Hải quan An Giang xin giảm nhẹ tội cho 28 công chức nhận hối lộ
(Dân trí) - Mới đây, Cục Hải quan tỉnh An Giang có văn bản gửi Tòa án và Viện Kiểm sát nhân dân TP HCM đề nghị điều tra khách quan, làm rõ sai phạm liên quan đến vụ án lợi dụng chức vụ, đưa và nhận hối lộ của 28 công chức tỉnh này ở một công ty địa phương.
Theo đó, đầu năm 2016, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP HCM đã ban hành kết luận điều tra vụ án liên quan đến 28 đối tượng là công chức Cục Hải quan tỉnh An Giang vì hành vi “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Công ty Cổ phần Thực phẩm Công nghệ Sài Gòn.
Tuy nhiên, trước ngày vụ án được đưa ra xét xử (8/6/2016), Hải quan tỉnh An Giang có văn bản gửi Tòa án nhân dân TP HCM, Viện Kiểm sát nhân dân TP HCM đề nghị xem xét lại cáo trạng, vì những sai phạm của 28 bị can là công chức trong ngành chưa có dấu hiệu làm thất thoát tài sản Nhà nước và gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Theo Hải quan An Giang, đây là vụ án buôn lậu, lừa đảo chiếm đoạt tài sản và đưa hối lộ liên quan đến ngành Hải quan của tỉnh. Tuy nhiên, vụ việc này do chính ngành Hải quan chủ động phát hiện và ngăn chặn, do đó đây cũng là tình tiết cần được đưa ra để xem nhẹ tội danh của 1 số cán bộ công chức.
Đặc biệt, khi vụ việc bị điều tra, những cán bộ vi phạm đã cung cấp đầy đủ chứng cứ, tài liệu kịp thời hỗ trợ điều tra vụ án. Chính vì vậy, cơ quan này cho rằng, 28 bị can công chức của Hải quan An Giang cần được xem nhẹ làm chi tiết giảm nhẹ tội trạng.
Bên cạnh đó, Công văn nêu rõ tại Khoản 1, Điều 281, Bộ Luật hình sự có quy định: “Người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ quyền hạn làm trái công vụ gây thiệt hại cho lợi ích Nhà nước, của xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân thì bị phạt cải tạo không gian giữ đến 3 năm hoặc phạt từ 1 đến 5 năm”. Dẫn chiếu theo cáo trạng, Hải quan An Giang cho rằng: sai phạm của một số công chức chưa để xảy ra thiệt hại tài sản của Nhà nước, nhiều cán bộ vi phạm do lỗi khách quan nhưng nhiều công chức làm gián tiếp bị phạt tù từ 10 - 15 năm là quá nặng.
Hải quan An Giang khẳng định: Đối với cán bộ công chức thừa hành (kiểm tra, giám sát) chỉ thực hiện theo sự chỉ đạo của lãnh đạo Chi cục và lãnh đạo cấp Đội, hoàn toàn không tham gia bàn bạc, không biết gì về tỷ lệ ăn chia (nếu có) và cũng không liên hệ trực tiếp với doanh nghiệp để nhận tiền.
Đặc biệt có công chức chỉ ký xác nhận từ 01 - 04 tờ khai và số tiếp nhận trực tiếp từ cấp trên cho là không lớn nhưng đều bị khởi tối phạt tù từ 10 - 15 năm là quá nặng nề. Do đó, Hải quan tỉnh An Giang đề nghị cần được xem xét, phân loại và làm rõ tính chất, mức độ hành vi vi phạm của từng cán bộ công chức để áp dụng hình phạt tương ứng.
Theo Cục Hải quan An Giang, đây là vụ án được đưa ra xét xử với số lượng truy tố rất nhiều 28 công chức ngành hải quan, tuy nhiên vẫn còn nhiều tình tiết oan sai và mâu thuẫn trong hồ sơ xét xử, cáo trạng. Đặc biệt, là tình tiết 92 tờ khai mặt hàng thuốc lá của Công ty CP Thực phẩm – Công nghệ Sài Gòn làm thủ tục xuất khẩu qua Chi cục Hải quan cửa khẩu Khánh Bình chưa được Cục thuế Tp HCM hoàn thuế, vì vậy, thiệt hại cụ thể chưa xảy ra.
“Hành vi gây thiệt hại cụ thể chưa xảy ra đồng nghĩa với hậu quả của tội phạm chưa hoàn thành. Tuy nhiên, 28 công chức Hải quan An Giang vẫn bị kết luận “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ, gây hậu quả nghiêm trọng” với hình thức phạt tù 10 -15 năm", Công văn trên nêu rõ.
Cục Hải quan An Giang đề nghị, cơ quan Viện Kiểm sát nhân dân TPHCM, Tòa án nhân dân TPHCM đánh giá khách quan, công bằng, tránh bỏ lọt tội phạm nhưng không làm oan người vô tội và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của công chức đơn vị trước pháp luật.
Trước đó, theo hồ sơ vụ việc, chiều nay (19/01/2016), Cơ quan CSĐT Công an TPHCM đã hoàn tất kết luận điều tra vụ án “Lê Dũng, Trần Thị Bích Tuyền, Hứa Châu cùng đồng phạm can tội “buôn lậu”, “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “đưa hối lộ”, “môi giới hối lộ”, “lợi dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành công vụ” và “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại TPHCM và tỉnh An Giang”.
Vụ trọng án về kinh tế này có đến 46 bị can, trong đó nhiều giám đốc công ty và đặc biệt là 30 bị can nguyên là cán bộ công chức hải quan (trong đó có đến 28 người nguyên là cán bộ công chức Cục Hải quan tỉnh An Giang và 3 nguyên là cán bộ Hải quan TPHCM).
Theo kết luận điều tra, Đội kiểm soát chống buôn lậu khu vực miền Nam, thuộc Cục điều tra chống buôn lậu – Tổng cục Hải quan kiểm tra 2 container do Cty Cổ phần thực phẩm công nghệ Sài Gòn (TPHCM) do Lê Dũng làm giám đốc, xuất khẩu sang Campuchia mặt hàng thuốc lá.
Tuy nhiên, trong 2 container lại chứa 20.000 kg gạo. Trong khi lực lượng chống buôn lậu đang kiểm tra, thì Hứa Châu (Giám đốc Cty TNHH TM Lâm Kim Ngọc) mang thuốc lá vào cảng để đánh tráo 2 container gạo, nhưng đã bị Chi cục Hải quan Cảng Sài Gòn khu vực IV bắt giữ.
Lợi dụng chính sách hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) của Nhà nước, các đối tượng trên đã lập hồ sơ xuất khẩu khống sang Campuchia, rồi sử dụng để xin hoàn thuế GTGT, lừa đảo chiếm đoạt tiền của Nhà nước.
Để thực hiện trót lọt các “phi vụ”, các đối tượng tìm cách móc nối “quan hệ” với các đối tượng liên quan, lập hợp đồng mua hàng hóa khống nhằm chiếm đoạt tiền hoàn thuế của Nhà nước tổng cộng là hơn 80 tỉ đồng.
Đây là vụ trọng án kinh tế nghiêm trọng vì có 28 cán bộ công chức hải quan của An Giang bị “dính chàm”, trong có cả bị can nguyên là Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu Khánh Bình, tỉnh An Giang – Nguyễn Văn Biên; Nguyễn Phi Công và Thái Thanh Nguồn đều nguyên là Chi cục phó Chi cục Hải quan cửa khẩu Khánh Bình, tỉnh An Giang...
Nguyễn Tuyền