Hai vụ thâu tóm “triệu đô” lộ tham vọng lớn của “ông trùm” giải trí Việt

(Dân trí) - Sau khi thâu tóm 100% cổ phần của ScaleLab LLC - MCN (Mỹ), Yeah1 tiếp tục mua lại 100% tài sản của chi nhánh Thái Lan trực thuộc Tập đoàn truyền thông đa phương tiện Thoughtful Media Group, từ đó tăng ảnh hưởng đáng kể trên Youtube. Tuy nhiên, cổ phiếu YEG vẫn… mất giá mạnh.

Chuỗi giao dịch bất lợi vẫn tiếp tục kéo dài với cổ phiếu YEG của Yeah1 Group. Mã này đóng cửa phiên giao dịch đầu tuần 28/1 với việc đánh mất 5.500 đồng tương ứng 2,33% còn 230.500 đồng/cổ phiếu. Theo đó, trong vòng 3 tháng giao dịch, YEG ghi nhận đánh mất hơn 17,4% giá trị.

Mới đây, Yeah1 cho biết đã mua lại 100% tài sản của chi nhánh Thái Lan trực thuộc Tập đoàn truyền thông đa phương tiện Thoughtful Media Group.

nguyen anh nhuong tong.jpg

Ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống trở thành lãnh đạo "nghìn tỷ" sau khi đưa Yeah1 lên sàn

Có trụ sở chính đặt tại Mỹ, tập đoàn truyền thông đa phương tiện Thoughful Media Group đã bán toàn bộ tài sản của chi nhánh Thái Lan, hay còn gọi là TMG Thái Lan cho Yeah1 Group với giá 1,55 triệu USD tiền mặt (gần 36 tỷ đồng) và quyền mua cổ phần.

Được biết, TMG Thái Lan là mạng đa kênh YouTube (MCN) có vị trí quan trọng trong ngành thương mại truyền thông của nước này với hơn 580 kênh trên YouTube. Công ty này sở hữu mối quan hệ rộng khắp với nhiều đại lý quảng cáo cũng như cộng đồng các nhà sáng tạo nội dung.

Bước đi này của Yeah1 nằm trong kế hoạch phát triển mạng lưới người ảnh hưởng và truyền thông kỹ thuật số tại thị trường Đông Nam Á của Công ty.

Sau khi sáp nhập, tài sản mua từ TMG Thái Lan dự kiến sẽ đóng góp khoảng 2-3 triệu USD (tương đương 46-69 tỷ đồng) vào doanh thu của Yeah1 trong 12 tháng đầu tiên và 6-7 triệu USD sau 2 năm.

Trước đó, Yeah1 cũng đã thâu tóm xong 100% cổ phần của ScaleLab LLC - MCN (Mỹ). Sau sáp nhập, hệ thống các kênh YouTube của Yeah1 dự kiến tạo ra gần 7 tỷ lượt xem mỗi tháng trên YouTube, đứng thứ 3 toàn cầu.

Hai chỉ số chính đóng cửa phiên giao dịch ngày 28/1 với diễn biến trái ngược. Trong lúc VN-Index đạt mức tăng 3,3 điểm tương ứng 0,36% lên 912,18 điểm thì HNX-Index lại đánh mất 0,43 điểm tương ứng 0,42% còn 102,31 điểm.

Tương quan số mã tăng giảm trên thị trường khá cân bằng. Số mã tăng đạt 292 mã, 33 mã tăng trần, chỉ nhỉnh hơn chút ít so với số mã giảm giá: 274 mã giảm, 40 mã giảm sàn.

Dù vậy, thanh khoản trong phiên này cho thấy sự cải thiện với khối lượng giao dịch trên HSX ghi nhận đạt 133,32 triệu cổ phiếu tương ứng dòng tiền đạt 3.059,26 tỷ đồng; HNX có 26,22 triệu cổ phiếu tương ứng 325,61 tỷ đồng. Tổng cộng có 845 mã cổ phiếu không có giao dịch nào diễn ra trong phiên.

Mã có giao dịch mạnh nhất phiên là DLG của Đức Long Gia Lai với số lượng cổ phiếu được chuyển nhượng lên tới 16,8 triệu cổ phiếu. Tuy nhiên, diễn biến giá tại mã này lại rất tiêu cực, giảm sàn còn 1.300 đồng/cổ phiếu.

Được biết, vừa rồi sau khi chỉ mua được 340.000 cổ phiếu DLG trong tổng số 10 triệu cổ phiếu đăng ký do “chưa thu xếp kịp tài chính”, CEO của Đức Long Gia Lai Nguyễn Trung Kiên đã tiếp tục đăng ký mua thêm 9,66 triệu cổ phiếu DLG trong khoảng thời gian từ 16/1 đến 14/2/2019. Do vậy, không loại trừ giao dịch đột biến này có liên quan đến lãnh đạo của Đức Long Gia Lai.

Về giá, VHM là mã có tác động tích cực nhất đối với thị trường phiên đầu tuần và trở thành trụ đỡ cho chỉ số. Trong mức tăng nói trên của VN-Index thì riêng VHM đã đóng góp tới 2,65 điểm.

Bên cạnh đó, chỉ số cũng nhận được hỗ trợ của VIC, VNM, MSN, BVH, POW, CTG, CTD… Ngược lại, TCB, VCB, VPB, VHC… lại giảm giá và có tác động không mấy tích cực đến VN-Index.

Theo nhận xét của Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC), dòng tiền trên thị trường chưa có sự cải thiện và thiếu sự lan tỏa. Áp lực bán là không lớn nhưng bên mua cũng thiếu sự nhiệt tình. Nhiều khả năng tình trạng này sẽ còn kéo dài cho tới khi kỳ cơ cấu VN30 kết thúc sau kỳ nghỉ Tết.

Trong khi đó, ở góc độ phân tích kỹ thuật, Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng, đường giá nhiều khả năng sẽ tiếp tục dao động trong vùng giá đi ngang được giới hạn bởi cận trên nằm tại 913-916 điểm và cận dưới 898-902 điểm trong một vài phiên kế tiếp.

Việc các ngưỡng điểm trên bị phá vỡ sẽ tạo ra một xu thế biến động mới cho chỉ số trong ngắn hạn. Nhà đầu tư đang có tỷ trọng tiền mặt cao được khuyến nghị có thể thực hiện các hoạt động mua trading trong các phiên điều chỉnh của chỉ số tại các vùng hỗ trợ. Ngược lại với các phiên tăng mạnh của thị trường tại các ngưỡng kháng cự được xem là điểm bán trading cho các vị thế ngắn hạn trong danh mục.

Vùng kháng cự của chỉ số nằm tại 913- 916 điểm và 925-930 điểm. Vùng hỗ trợ của chỉ số nằm tại 898-902 điểm và 888-892 điểm.

Mai Chi

bannerchanbai-1547856639383.gif