Hải quan hủy 53.300 tấn gạo xuất khẩu do doanh nghiệp khai khống
(Dân trí) - Tổng cục Hải quan vừa có công văn hỏa tốc về việc hủy tờ khai hơn 53.300 tấn gạo xuất khẩu do quá 15 ngày doanh nghiệp không xuất trình gạo để kiểm tra, làm thủ tục xuất khẩu.
Tổng cục Hải quan cho biết, số 53.300 tấn gạo trong hạn ngạch nói trên sẽ được đưa trở lại vào hạn ngạch xuất khẩu 400.000 tấn theo Quyết định 1106/QĐ-BCT ngày 10/4/2020 của Bộ trưởng Bộ Công Thương.
Theo đó, Hải quan Việt Nam sẽ mở hệ thống tờ khai xuất khẩu hơn 53.300 tấn gạo nói trên vào đêm nay lúc 0 giờ ngày 28/4 trên hệ thống VNACCS/VCIS để các doanh nghiệp chủ động đăng ký tờ khai, xuất khẩu.
Trước đó tại công văn số 2638/TCHQ-GSQL trong ngày 24/4, Tổng cục Hải quan cho biết đối với các tờ khai hải quan đã được đăng ký trong hạn ngạch 400.000 tấn nhưng quá 15 ngày kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan, doanh nghiệp không xuất trình hàng hóa để kiểm tra, hải quan địa phương sẽ hủy tờ khai theo quy định của pháp luật.
Như vậy, số gạo 53.300 tấn mà các doanh nghiệp mở tờ khai nhưng không khai báo hàng để kiểm tra chiếm hơn 13,3% hạn ngạch xuất khẩu được Chính phủ cho phép trong tháng 4. Con số khá lớn so với quy định và cơ quan hải quan vẫn đang tiếp tục rà soát, đánh giá.
Tính đến thời điểm 18 giờ 33 phút ngày 27/4, trên hệ thống của Tổng cục Hải quan, lượng gạo xuất khẩu thực trong hạn ngạch 400.000 tấn đang là 223.900 tấn, đạt 56% hạn ngạch. Còn khoảng 176.100 tấn gạo nữa cần được xuất khẩu trong 3 ngày tới, (trong đó có cả số gạo 53.300 tấn mà các doanh nghiệp mở tờ khai nhưng không có hàng để kiểm tra, xuất khẩu theo quy định).
Số gạo xuất thực bình quân của doanh nghiệp trong 16 ngày qua là gần 14.000 tấn/ngày. Để thực hiện xuất khẩu hết 176.100 tấn gạo nói trên, mỗi ngày phải xuất được 58.700 tấn, gấp hơn 10 lần số gạo xuất trung bình 16 ngày qua.
Nếu số gạo 176.100 tấn trong hạn ngạch không xuất được hết, Bộ Công Thương sẽ phải vào cuộc để xử lý.
Trước đó, các doanh nghiệp, Hiệp hội lương thực Việt Nam cùng nhiều chuyên gia cho biết có hiện tượng doanh nghiệp mở được tờ khai, khai khống số lượng gạo hiện có để xuất khẩu trong hạn ngạch. Điều này khiến cho công tác quản lý của các bộ, ngành gặp khó khăn, bất công.
Đặc biệt, doanh nghiệp có gạo nhưng không mở được tờ khai, doanh nghiệp không có gạo lại mở được tờ khai, điều này đã khiến nhiều doanh nghiệp có lúa gạo đang bảo quản tại cảng, kho bị thiệt hại nặng. Kế hoạch xuất khẩu gạo bị phá vỡ, ảnh hưởng nghiêm trọng.
Mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã yêu cầu các Bộ Tài chính, Công Thương làm rõ có hay không việc doanh nghiệp mở tờ khai nhưng không có gạo. Đồng thời Bộ Tài chính đề nghị Bộ Công an vào cuộc để điều tra việc mở tờ khai lúc 0 giờ ngày 12/4 của hải quan có bất thường; có hay không vi phạm trong việc để doanh nghiệp khai khống tờ khai xuất khẩu gạo, ảnh hưởng điều hành của các cơ quan chức năng.
An Linh