Nhập siêu của Việt Nam bất bình thường

(Dân trí) - Nhập siêu tăng đột biến trong vòng 2 năm trở lại đây, tính riêng 9 tháng đầu năm 2008, con số này đã lên tới 15,8 tỷ USD. Các chuyên gia cho hay, hiện tượng nhập siêu của Việt Nam không nằm trong quy luật bình thường của các nước đang phát triển.

Nằm ngoài quy luật

Kể từ năm 1995 đến nay, nhập siêu của Việt Nam luôn ở mức dưới 5 tỷ USD song đã tăng vọt lên trên 12 tỷ USD vào năm 2007 (gấp 2,4 lần so với năm 2006) và đến hết tháng 9/2008, tổng mức nhập siêu đã lên tới con số 15,8 tỷ USD.

Xét theo quy mô GDP, nhập siêu tương đối cao (trên 10% GDP) những năm 1995 - 1996, 2003 - 2004 và đặc biệt cao từ năm 2007 (trên 20% GDP), nhưng xét theo tỷ lệ nhập siêu trên tổng kim ngạch xuất khẩu thì nhập siêu năm 2007 (gần 30% kim ngạch xuất khẩu) lại không đáng lo ngại bằng giai đoạn 1995 - 1996 (trên dưới 50% kim ngạch xuất khẩu).

Điều này chứng tỏ xuất khẩu có những tiến bộ đáng kể nhưng lại chưa phù hợp với sự phát triển kinh tế. Theo đánh giá của TS. Vũ Đình Ánh - Viện NCKH Thị trường giá cả: “hiện tượng nhập siêu của Việt Nam không nằm trong quy luật bình thường của các nước đang phát triển”.

TS. Ánh chỉ ra rằng, các nước đang phát triển nói chung xuất siêu tới 525 tỷ USD (tương đương 12,3% tổng kim ngạch xuất khẩu), ngay cả khối các nước kém phát triển và châu Phi, Nam Mỹ cũng không nhập siêu.

Trong nhóm các nước phát triển, xuất siêu nhiều nhất là Nga (126 tỷ USD, chiếm 15,5% xuất khẩu), Trung Quốc (164 tỷ USD, 15,5% xuất khẩu), ASEAN (88 tỷ USD, 11,4% xuất khẩu)...

“Tâm lý chuộng hàng ngoại vẫn phổ biến trong dân cư nên nhập siêu tăng có tác động của tăng nhập khẩu hàng tiêu dùng. Mặt khác, tổng cầu tiêu dùng có khả năng thanh toán trong nước tăng cao kích thích tăng quy mô thị trường tiêu dùng hàng ngoại nhập, dẫn đến mở rộng quy mô nhập siêu”, TS. Vũ Đình Ánh phân tích.

Thực tế quan hệ giữa nhập siêu và lạm phát ở Việt Nam giai đoạn 1995 đến nay cho thấy, chúng ta càng nhập siêu thì tỷ lệ lạm phát càng cao.

Hơn nữa, do nhập khẩu máy móc và thiết bị nguyên nhiên liệu là chủ yếu, nên có thể lạm phát tăng cao là do hiệu quả sản xuất thấp, chi phí sản xuất và giá thành không giảm nhiều nhờ những máy móc thiết bị đã nhập khẩu.

Một số chuyên gia cho rằng, trong ngắn hạn, tuy Việt Nam vẫn còn những nguồn ngoại tệ khác để bù đắp thiết hụt trong cán cân xuất nhập khẩu, nhưng nó sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới ổn định vĩ mô và cán cân thanh toán.

Ngoài tác động của yếu tố tăng giá hàng hoá nhập khẩu và tăng sản lượng sản phẩm các mặt hàng sản xuất từ nguyên liệu nhập khẩu, điều đáng lo ngại là tình trạng gia tăng nhập siêu ở Việt Nam bắt nguồn từ những yếu kém cơ bản của nền kinh tế - sản xuất dựa vào gia công lắp ráp và hiệu quả sử dụng vốn chưa cao.

Coi chừng nhập thiết bị tồn kho

PGS, TS. Ngô Trí Long - Viện NCKH Thị trường giá cả cho hay: Trong cơ cấu nhập siêu, khoảng 85% giá trị hàng nhập khẩu là nguyên nhiên vật liệu, máy móc thiết bị cho sản xuất, phần lớn từ các nước châu Á và ASEAN; còn sản phẩm xuất khẩu chủ yếu là khoáng sản thô và hàng gia công.

Phân tích cơ cấu này, chúng ta cần cảnh báo: Coi chừng Việt Nam đang nhập khẩu thiết bị, công nghệ có trình độ trung bình hoặc lạc hậu của thế giới.

Theo một số chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước, đáng lẽ Việt Nam phải nhập siêu từ các nước tiên tiến như: Mỹ và châu Âu để tiếp thu tri thức, công nghệ và các sản phẩm tiên tiến của họ, thì với thị trường này, chúng ta lại xuất siêu.

Trong khi ở khu vực châu Á, đặc biệt là các nước ASEAN, Việt Nam luôn ở thế nhập siêu và thực trạng này đã kéo dài nhiều năm nay.

“Điều này hoàn toàn bất lợi cho nền kinh tế, bởi chẳng những không tiếp thu được công nghệ và chất xám của thế giới trong nhiều lĩnh vực, sản phẩm ở thị trường châu Á thường không mang tính chiến lược lâu dài, công nghệ thấp. Thậm chí, chúng ta đã giúp cho họ tiêu thụ sản phẩm tồn kho” - PGS, TS. Ngô Trí Long nhận định.

Theo dự kiến của Bộ Công Thương, nhập siêu cả năm 2008 sẽ khoảng từ 19 - 20 tỷ USD (chiếm 30% so với xuất khẩu). Như vậy, bình quân trong những tháng cuối năm, nhập siêu sẽ ở mức xấp xỉ dưới 1 tỷ USD.

Để đạt được dự báo này là điều không dễ, theo các chuyên gia, chúng ta cần có các biện pháp phù hợp với diễn biến của từng giai đoạn cụ thể. Đó là: Đẩy mạnh xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu, có chính sách tỷ giá hợp lý, khuyến khích sản xuất trong nước và tiết chế tiêu dùng phải thực sự hợp lý và hiệu quả.

Theo gợi ý của ông Long: “Ngân hàng nên nới lỏng các quy định về vay bằng ngoại tệ. Việc hạn chế mức tăng trưởng tín dụng cho vay không quá 30% làm cho tình trạng vay vốn của doanh nghiệp càng trở nên căng thẳng, có thể tăng mức tín dụng này lên 40% - 50% thì mới bớt khó khăn cho doanh nghiệp.

Đồng thời Ngân hàng Nhà nước cần nới rộng biên độ tỷ giá giữa USD và VND hơn mức quy định 2%, để tránh cho các doanh nghiệp xuất khẩu rơi vào tình trạng “một cổ hai tròng”.

TS. Trần Đình Thiện, Viện Kinh tế Việt Nam bổ sung thêm giải pháp: “Việt Nam cần phải có chiến lược phát triển công nghiệp phụ trợ. Bằng cách đó, chúng ta sẽ tiết kiệm được một nguồn ngoại tệ lớn và tránh những cú sốc về giá khi giá nguyên vật liệu thế giới tăng mạnh”.

Nguyễn Hiền