1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

"Hãm phanh xuất khẩu mới có cơ giảm nhập siêu Trung Quốc"

Hãm phanh xuất khẩu những mặt hàng phụ thuộc đầu vào, tái cơ cấu ngành hàng và thị trường thì Việt Nam sẽ có điều kiện để giảm nhập siêu từ Trung Quốc. - TS Đinh Văn Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại, Bộ Công Thương chia sẻ.


"Hãm phanh xuất khẩu mới có cơ giảm nhập siêu Trung Quốc" - 1

TS. Đinh Văn Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại, Bộ Công Thương.
 
Thưa ông, ông có ý kiến gì khi nhiều chuyên gia kinh tế đều nói rằng, xuất khẩu của ta không bền vững?

Thời gian vừa qua, mục tiêu của chúng ta là gia tăng tối đa cho xuất khẩu, lấy xuất khẩu làm động lực cho tăng trưởng, giải quyết công ăn việc làm. So với mục tiêu ta đề ra là tăng trưởng xuất khẩu giai đoạn 2001 - 2010 phải gấp đôi tăng trưởng GDP, thực tế, ta tăng trưởng GDP xấp xỉ 8% và tăng trưởng xuất khẩu đạt gần 19%. Như vậy, mục tiêu gia tăng nỗ lực cho xuất khẩu là chúng ta đã đạt được.

Tuy nhiên, mục tiêu thứ hai không kém phần quan trọng mà chúng ta đã đặt ra là cân bằng cán cân thương mại vào năm 2010, mục tiêu này đã không đạt được. Không những chúng ta không đạt được mà mức độ gia tăng của nhập siêu ngày càng lớn, càng cao. Đấy là những điểm mấu chốt nhất của chính sách thương mại trong thời gian qua.

Làm thế nào để chúng ta có thể cải thiện được tình trạng nhập siêu và vẫn gia tăng xuất khẩu một cách bền vững hơn?

Giai đoạn tới đây, trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2011-2020, Chính phủ đã đặt ra mục tiêu giảm tốc độ tăng trưởng xuất khẩu. Ta đặt ra tăng trưởng kinh tế từ 7,5% đến 8% nhưng tăng trưởng xuất khẩu sẽ chỉ gấp 1,5 lần, khoảng 12, giảm tốc nhiều hơn so vớt trước. Như vậy, chúng ta sẽ có điều kiện để tái cấu trúc lại cơ cấu hàng xuất khẩu.

Chúng ta có một phần tỷ trọng rất lớn trong kim ngạch xuất khẩu là khoáng sản, nông sản thô. Song tới đây chúng ta phải tập trung xuất hàng công nghiệp chế biến cũng như nông sản chế biến. Như thế, tất yếu kéo theo là kim ngạch xuất khẩu sẽ giảm và sẽ có tác động đến công ăn việc làm.

Tuy nhiên, với những ngành phải nhập khẩu đầu vào nhiều thì việc giảm tốc xuất khẩu sẽ có ý nghĩa tích cực, tạo cơ hội cho ta tái cơ cấu. Ví dụ, những ngành như dệt may, giày dép, đồ gỗ có tới 80 - 85% nguyên liệu sản xuất đầu vào đều phải nhập của nước ngoài. Nếu giờ, ta vẫn tiếp tục muốn tăng trưởng xuất khẩu của những ngành hàng này thì dẫn tới, ta cũng phải tăng nhập khẩu. Tới đây, ta giảm mục tiêu tăng xuất khẩu những mặt hàng gia công đó, hoặc những ngành còn ở mức độ chế biến thấp, giá trị gia tăng thấp, ta sẽ có điều kiện để giảm nhập khẩu, cán cân thương mại sẽ dần thăng bằng lại.

Tuy vậy, ta không thể giảm tốc ngay việc xuất khẩu được bởi nó sẽ ảnh hưởng công ăn việc làm của hàng triệu lao động, là tác động tới vấn đề an sinh xã hội. Vì thế, khi thiết kế chính sách thương mại giai đoạn tới, chúng tôi dự kiến sẽ theo quan điểm giảm tốc xuất khẩu đồng thời với việc thay đổi lại cơ cấu xuất khẩu, tái cơ cấu... để đảm bảo rằng, chúng ta xuất khẩu được mặt hàng có giá trị gia tăng cao hơn. Làm vậy, mục tiêu chính sách tới gian tới sẽ đạt được.

Thưa ông, tình trạng mất cân đối cán cân thương mại Việt Nam - Trung Quốc đã kéo dài  nhiều năm. Chúng ta sẽ phải cải thiện bằng cách nào?

Đấy là vấn đề rất đau đầu, chúng tôi đang cân đối và tính toán. Trung Quốc cung cấp đến trên 60% nguyên liệu cho chúng ta phát triển xuất khẩu, đồng thời, Trung Quốc cũng là nước cung cấp cho chúng ta những thiết bị, công nghệ rẻ tiền để chúng ta gia tăng xuất trong gia đoạn vừa qua. Nếu chúng ta không có chủ trương gia tăng mạnh xuất khẩu những mặt hàng phụ thuộc Trung Quốc thì tất nhiên chúng ta sẽ có điều kiện để giảm nhập khẩu từ nước này.

Tuy nhiên, có một thông tin đáng chú ý là Trung Quốc đang chuyển động lực tăng trưởng kinh tế là đầu tư, là xuất khẩu trước đây sang việc lấy kích cầu đầu tư trong nước, thị trường trong nước là động lực tăng trưởng. Nếu Trung Quốc chuyển thật sự chiến lược của họ như vậy thì đó cũng là điều kiện để chúng ta có cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu trở lại sang nước bạn. Nghĩa là, nếu ta vẫn phải nhập nguyên liệu từ Trung Quốc và ta sản xuất để xuất khẩu sang chính Trung Quốc thì cũng sẽ giúp ta tiến tới  cân bằng cán cân thương mại với nước này.

Trong chính sách thu hút FDI của Việt Nam, có một luận điểm là để cộng đồng doanh nghiệp này đóng góp vào việc gia tăng xuất khẩu. Song, nhiều doanh nghiệp FDI hiện nay cũng đều đi nhập nguyên liệu để phục vụ sản xuất rồi lại xuất khẩu. Lợi nhuận thu về là thuộc về nước ngoài. Điều này thời gian tới cần thay đổi như thế nào thưa ông?

Cũng có thể nói rằng là hầu hết các doanh nghiệp FDI vào thị trường Việt Nam có động cơ chính là lợi nhuận. Họ sẽ tính toán xem, hàng hóa của họ tiêu thụ ở thị trường trong nước hay xuất khẩu có lợi hơn để chọn.

Thứ hai là, các doanh nghiệp FDI muốn đầu tư chu kỳ ngắn hạn thì sẽ chỉ đầu tư thiết bị lạc hậu để sau một thời gian khấu hao hết là vừa. Họ sẽ không muốn đầu tư công nghệ đắt tiền để vì thời gian khấu hao dài.

Thế nhưng,  trong chính sách thu hút FDI cũng như chính sách xuất nhập khẩu, một yếu tố đặc biệt là chúng ta lại mở rộng điều kiện ưu đãi tối đa để cho các doanh nghiệp FDI được vào Việt Nam.

Vì lẽ đó, tôi cho rằng, chính sách thu hút FDI cũng phải thay đổi lại. Ta phải quy định những hàm lượng công nghệ ở mức độ nào thì cho tham gia vào Việt Nam. Việc này có thể thông qua cách qui định những tiêu chuẩn kỹ thuật  phù hợp với WTO.

Nếu chỉ loay hoay với các biện pháp ngắn hạn mà không giải quyết được tận gốc vấn đề cơ cấu xuất nhập khẩu thì chúng ta vẫn có nguy cơ nhập siêu lớn. Ông có đánh giá gì về những biện pháp hạn chế nhập khẩu ôtô, điện thoại di động, mỹ phẩm vừa rồi?

Riêng về thông tư 20 siết nhập ôtô và Thông tư 197 về siết 3 mặt hàng điện thoại di động, rượu, mỹ phẩm, tôi cho là hoàn toàn phù hợp với cam kết gia nhập WTO. WTO cho phép các nước thành viên có quyền sử dụng các biện pháp khẩn cấp để đảm bảo cho cán cân thương mại, sau đó là cán cân thanh toán khi xảy ra mất cân đối nghiêm trong. Vì thế, trường hợp vừa rồi Bộ Công Thương áp dụng là hợp lý. Bên cạnh đó, những biện pháp như vậy cũng là đáp ứng yêu cầu bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, bảo vệ môi trường.
 
Theo Phạm Huyền
VEF

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm