Hải quan TP.HCM mất không 1.400 tỷ đồng tiền thuế vì doanh nghiệp phá sản

(Dân trí) - Trong tổng số nợ thuế hơn 2.500 tỷ đồng phải trả của các doanh nghiệp trên địa bàn TP. HCM, có đến 1.400 tỷ đồng là nợ thuế không thể thu hồi. Đây là báo cáo mới nhất về tình trạng nợ đọng thuế của Hải quan TP.HCM trong 8 tháng qua.

Theo báo cáo của Cục Hải quan TP.HCM gửi Tổng cục Hải quan về kết quả thực hiện các nhiệm vụ 8 tháng đầu năm 2017, số thu thuế trong 8 tháng qua trên địa bàn TPHCM đạt gần 66.000 tỷ đồng, đạt 60% chỉ tiêu được giao, tăng gần 8% so với cùng kỳ năm trước.

Số nợ thuế không thể thu hồi có liên quan đến việc doanh nghiệp lập mới nhập xe hơi diện quà biếu tặng về Việt Nam sau đó tuyên bố phá sản (ảnh minh hoạ)
Số nợ thuế không thể thu hồi có liên quan đến việc doanh nghiệp lập mới nhập xe hơi diện quà biếu tặng về Việt Nam sau đó tuyên bố phá sản (ảnh minh hoạ)

Đáng chú ý, đến hết 15/8, số nợ thuế của Việt Nam đã tăng lên 2.500 tỷ đồng, trong đó hơn 56% là nợ không có khả năng thu hồi, còn lại hơn 44% nợ quá hạn trên 90 ngày và nợ chưa tới hạn, nợ chậm nộp cần phải thu hồi.

Về số nợ thuế không có khả năng thu hồi là gần 1.400 tỷ đồng, báo cáo Tổng cục Hải quan, Hải quan TP.HCM cho biết do các DN trên địa bàn đã phá sản, số DN khai báo sai địa chỉ khiến số thất thu thuế tăng cao.

Với tổng nợ thuế không thể thu hồi nói trên, trung bình mỗi ngày TP.HCM mất không gần 6 tỷ đồng.

Tình hình nợ thuế không thể thu hồi ngày càng tiêu cực hơn khi số thuế không thể thu hồi 8 tháng đầu năm 2017 đã tăng thêm hơn 40 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước.

Trước đó, báo cáo của Tổng cục Hải quan về tình hình thu ngân sách xuất nhập khẩu và nghĩa vụ hải quan, cơ quan này chỉ rõ các địa phương là Hà Nội và TP.HCM, Đà Nẵng đang có tỷ lệ nợ thuế xuất nhập khẩu, thuế nghĩa vụ hải quan lớn nhất cả nước.

Theo Tổng cục Hải quan, đa phần số nợ thuế không thể thu hồi liên quan đến việc người nộp thuế bỏ trốn, mất tích, không còn kinh doanh tại địa chỉ đăng ký hoặc tạm dừng hoạt động kinh doanh. Nợ thuế của người nộp thuế đã có quyết định giải thể công ty và số nợ của người nộp thuế đã có quyết định phá sản DN của các cấp có thẩm quyền...

Trả lời Dân Trí mới đây về tình trạng nợ thuế không thể thu hồi đang diễn biến chiều hướng xấu, đại diện lãnh đạo Tổng cục Hải quan cho rằng: Tình hình nợ đọng thuế xuất nhập khẩu trên cả nước hiện có liên quan mật thiết đến động cơ trốn thuế, trốn nghĩa vụ với Nhà nước. DN lập mới để nhập khẩu một mặt hàng nào đó, sau đó chuyển địa điểm kinh doanh, tuyên bố phá sản, dẫn đến thất thu thuế.

Tình trạng này đã và đang xảy ra ở các DN nhập khẩu ô tô diện quà biếu, tặng về Việt Nam. Trong năm 2016 đầu năm 2017, cơ quan Hải quan phát hiện nhiều thủ đoạn của các DN này nhập khẩu xe theo diện quà biếu, tặng, sau đó DN này bán các loại xe nói trên cho một số DN, cá nhân khác rồi tuyên bố phá sản. Điều này là hành vi bất hợp pháp, trục lợi kẽ hở chính sách, gây thất thu ngân sách, rủi ro về thuế đối với Nhà nước.

Nguyễn Tuyền