1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Hai vai chẳng cân

Câu chuyện TCty Đầu tư Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) mang tiền của Nhà nước đầu tư và gửi ngân hàng vẫn còn gây nhiều tranh cãi. Nhưng những khoản đầu tư của SCIC lại là những câu chuyện đáng bàn và suy ngẫm.

Các khoản thu và hoạt động đầu tư của SCIC 2012
Các khoản thu và hoạt động đầu tư của SCIC 2012

 

Theo báo cáo kiểm toán, lợi nhuận sau thuế năm 2012 của SCIC đạt 3.974 tỉ đồng nhưng 2/3 trong số đó đến từ cổ tức ở Vinamilk và tiền lãi ngân hàng.

 

Những món hời

 

Theo Báo cáo tài chính của Cty CP Sữa VN (VNM) hiện SCIC nắm giữ 375 triệu cổ phiếu của VNM. Đây là tổng giá trị đầu tư của SCIC trong năm 2012.

 

Như chúng ta đã biết, tổng doanh thu năm 2012 của VNM đạt 1,3 tỉ USD (hơn 27.000 tỉ đồng), lợi nhuận sau thuế gần 5.800 tỉ đồng, tăng 40% so với 2011. Lợi nhuận/cổ phiếu (EPS) năm đạt gần 7.000 đồng/cp. Nếu tính 1.000 tỉ đồng cổ tức mà VNM trả cho SCIC trong năm 2012 thì chỉ riêng “con bò sữa” này đã đóng góp hơn 25% lợi nhuận sau thuế của SCIC. Trong báo cáo SCIC cũng nhấn mạnh VNM là một  khoản đầu tư mà SCIC đã gặt hái được nhiều thành công và đem lại lợi nhuận cao gấp 3 lần số vốn mà tổ chức này đã bỏ ra để đầu tư.

 

Bên cạnh VNM đang là các cỗ máy kiếm tiền tỉ cho SCIC thì các gương mặt đại gia như Dược Hậu Giang - DHG (SCIC sở hữu 40% vốn), Bảo hiểm Bảo Minh - BMI (SCIC sở hữu 51% vốn) cũng mang lại những khoản lợi nhuận kếch xù cho SCIC. Năm 2012 doanh thu của DHG 2.750 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế 505 tỉ đồng, vượt 30% kế hoạch đề ra. Như vậy lấy lợi nhuận sau thuế chia cho mức tạm ứng cổ tức 12% thì mỗi năm SCIC đã thu về  hơn 48,08 tỉ đồng. Tương  tự với khoản đầu tư vào cổ phiếu BMI cũng vậy. Năm 2012 tổng doanh thu của BMI là 2.046 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế 100 tỉ đồng thì SCIC cũng hưởng lợi không ít.

 

Trong báo cáo doanh thu tài chính của SCIC năm 2012 cho biết, lãi suất tiền gửi ngân hàng đạt 1.568 tỉ đồng. Với số lãi này, ước tổng số tiền SCIC đầu tư vào NH có thể lên tới 19.600 tỉ đồng. Báo cáo tài chính của NHTM cổ phần Công thương VN (Vietinbank) cho thấy SCIC đã gửi vào ngân hàng này 4.227 tỉ đồng theo hình thức ủy thác đầu tư không kỳ hạn và kỳ hạn 14 tuần, lãi suất 3-14%/năm.

 

Đánh giá chung danh mục đầu tư của  SCIC tại thời điểm 31/12/ 2012 với tổng giá trị theo sổ kế toán khoảng 14.000 tỉ đồng, giá thị trường ước đạt 50.000 tỉ đồng, chênh lệch tăng 36.000 tỉ đồng cho thấy hoạt động đầu tư của SCIC đạt hiệu quả khá cao.

 

Nhìn lại, kết quả kinh doanh của SCIC trong hơn 6 năm qua cho thấy, tổng tài sản tăng hơn 10 lần (từ gần 6.000 tỉ đồng lên hơn 62.000 tỉ đồng) do tăng vốn chủ sở hữu và tập trung đôn đốc thu nợ Quỹ Hỗ trợ sắp xếp DN Trung ương. Tổng nguồn vốn chủ sở hữu tăng gần 7,5 lần (từ khoảng 3.700 tỉ đồng lên 27.700 tỉ đồng) do bổ sung vốn điều lệ, lợi nhuận tích lũy qua đầu tư kinh doanh và thặng dư bán vốn.

 

Và những khoản lỗ chưa được công bố

 

Theo thông tin từ SCIC, sau khi tiếp quản phần vốn nhà nước tại 949 DN từ năm 2006 đến nay, SCIC đã thực hiện tái cơ cấu vốn nhà nước thông qua việc phân loại  DN và tiến hành bán vốn tại những  DN thuộc lĩnh vực nhà nước không cần chi phối. Đến nay, “siêu tổng Cty” này đã bán vốn tại gần 600 DN thu về cho Nhà nước hơn 3.300 tỉ đồng.

 

Tuy nhiên, trong năm 2012, hoạt động này lại tỏ ra không hiệu quả. Tổng số DN thuộc danh mục bán vốn của SCIC trong năm 2012 là 262 DN nhưng SCIC chỉ bán được ở 37 DN, với các lý do kinh tế vĩ mô bất lợi, thị trường chứng khoán lình xình...

 

Trong tổng vốn thực hiện đầu tư của SCIC năm 2012 là 1.257 tỉ đồng, chỉ riêng khoản đầu tư tăng vốn tại Vinaconex đã lên tới 1.021 tỉ đồng. Khoản đầu tư này đã gây nhiều tranh cãi về tính hiệu quả và khả năng thu hồi vốn khi Vinaconex cũng đang trong tình trạng nợ hàng ngàn tỉ đồng tại các ngân hàng.

 

Theo SCIC công bố, tổng vốn đã đầu tư đến nay gần 9.300 tỉ đồng dưới nhiều hình thức như: mua cổ phiếu, trái phiếu của các DN; góp vốn thành lập DN mới; đầu tư tăng vốn tại các DN có lợi thế trong sản xuất kinh doanh với vai trò cổ đông nhà nước; đầu tư dự án trong các lĩnh vực như năng lượng, cơ sở hạ tầng, công nghệ cao...

 

Như vậy, nếu xét về góc độ hiệu quả số vốn mà SCIC đang tiếp quản thì số lãi đem về chủ yếu từ một vài Cty, điều này có nghĩa rất nhiều khoản đầu tư mà SCIC đang nắm giữ chưa thể sinh lời, thậm chí là lỗ đậm chưa được công bố.

 

Khi so sánh về những khoản đầu tư lãi - lỗ, TS Nguyễn Đình Cung - Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, muốn đánh giá SCIC kinh doanh có thật hiệu quả hay không cần phân tích kỹ hơn, xem công lao do đâu, có phải của SCIC không hay của các Cty do SCIC được chỉ định làm đại diện vốn nhà nước. Tuy nhiên, trong bối cảnh “người khôn của khó” làm đồng tiền sinh lời được như SCIC  cũng không phải dễ dàng gì.

Đến nay, SCIC đã bán vốn tại gần 600 DN thu về cho Nhà nước hơn 3.300 tỉ đồng.

 

TCty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) được thành lập theo Quyết định số151/2005/QĐ-TTg ngày 20/6/2005 của Thủ tướng Chính phủ. Và với tư cách là tổ chức chuyên quản lý, đầu tư, kinh doanh vốn của Chính phủ VN, sự ra đời của SCIC được đặt khá nhiều kỳ vọng sẽ là đòn bẩy đẩy nhanh tiến trình cải cách kinh tế nói chung và cải cách DN nhà nước nói riêng nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn của nhà nước tại DN.

 

Lĩnh vực hoạt động của SCIC cũng được xác định là: Đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước tại các DN (Đầu tư bổ sung) hoặc thoái vốn đầu tư tại các DN có vốn đầu tư của SCIC; cơ cấu lại DN có vốn đầu tư của SCIC,...); đầu tư trực tiếp và đầu tư gián tiếp (Đầu tư vào những ngành, lĩnh vực quan trọng cần có sự tham gia của Nhà nước; đầu tư trên thị trường vốn, thị trường chứng khoán thông qua mua bán cổ phiếu, trái phiếu và các công cụ tài chính khác);...

 

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, nếu xét ở góc độ kinh doanh, nhìn một cách tổng thể, SCIC đã thực hiện vai trò của mình khá tốt, nhất là trong bối cảnh khó khăn hiện nay. Tuy nhiên, nếu đối chiếu với chức năng nhiệm vụ của SCIC được đề cập tại các Quyết định số151/2005/QĐ-TTg ngày 20/6/2005 và 992/QĐ-TTg ngày 30/6/2010, theo Báo cáo Tổng kết hoạt động năm 2012 và kế hoạch năm 2013 của SCIC thì những chức năng, nhiệm vụ trên lại thể hiện khá mờ nhạt trong việc sử dụng nguồn vốn của nhà nước tại DN có hiệu quả.

 

Ông Lại Văn Đạo - Tổng giám đốc SCIC mới đây đã khẳng định nội dung trọng tâm trong kế hoạch năm 2013 của SCIC là tập trung tăng cường hoạt động đầu tư trên nguyên tắc hiệu quả vào các lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm, các dự án cơ sở hạ tầng, bất động sản... Và cũng mới đây, SCIC đã khai trương một Cty con là Cty đầu tư SCIC (SIC) với hình thức là Cty TNHH một thành viên do SCIC là chủ sở hữu, được phân cấp trong quá trình đầu tư với vốn điều lệ ban đầu là 1.000 tỉ đồng. SIC sẽ có hai chức năng chính là đầu tư tài chính và đầu tư dự án. Hy vọng, thị trường sẽ sớm thấy việc cân bằng hiệu quả giữa hai vai - hai trọng trách của SCIC hiệu quả.

 

Theo Phương Hà

DĐDN

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm