Hàng chục ngàn tỷ đồng mỗi năm thuế môi trường xăng dầu chi thế nào?

Theo chuyên gia, quan trọng là phải giải thích cho người dân hiểu bảo vệ môi trường mang nghĩa rất rộng và minh bạch thu, chi.

Trong văn bản kiến nghị gửi về Quốc hội, cử tri Đà Nẵng cho rằng mức thu thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu hiện nay rất lớn, 4.000 đồng/lít xăng. Tính ra, số tiền thuế hàng năm thu được từ nguồn thuế này lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng.

Do đó, cử tri đề nghị công khai cho nhân dân biết việc quản lý, sử dụng nguồn thu này, đặc biệt trong bối cảnh người dân ngày càng lo ngại về chất lượng môi trường hiện nay?

Trong văn bản trả lời cử tri, Bộ Tài chính nêu rõ, theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước năm 2015, các khoản thu từ thuế, phí và các khoản thu khác trong đó có thuế bảo vệ môi trường được tổng hợp đầy đủ vào cân đối ngân sách nhà nước.

Đây không phải là khoản thu mang tính đối giá và hoàn trả trực tiếp. Việc quản lý, sử dụng khoản thu này được thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan và được Quốc hội phê duyệt hàng năm.

Giải thích thêm về phần trả lời của Bộ Tài chính, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho biết, ở bất kỳ quốc gia nào, các khoản thu từ thuế, phí và các khoản thu khác, trong đó có thuế bảo vệ môi trường đều được nộp thẳng vào ngân sách nhà nước rồi từ đó mới phân bổ theo kế hoạch. Thuế bảo vệ môi trường có tính hoàn trả gián tiếp, do đó chưa chắc thuế môi trường đã được dùng toàn bộ cho các mục đích môi trường.

"Ngay cả Mỹ cũng không làm được việc rạch ròi phí môi trường thu về đã chi bao nhiêu", ông Thịnh nói.

Tuy nhiên, điều vị chuyên gia cho rằng cơ quan quản lý nhà nước cần phải làm thêm đó là, giải thích cho cử tri và người dân hiểu thế nào là bảo vệ môi trường.

Hàng chục ngàn tỷ đồng mỗi năm thuế môi trường xăng dầu chi thế nào? - 1

Cử tri đề nghị công khai cho nhân dân biết việc quản lý, sử dụng nguồn thu từ thuế bảo vệ môi trường qua xăng dầu

"Bảo vệ môi trường mang ý nghĩa rất đa dạng, phong phú. Có những thứ trực tiếp chi vào bảo vệ môi trường, ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường. Có những thứ gián tiếp và có những thứ ảnh hưởng rất xa đến môi trường nhưng lại là là những thứ đảm bảo cho môi trường phát triển bền vững. Bởi vậy, các kế hoạch chi cho môi trường có thể hiểu theo nghĩa rộng là tìm mọi cách khiến môi trường tốt lành và trong sạch hơn", PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho biết và dẫn một loạt ví dụ chứng minh điều này.

Vị chuyên gia nói, chẳng hạn, làm đường cao tốc hay phát triển các phương tiện công cộng đều có thể giúp giảm phát thải khí ô nhiễm, do đó cũng góp phần cải thiện chất lượng không khí.

"Nhiều ý kiến cho rằng làm đường giao thông, cầu vượt không bảo vệ môi trường mà là phát triển giao thông, nhưng thực ra không phải. Chính việc không phát triển giao thông, đường sá tồi tệ, xe chạy chậm, xả thải ra nhiều khiến môi trường ô nhiễm.

Tỷ lệ bụi mịn, khói ở Hà Nội nhiều có một nguyên nhân quan trọng từ nạn ùn tắc giao thông. Ùn tắc khiến xe cộ phải dừng lại nhiều, và mỗi lần như vậy lại phải đề ga lại, khí thải bị xả ra. Nếu không làm cầu vượt, đường trên cao thì làm sao xe đi nhanh được, suốt ngày tắc đường cũng ảnh hưởng đến môi trường", vị chuyên gia nhận xét.

Tương tự, nhà máy xử lý rác thải, nước thải mang tính bảo vệ môi trường trực tiếp nhất, nhưng chuyện cung cấp nước sạch cũng là bảo vệ môi trường. Việc giải tỏa dân cư, hạn chế nhà cao tầng ở khu trung tâm, xây công viên cây xanh cũng là bảo vệ môi trường.

Hay việc phát triển điện gió, điện mặt trời giúp bảo vệ môi trường vì giúp giảm tiêu thụ than, giảm các yếu tố tiêu cực ảnh hưởng đến môi trường. Tuy nhiên, nếu không chú trọng công nghệ thì vài chục năm sau, những tấm pin mặt trời lại trở thành thứ gây ô nhiễm môi trường. Do đó, cần có các nghiên cứu khoa học về cách thức xử lý pin mặt trời sau khi sử dụng, phát triển công nghệ mới ngoài công nghệ hiện nay đang có.  

Bản thân những nghiên cứu đó cũng là bảo vệ môi trường. Nghiên cứu đó có thể cho ra một công nghệ mới, cũng có thể không tạo ra được sản phẩm nào, nhưng hướng nghiên cứu đó là để bảo vệ môi trường.

"Rõ ràng, phải hiểu bảo vệ môi trường theo nghĩa rất rộng, đặc biệt có những thứ tưởng chừng không liên quan đến môi trường, nhưng việc chi tiêu cho những hoạt động ấy có thể ảnh hưởng đến hàng chục năm sau, đảm bảo cho môi trường phát triển bền vững.

Nhiệm vụ của các nhà quản lý là phải giải thích đầy đủ cho người dân, để người dân hiểu bảo vệ môi trường không chỉ chòng chọc mỗi việc chi xử lý nước thải, rác thải, trồng cây xanh...", PGS.TS Đinh Trọng Thịnh chỉ rõ.

Vị chuyên gia khẳng định, việc minh bạch thu, chi thuế bảo vệ môi trường không khó. Hơn nữa, công khai các khoản chi để người dân hiểu rõ và tham gia vào quá trình giám sát, quản lý môi trường.

"Bộ Tài chính và các cơ quan quản lý nhà nước có thể thống kê tổng thu thuế bảo vệ môi trường, những chi phí có liên quan trực tiếp, gián tiếp... đến bảo vệ môi trường là bao nhiêu để từ đó người dân thấy chi phí liên quan đến bảo vệ vệ môi trường rất nhiều và tổng chi cho môi trường lớn hơn nhiều so với phần thu", vị chuyên gia cho biết..

Nhìn lại kinh nghiệm của các nước trên thế giới, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, việc đánh thuế môi trường ban đầu khó tránh khỏi phản ứng của người dân. Từ những năm 70 của thế kỷ trước, các nước phương Tây đã tiến hành đánh thuế bảo vệ môi trường và bị người dân phản ứng. Nhưng khi các nhà khoa học, nhà kinh tế, quản lý vào cuộc, nhu cầu cũng như ý thức bảo vệ môi trường của người dân tăng lên thì họ thấy việc thu thuế là hợp lý.

Bên cạnh đó, theo vị chuyên gia, cơ quan quản lý cần có cách thức tính thuế thế nào cho hợp lý, đồng thời đảm bảo phí thu không quá lớn, đặc biệt trong thời đại 4.0 cần áp dụng công nghệ mới tối đa, cái gì cần tính phí, thuế môi trường thì tính được ngay.

Theo Thành Luân
Đất Việt