mặt hàng này còn “lộng hành” ngoài thị trường. Trong khi đó, về phía doanh nghiệp, không chỉ doanh nghiệp nhỏ mà thậm chí nhiều doanh nghiệp lớn cũng vi phạm.
Phát biểu tại tọa đàm trực tuyến với chủ đề "Bảo vệ, phát triển tài sản trí tuệ trong thời đại công nghiệp 4.0" do Báo Điện tử Diễn đàn doanh nghiệp tổ chức mới đây, ông Đỗ Thanh Lam – Tổng Thư ký Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ Thương hiệu Việt Nam cho biết, mỗi năm Cục Quản lý Thị trường xử lý trên 100.000 vụ vi phạm trong lĩnh vực này.
Doanh nghiệp lớn cũng vi phạm
“Mới đây nhất là vụ Khaisilk, có những vụ việc diễn ra ngay tại cửa ngõ Hà Nội. Mặc dù đã phát hiện, thu giữ và xử lý nhiều vụ nhưng theo đánh giá của Chính phủ, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ vẫn diễn biến phức tạp, có xu hướng gia tăng, xuất hiện nhiều chiêu tinh vi, thường xuyên thay đổi phương thức thực hiện và có yếu tố nước ngoài”, ông Lam nhận định.
Theo ông Lam, bản thân Thủ tướng hiện nay trong các buổi làm việc với Bộ Công Thương, Cục Quản lý Thị trường đã nói nhiều về vấn đề này và chỉ đạo sát sao. Mặt hàng nào mà có chênh lệch, có thu lời lớn rất dễ bị làm giả, bị xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Địa bàn hàng giả không chỉ ở các thành phố lớn mà lan ra các địa phương, kể cả các doanh nghiệp lớn vẫn bị vi phạm.
Về phía đại diện doanh nghiệp, ông Đoàn Thanh Hòa – Công ty Karofi cho biết, nhiều sản phẩm của doanh nghiệp bị làm nhái, bị xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ rất nhiều. Có đơn vị ở Hải Phòng làm giả bình lọc nước nhưng dùng luôn nhãn mác của Karofi dán vào, hoặc nhiều doanh nghiệp nhái tên thành Karoli,…
“Doanh nghiệp cũng kết hợp với cơ quan chức năng để xử lý để đơn vị đó tự nhận lỗi và rút lui. Tuy nhiên, tình trạng này vẫn kéo dài và chưa chấm dứt”, ông Hòa cho biết.
Ông Nguyễn Viết Hồng – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Phát triển Khoa học công nghệ Vina (Vina CHG) thì cho rằng: “Rất khó khăn cho các doanh nghiệp muốn làm ăn một cách đàng hoàng, chân chính”.
Đáng lưu ý, ông Hồng cho rằng, đối tượng người tiêu dùng còn thích dùng hàng xâm phạm quyền SHTT vì giá thấp nên mặt hàng này còn “lộng hành” ngoài thị trường. Còn doanh nghiệp thì rất sợ khiếu nại và ngại tiếp xúc với cơ quan hành chính Nhà nước. Do vậy, vấn đề là làm sao để chính các doanh nghiệp thay đổi được tư duy này.
“Khi phát hiện hàng giả, hàng hàng xâm phạm quyền SHTT, doanh nghiệp Việt Nam thậm chí xử lý xong rồi thì không dám cho báo chí biết, truyền thông vào cuộc. Việc này đã vô tình tiếp tay cho hàng giả, hàng xâm phạm quyền SHTT, gây khó khăn cho các doanh nghiệp muốn làm ăn một cách đàng hoàng, chân chính”, ông Hồng cho biết.
Khó “hình sự hóa”
Còn theo ông Trần Mạnh Hùng - chuyên gia Sở hữu trí tuệ, trọng tài viên VIAC, Luật sư thành viên công ty Luật Baker & Mckenzie Việt Nam cho rằng, không chỉ doanh nghiệp nhỏ mà doanh nghiệp lớn cũng có thể làm hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, bởi sự tư lợi của bản thân doanh nghiệp rất lớn.
“Tôi lấy ví dụ một quán café thì ngoài chi phí chung cho kinh doanh, chi phí không chính thức cũng rất lớn. Chính vì vậy mà đôi khi họ sẵn sàng làm tất cả mọi thứ để kinh doanh có kết quả”, ông Hùng nói.
Theo ông Hùng, cơ quan quản lý đã đưa ra nhiều biện pháp để hạn chế nhưng nếu chỉ dừng lại ở biện pháp hành chính thì rõ ràng chưa triệt để. Có thể phạt, cấm và đóng cửa một cửa hàng nhưng vài ba tháng sau nó lại mọc lên. Do đó, hiện nay Luật của chúng ta đang bắt đầu thực hiện chuyển dần từ biện pháp hành chính sang dân sự và hình sự nhưng thực tế việc thực hiện này còn rất nhiều khó khăn.
“Bộ Luật hình sự mới đã mở ra quyền hình sự hoá khi anh buôn bán sản xuất tiêu thụ hàng giả nhãn hiệu nhưng phải xem xét đến các hành vi đó quy mô thương mại hay không và nhiều vấn đề khác. Hành lang pháp lý như vậy nhưng cơ quan thực thi có dám làm hay không? Bên cạnh đó, chúng ta cũng chưa có toà chuyên trách để giải quyết các vấn đề sở hữu trí tuệ. Điều này cũng hạn chế việc xử lý các vấn đề này”, ông Hùng nói thêm.
Ông Đỗ Thanh Lam cho rằng, trước thực trạng hàng giả và nâng cao hiệu quả chống hàng giả thì cần tập trung hàng loạt vấn đề từ công tác truyền thông, rà soát các văn bản luật, đẩy mạnh công tác kiểm tra giám sát, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu.
“Cùng với đó, cần có một tổ chức tư vấn đứng bên liên quan tới sở hữu trí tuệ để thẩm định các vụ việc về vi phạm hàng giả, nhãn hiệu…. Thậm chí chúng ta cũng cần thành lập toà chuyên trách về lĩnh vực sở hữu trí tuệ. Doanh nghiệp cũng phải xây dựng chiến lược kế hoạch để bảo vệ hàng hoá của mình và người tiêu dùng phải nhận thức được tác hại của việc sử dụng hàng giả”, ông nói.
Lâm An