1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Lộ trình thoái vốn của VNPT: Khó

Không chỉ VNPT, mà ngay cả các cơ quan liên quan có lẽ cũng còn lúng túng. Bởi lẽ trong bối cảnh hiện nay, dường như quá khó để VNPT thoái vốn kịp như quy định.

Đến nay đã là giữa tháng 6/2011 - điều đó đồng nghĩa với việc Nghị định 25 với quy định doanh nghiệp không được sở hữu đồng thời quá 20% ở 2 mạng di động đã có hiệu lực.
 
Thế nhưng không chỉ VNPT, mà ngay cả các cơ quan liên quan có lẽ cũng còn lúng túng. Bởi lẽ trong bối cảnh hiện nay, dường như quá khó để VNPT thoái vốn kịp như quy định.

 

Khó quyết định

 

Theo đại diện VNPT thì trên thực tế, kế hoạch CPH MobiFone đã được Thủ tướng phê duyệt từ lâu và thực chất vẫn đang trong lộ trình tiến hành. Tuy nhiên, đây lại cũng là một trong những phương án được VNPT dự kiến để tái cơ cấu tập đoàn và trình Chính phủ.
 

Lộ trình thoái vốn của VNPT: Khó  - 1
Khó cổ phần hoá MobiFone kịp trong năm nay.

 

Đại diện này cũng cho rằng thực tế thì 3 phương án đã được VNPT lên kế hoạch, tuy nhiên văn bản chính thức vẫn chưa được gửi đi. Một trong những nguyên nhân là VNPT đang quá khó để có thể quyết định đi đến việc thoái vốn tới 80% tại một trong hai mạng di động (MobiFone hoặc VinaPhone).

 

Điều này có thể hiểu với 2 lý do chính: Lý do thứ nhất là bản thân VNPT chưa muốn thực hiện điều này, khi mà 2 mạng di động chính là nguồn doanh thu chính của tập đoàn, trong đó MobiFone là “con gà đẻ trứng vàng”. Các chuyên gia cho rằng đây cũng là điều dễ hiểu, bởi có lẽ chẳng ai lại mong muốn mất đi nguồn lợi của DN mình.

 

Bên cạnh đó, lý do thứ hai là bản thân VNPT cũng không phải là đơn vị có thể quyết định được tất cả các vấn đề liên quan đến việc CPH 1 trong 2 mạng di động, cũng như không thể quyết định tất cả các vấn đề liên quan đến việc thoái vốn 1 trong 2 mạng di động.

 

Đại diện này cho rằng việc CPH như các đơn vị khác và bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược với tỉ lệ khoảng 30% thì sẽ bình thường. Nhưng với các mạng di động, nhất là MobiFone thì đây là DN có nhiều đặc thù, liên quan đến lợi ích lớn của đất nước nên việc thoái vốn tới 80% tại đơn vị đang mang về 50% lợi nhuận toàn tập đoàn là hoàn toàn không dễ.

 

Được biết đến nay, 3 phương án mà VNPT cân nhắc để đề xuất với Chính phủ gồm: Sáp nhập VinaPhone và MobiFone; CPH một trong hai mạng di động trên và phương án thứ ba là CPH toàn bộ tập đoàn.

 

Theo lãnh đạo VNPT thì cả 3 phương án đều đã được báo cáo sơ bộ. Tuy nhiên, VNPT đang chờ ý kiến chỉ đạo từ các cấp quản lý liên quan; trong đó có việc chờ Bộ Thông tin và Truyền thông soạn thảo thông tư hướng dẫn.

 

Khó thực hiện trong năm nay

 

Các chuyên gia kinh tế cũng như nhiều luồng ý kiến đang tỏ ra hối thúc quá trình CPH hoặc thoái vốn từ VNPT. Hầu hết các ý kiến đều phản đối việc VNPT sáp nhập 2 mạng di động VinaPhone và MobiFone, trong khi đó phương án CPH toàn bộ Tập đoàn VNPT cũng là bất khả thi trong thời điểm này. Chính vì thế, phương án mà các chuyên gia cho rằng hữu hiệu nhất là cần đẩy nhanh lộ trình CPH MobiFone.

 

Tuy nhiên, dù đây là phương án khả thi nhất, nhưng ở thời điểm này cũng vẫn là quá khó với VNPT cũng như các cấp quản lý liên quan. Như đã phân tích ở trên, việc CPH với lộ trình bình thường đã là việc không dễ với một DN đặc thù như MobiFone. Song với quy định của Nghị định 25 thì VNPT không chỉ CPH, mà còn ngay lập tức phải thoái 80% vốn tại MobiFone.

 

Đây là điều quá khó để thực hiện ngay, thậm chí còn đòi hỏi những kế sách thận trọng. Một lãnh đạo của VNPT cho biết, đây thực sự là  quy định đặt tập đoàn vào tình thế khó. Nếu CPH MobiFone, sau đó thoái vốn tại DN này chỉ còn 20% thì tiềm lực của VNPT cũng giảm sút. Nhưng đây chỉ là một mặt của vấn đề.

 

Mặt lớn hơn là việc định giá DN này ra sao, bán cổ phần với giá nào để đảm bảo lợi ích quốc gia, lợi ích DN và cả người lao động. Một kịch bản khó đã được tính đến là với đặc thù hiện nay, giá trị thương hiệu và DN của MobiFone là rất lớn. Nếu bán cổ phần với giá quá cao thì sẽ làm khó người lao động, nhưng nếu giá thấp thì lợi ích quốc gia và DN sẽ bị ảnh hưởng...

 

Đã xuất hiện luồng ý kiến cho rằng, việc CPH MobiFone là đương nhiên. Đại diện VNPT cho biết, có lẽ phương án tốt nhất sẽ là thực hiện từng bước. Trước tiên là bán một lượng vừa phải cổ phần lần đầu ra công chúng, rồi tiếp đến tìm nhà đầu tư chiến lược với tổng tỉ lệ dưới 30%. Còn nếu tính ngay tới mức 80% thì không khả thi và cũng là điều khó với VNPT.

 

Một điều khó khác khiến việc thoái vốn của VNPT khó thực hiện ngay trong năm nay là hiện Bộ Thông tin và Truyền thông cũng chưa ban hành thông tư hướng dẫn việc thoái vốn. Đặc biệt, ngay cả khi có hướng dẫn này thì quyền quyết định các vấn đề vẫn thuộc cấp cao hơn.

 

Về vấn đề này, đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông cũng cho rằng việc CPH MobiFone sẽ khó thực hiện trong năm 2011. Nguyên nhân là ngoài những khó khăn trên, bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu cũng như điều kiện kinh tế hiện nay của VN chưa cho phép những yếu tố cần và đủ để thực hiện.

 

Tuy nhiên, đại diện VNPT cho biết khi Bộ Thông tin và Truyền thông hoàn tất hướng dẫn thoái vốn, và trình Thủ tướng Chính phủ. Khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, VNPT sẽ thực hiện theo đúng quy định.

 

Theo Hoài Minh - Đức Long

Lao động

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm