Hai kiến nghị của tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo để thúc đẩy thị trường vốn
(Dân trí) - Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Phó chủ tịch thường trực HĐQT HDBank kiến nghị Ngân hàng Nhà nước tiếp tục giữ ổn định mặt bằng lãi suất, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn; hỗ trợ HDBank theo phương án chuyển giao bắt buộc đã được phê duyệt.
Thông tin được bà Nguyễn Thị Phương Thảo chia sẻ tại Hội nghị Thường trực Chính phủ làm việc với các ngân hàng thương mại diễn ra sáng ngày 11/2.
Tại hội nghị này, Thường trực Chính phủ làm việc với các ngân hàng thương mại, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và các đại biểu đã phân tích, đánh giá tình hình điều hành chính sách tiền tệ, tăng trưởng tín dụng, tỷ giá, hoạt động của các ngân hàng thương mại...
Chia sẻ tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Phương Thảo đề xuất một số giải pháp thúc đẩy phát triển thị trường vốn, giảm áp lực lên nguồn vốn vay ngân hàng.
Một là, ngân hàng HDBank cần được hỗ trợ nhanh, kịp thời, theo phương án chuyển giao bắt buộc đã được phê duyệt, để nhanh chóng khôi phục hoạt động và tăng cường nguồn cung tín dụng, dịch vụ ngân hàng cho doanh nghiệp, người dân.
Hai là, kiến nghị NHNN tiếp tục giữ ổn định mặt bằng lãi suất tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn dễ dàng; hỗ trợ lãi suất cho các chương trình đầu tư nhà ở xã hội, tín dụng cho người lao động; có cơ chế khuyến khích phát triển tín dụng số hóa; điều hành tỷ giá linh hoạt, ổn định nhằm thu hút đầu tư và thúc đẩy xuất khẩu, khai thác các hiệp định EVFTA, CPTPP, RCEP.
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo tin tưởng rằng, với sự quyết tâm của toàn hệ thống, cùng chỉ đạo sát sao và các giải pháp thiết thực từ Chính phủ, NHNN, ngành ngân hàng sẽ hoàn thành mục tiêu đóng góp vào tăng trưởng GDP 8% của năm 2025, tạo nền tảng vững chắc cho một giai đoạn phát triển mạnh mẽ trong tương lai.
"Chúng ta đang đứng trước thời khắc quyết định khi tăng trưởng 8% không phải là giấc mơ xa vời mà là mục tiêu khả thi, chuẩn bị cho giai đoạn phát triển bền vững tiếp theo, khi chúng ta hành động quyết liệt, có sự đồng lòng, đồng hành của cả hệ thống. Chính phủ đã tiên phong, các doanh nghiệp sẵn sàng đổi mới, các ngân hàng của chúng ta sẵn sàng đồng hành.
HDBank cam kết luôn là đối tác tin cậy, cung cấp dòng vốn hiệu quả, thúc đẩy tăng trưởng bền vững theo định hướng của Chính phủ, điều hành của NHNN, đồng hành cùng doanh nghiệp và người dân Việt Nam. Chúng tôi tin tưởng rằng chúng ta sẽ hiện thực hóa khát vọng một Việt Nam hùng cường", tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo chia sẻ trong bài phát biểu.
Tăng cường hợp tác quốc tế
Tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo nói thêm, HDBank và các doanh nghiệp trong hệ sinh thái này cũng tham gia tích cực trong hoạt động đối ngoại, kinh tế. Sau cuộc gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump, HDBank và các đối tác đang phối hợp thực hiện các hợp đồng 48 tỷ USD với các tập đoàn lớn của Mỹ, tạo ra gần 500.000 việc làm và đang thương lượng nâng giá trị giao dịch lên 64 tỷ USD.
"Chúng tôi còn là đối tác của Trung Quốc, Liên Hợp Quốc, UNESCO cùng phát triển kinh tế trên nền tảng quan hệ tôn trọng các giá trị văn hóa, truyền thống, ý chí của các quốc gia, dân tộc", nữ tỷ phú thông tin.
