1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Hai bài toán của “đại huyệt” kinh tế

(Dân trí) - Một doanh nhân ví nền kinh tế mỗi quốc gia giống như các huyệt đạo trong cơ thể con người. Sự khỏe mạnh hay ốm yếu phụ thuộc vào sự lưu thông khí huyết của các huyệt đạo.

Huyệt nào quan trọng, thì mức độ ảnh hưởng nghiêm trọng và cũng như vậy, huyệt nào ít quan trọng hơn thì sự ảnh hưởng cũng ít nghiêm trọng hơn.

Trong bản đồ “huyệt đạo” kinh thế thế giới, đại huyệt hiện đang là Mỹ, nước có GDP 14,3 ngàn tỉ USD trong năm 2008. Thứ đến Nhật bản, Tây âu và các nước trong khối công nghiệp phát triển. Sau đó là nền kinh tế các quốc gia mới nổi như Trung Quốc, Braxin, Nga, Ấn Độ...

Do đó, mỗi lần nền kinh tế của đại huyệt biến động thì ngay lập tức, cả thế giới biến động theo mà mức độ tùy thuộc vào tiềm năng nội tại cộng với sự điều hành hợp lý của mỗi quốc gia.

Vì vây, việc xác định Việt Nam ta nằm ở khoảng nào trong các “huyệt đạo” kinh tế thế giới là câu hỏi mà không chỉ các nhà quản lý, các nhà hoạch định chính sách phải tìm bằng được câu trả lời.

Nó chính là con đường dẫn tới đáp số cho bài toán về sự tác động của nền kinh tế thế giới đối với Việt Nam. Vả lại. không biết mình đang đứng ở đâu thì làm sao có mốc để tính đến con đường phát triển?

Ở trong nước, có thể xác định rất rõ Hà Nội và TPHCM chính là hai “đại huyệt” của cơ thể kinh tế Việt Nam. Nếu một trong hai đại huyệt này ốm yếu hay suy thoái, hậu quả sẽ ảnh hưởng có tính quyết định đến cơ thể kinh tế đất nước.

Do vị trí và sứ mệnh mà hai đại huyệt nằm ở hai đầu đất nước này có trách nhiệm không chỉ xốc dậy nền kinh tế của các huyệt khác mà còn phải bình ổn nền kinh tế mỗi khi có biến động từ kinh tế thế giới.

Có lẽ xác định được đúng vai trò của mình nên kỳ họp HĐND của TPHCM vừa qua đã đặt vấn đề quyết tâm bình ổn và phát triển kinh tế trong năm 2009.

Tại Kỳ họp lần thứ 17, HĐND Hà Nội khóa VIII, một trong các mục tiêu quan trọng được đặt ra cũng là tập trung phát triển kinh tế.

Theo báo cáo của HĐND TP Hà Nội thì năm 2008, dù gặp rất nhiều khó khăn nhưng kinh tế trên địa bàn thành phố vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng khá cao, cơ cấu chuyển dịch theo hướng tích cực.

Tổng sản phẩm nội địa sau khi mở rộng dự kiến tăng 10,58%, giá trị sản xuất công nghiệp tăng 12,8%, khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng 16%, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 6.936 triệu USD, tăng 35,5%...

Phát biểu tại kỳ họp, Bí thư Thành Ủy Phạm Quang Nghị đã nêu quyết tâm của thành phố là tiếp tục cùng Chính phủ kiềm chế lạm phát, ngăn ngừa suy thoái kinh tế, đặc biệt duy trì tăng trưởng kinh tế ổn định và bền vững.

Như vậy từ hai “đại huyệt” kinh tế nước nhà đã và đang có những quyết tâm rất lớn cho sự phát triển của năm 2009. Tuy nhiên, quyết tâm vẫn chưa đủ nếu chúng ta không có những giải pháp đúng và đủ mạnh.

Ví như việc Chính phủ bỏ ra 1 tỉ USD để bình ổn kinh tế so với các nước phát triển không phải là lớn nhưng so với nền kinh tế Việt Nam, đó là con số khổng lồ sau nhiều thời gian tích góp.

Thế nhưng làm thế nào để các doanh nghiệp vừa và nhỏ, nơi giải quyết rất nhiều công ăn việc làm cho người lao động được hưởng sự hỗ trợ này là bài toán mà hai “đại huyệt” kinh tế đang cần phải giải.

Bùi Hoàng Tám