Giá cả biến động đẩy nhập siêu tăng 1,5 tỷ USD

(Dân trí) - Giá hàng hóa nhập khẩu 5 tháng đầu năm 2011 tăng cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2010, bình quân khoảng 24%. Yếu tố tăng giá đã làm nhập siêu tăng thêm 1,5 tỷ USD.

Tại buổi họp giao ban xuất nhập khẩu tháng 5 chiều 26/5, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên cho biết, giá nhiều mặt hàng tăng rất cao như xăng dầu tăng 41,5%, cao su các loại tăng 25,5%, bông tăng 110%, sợi tăng 39,4%, kim loại thường khác tăng 110%...
Giá cả biến động đẩy nhập siêu tăng 1,5 tỷ USD - 1
Ô tô dưới 9 chỗ ngồi thuộc nhóm hàng hạn chế nhập khẩu.

Theo ước tính sơ bộ, giá và lượng hàng hóa tăng đã góp phần đưa kim ngạch nhập khẩu tăng thêm 9,4 tỷ USD, trong đó tăng do lượng khoảng 1,9 tỷ USD (chiếm 20%) và tăng do giá khoảng 7,5 tỷ USD (chiếm 80% kim ngạch tăng thêm). Chỉ tính do yếu tố tăng giá đã làm nhập siêu tăng thêm 1,5 tỷ USD.

Kim ngạch xuất khẩu tháng 5 ước đạt 7,5 tỷ USD (tăng 18,8% so với cùng kỳ), nâng tổng kim ngạch 5 tháng đầu năm lên mức 34,75 tỷ USD, tăng 32,8% so với cùng kỳ năm 2010 và bằng 43,8% kế hoạch năm 2011.

Kim ngạch nhập khẩu tháng 5 ước đạt 9,2 tỷ USD, tăng 27% so với cùng kỳ, nâng kim ngạch 5 tháng đầu năm lên mức 41,3 tỷ USD, tăng 29,5% so với cùng kỳ năm 2010. Nhập siêu 5 tháng đầu năm ước khoảng 6,5 tỷ USD, bằng 18,8% kim ngạch xuất khẩu.

Trong đó, nhóm hàng cần kiểm soát nhập khẩu đạt kim ngạch 3,1 tỷ USD, giảm 2,2% so với cùng kỳ năm 2010 và chiếm tỷ trọng 10%. Trong nhóm này, mặt hàng đá quý, kim loại quý (vàng) có tốc độ tăng trưởng cao 39,1%, đạt kim ngạch 404 triệu USD.

Đáng chú ý, mặt hàng linh kiện phụ tùng ô tô từ 9 chỗ trở xuống đạt kim ngạch 313 triệu USD, giảm 48,3%. Đối với nhóm hàng cần hạn chế nhập khẩu, kim ngạch ước đạt 2,46 tỷ USD, tăng 13,8% so với cùng kỳ năm 2010 và chiếm tỷ trọng 6,8%.

Trong 5 tháng đầu năm, các Bộ, ngành đã triển khai thực hiện nhiều biện pháp nhằm hạn chế nhập siêu, nhưng tỷ lệ nhập siêu trên xuất khẩu vẫn ở mức cao hơn so với mục tiêu của Chính phủ đề ra.

Lý do chính là các biện pháp này chủ yếu tập trung vào nhóm hàng hóa cần hạn chế và kiểm soát nhập khẩu. Trong khi đó, tỷ trọng của hai nhóm này rất thấp trong tổng kim ngạch nhập khẩu (chiếm 16,9%) nên việc giảm nhập siêu chưa đạt được mục tiêu đề ra.

Bên cạnh đó, nhóm hàng cần nhập khẩu (gồm máy móc thiết bị, vật tư, nguyên liệu phục vụ sản xuất, kể cả sản xuất hàng xuất khẩu) chiếm tỷ trọng khoảng 83,1% và các biện pháp quản lý nhập khẩu đối với nhóm này chưa thật sự phát huy tác dụng.

Diệu Chi