Ghi dấu ấn ở thị trường trong nước và quốc tế, HDBank đã có hành trình đổi mới không ngừng nghỉ trong hơn 10 năm qua, với tốc độ tăng trưởng cao, bình quân 25-30%/năm, chất lượng tài sản tốt, chỉ tiêu tài chính an toàn và bền vững. Đó là nền tảng để HDBank tiếp tục chinh phục các mục tiêu thách thức hơn, bằng những hành động cụ thể.
6 chương trình hành động để thúc đẩy tăng trưởng của HDBank
Theo bà Nguyễn Thị Phương Thảo, HDBank đang triển khai các chương trình tăng tốc, bứt phá, thúc đẩy tăng trưởng và kiểm soát lạm phát.
Thứ nhất, tái cấu trúc Ngân hàng TNHH Một thành viên Đông Á trở thành ngân hàng số thế hệ mới, qua đó sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp và người dân trên khắp cả nước, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận nguồn vốn với chi phí thấp nhất, thủ tục đơn giản nhất thông qua kênh số.
Thứ hai, hỗ trợ thúc đẩy và cung cấp nguồn vốn cho các doanh nghiệp trong các chương trình nâng cao năng suất lao động và ứng dụng công nghệ như AI, Bigdata, Blockchain.
Thứ ba, tham gia tài trợ các dự án thúc đẩy đầu tư công, hạ tầng giao thông, logistics, các tuyến cao tốc, hạ tầng hàng không, cảng biển. Tài trợ vốn cho các hệ thống logistics thông minh, giảm chi phí vận chuyển, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt. Tài trợ vốn cho các doanh nghiệp ngành du lịch dịch vụ, ưu tiên ứng dụng công nghệ số, kết nối với các hệ sinh thái tiêu dùng hiện đại trên thế giới.
Thứ tư, hỗ trợ khai phá những khu vực tạo động lực mới cho tăng trưởng, ưu tiên tài trợ cho các hoạt động chuyển đổi số, xây dựng kinh tế số, phát triển thanh toán không tiền mặt, đẩy mạnh thương mại điện tử, tài chính số, ngân hàng số.
Thứ năm, thúc đẩy tín dụng xanh, đầu tư vào năng lượng tái tạo và hạ tầng thông minh, kinh tế tuần hoàn. Thành lập và hỗ trợ hoạt động của quỹ đầu tư AI, quỹ đầu tư đổi mới sáng tạo và Blockchain nhằm xây dựng các sản phẩm công nghệ "Make-in-Vietnam". Sẵn sàng nguồn vốn tài trợ cho các doanh nghiệp, ưu tiên lĩnh vực bán dẫn, công nghệ cao.
Thứ sáu, triển khai các giải pháp thanh toán không tiền mặt và khuyến khích sử dụng phương tiện công cộng giảm chi phí, tăng cường minh bạch, thúc đẩy thương mại điện tử, tăng năng suất lao động, giảm ùn tắc giao thông, giảm ô nhiễm môi trường và phát triển giao thông công cộng bền vững.
Trong năm 2024, HDBank có tổng tài sản gần 700.000 tỷ đồng, phục vụ hơn 30 triệu khách hàng trên 63 tỉnh thành, tỷ lệ an toàn vốn đạt trên 14%; tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát dưới 1,5%; cung cấp cho nền kinh tế khoảng 420.000 tỷ đồng nguồn vốn tín dụng. Năm 2024, HDBank đóng góp cho ngân sách 5.200 tỷ đồng. Các doanh nghiệp của hệ sinh thái liên quan tới HDBank tham gia đóng góp trên 15.000 tỷ đồng cho ngân sách không bao gồm tiền sử dụng đất; tạo 24.000 việc làm trong ngành ngân hàng, trên 40.000 việc làm trong doanh nghiệp.
HDBank bên cạnh việc tăng cung cấp nguồn vốn, dư nợ cho các khu vực truyền thống tiếp tục tăng trưởng và chiếm tỷ trọng chính trong tổng dư nợ như khu vực nông nghiệp nông thôn, vùng sâu vùng xa, doanh nghiệp vừa và nhỏ, chuỗi cung ứng, bất động sản công nghiệp, nhà ở xã hội, tài chính vi mô.