1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Hà Tĩnh: Người làm bánh đa nem "xoay như chong chóng" vẫn không đủ bán

(Dân trí) - Càng giáp Tết, không khí tại làng bánh đa nem Thạch Hưng (Tp Hà Tĩnh) càng tất bật. Làm ngày, cày đêm… nhưng nguồn cung vẫn không thể đáp ứng được nhu cầu trong nước tăng cao trong những ngày này.

Mới 4h sáng, trên những con đường vào các thôn tại xã Thạch Hưng đã tập nập chẳng khác gì phiên chợ tỉnh. Người ra kẻ vào, tiếng máy, tiếng thợ làm bánh huyên náo cả một vùng. Đã thành lệ từ nhiều năm nay, vào những ngày giáp Tết cả làng làm bánh đa nem gần như thức trắng.

Trước đây, Thạch Hưng vốn nổi tiếng với nghề làm bánh tráng (bánh đa). Nghề làm bánh đa nem chỉ manh mún nhỏ lẻ. Nhưng từ khoảng 5 năm lại đây, nhu cầu về bánh đa nem ngày càng tăng cao. Không chỉ trong tỉnh mà nhiều thị trường lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ… cũng được tiêu thụ mạnh. Nhận thấy tiềm năng từ thị trường làm bánh đa nem nên bà con dần chuyển hẳn sang làm nghề này.


Lên khuôn, cắt bánh

Lên khuôn, cắt bánh

Chị Trần Thị Hoài Thanh, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã cũng là một thành viên của Tổ hợp tác xã làm bánh đa nem cho biết: “Sở dĩ bánh đa nem ở đây được thị trường đón nhận do chất lượng bánh nổi trội hơn so với nhiều loại bánh sản xuất nơi khác. Bánh duy nhất được làm từ gạo và nước. Hoàn toàn không có các phụ gia. Chất lượng bánh mỏng và dai, khi sử dụng làm thức ăn không có vị chua”.

Cũng theo chị Thanh, thành phần chính của bánh là gạo được ngâm từ tối hôm trước, đến sáng sớm hôm sau sẽ bắt đầu công đoạn xay bột, tráng bánh. Bánh sau khi tráng xong được trải trên từng tấm phên (hay còn gọi là giàng) được làm bằng tre. Quá trình phơi bánh cũng quyết định không nhỏ đến chất lượng bánh, bởi nếu gặp trời mưa bánh sẽ bị mốc, nếu trời nắng to hoặc quá hanh khô bánh sẽ bị ròn, nứt vỡ.

Mất khoảng 2h đến 3h (tuỳ theo thời tiết) là có thể phơi xong một mẻ bánh. Khi bánh đã đủ khô, người ta tiến hành bóc bánh ra khỏi phên để thực hiện công đoạn cắt.

Trong điều kiện thời tiết không thuận lợi, mưa nhiều như những ngày giáp Tết, các chủ cơ sở phải dùng quạt, máy sấy. Phương pháp này khiến bánh lâu khô hơn phải mất từ 10 -12h đồng hồ. Tuy nhiên, chất lượng bánh vẫn đảm bảo sự dai giòn.

Càng giáp Tết, làm ngày làm đêm nhưng các cơ sở vẫn không đủ để phục vụ thị trường Tết trong nước
Càng giáp Tết, làm ngày làm đêm nhưng các cơ sở vẫn không đủ để phục vụ thị trường Tết trong nước

Bánh được buộc thành từng chục hay từng trăm tùy vào đơn đặt hàng và lúc này đã hoàn thành xong quy trình sản xuất bánh. Cứ như vậy, người dân lại ngâm gạo để chuẩn bị cho mẻ bánh vào sáng ngày hôm sau.

Trước đây, sản xuất bánh đa nem chủ yếu theo lối tráng bánh thủ công nhưng một vài năm lại đây nhiều hộ dân đã đầu tư mua dây chuyền máy tráng bánh. Hiện, toàn xã có 12 máy tráng bánh đa nem với gần 90 hộ dân tham gia tráng bánh.

Theo ông Phan Tiến Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Hưng (TP Hà Tĩnh) cho biết: "Trung bình mỗi ngày, các chủ máy có thể tráng được 2 tạ gạo. Trừ chi phí, thu nhập khoảng hơn 1 triệu đồng/ngày".

Không chỉ các chủ máy mà lực lượng nhân công cũng có thu nhập khá với nghề này. Chị Dương Thị Thanh, chủ lò tráng bánh ở thôn Trung Hưng cho hay: “Mỗi máy có khoảng 6 đến 7 chị em tráng thủ công. Trung bình mỗi chị tráng 2.000 – 3.000 bánh/ngày, thu nhập khoảng 150 – 250 nghìn đồng. Nghề tráng bánh đa nem đã giải quyết việc làm tại chỗ và tăng thu nhập cho chị em phụ nữ địa phương”.

Những ngày này, Tết nguyên đán càng đến gần, bánh đa nem Thạch Hưng càng được dịp lên ngôi. Ngày thường, giá bánh chỉ từ 14 – 15 nghìn/100 bánh nhưng đến thời điểm này, giá bánh đã đội lên 18 – 20 nghìn.

Bánh đa nem Hà Tĩnh đang được thị trường trong nước đón nhận
Bánh đa nem Hà Tĩnh đang được thị trường trong nước đón nhận

Mặc dù đội giá lên cao là vậy, nhưng tại thời điểm này nhiều nơi sản xuất không nhận thêm đơn hàng do không thể đáp ứng được. “Gần 2 tháng nay cả nhà tôi gần như thức trắng mà vẫn không đủ bánh để bán. Đơn hàng cũ giờ vẫn còn rất nhiều, mặc dù đã tăng lượng nhân công nhưng vẫn không thể đáp ứng các đơn hàng mới”, chị Nguyễn Thị Thủy (xóm Bình) cho hay.

“Gần như một ngày ngủ được vài tiếng. Nói không điêu chứ, ai làm nghề này gần Tết cứ xoay như chong chóng, mệt nhưng phải cố cho đủ đơn hàng cũ, chứ đừng nói là nhận thêm đơn hàng mới”, chị Thanh nói thêm.

Được biết, bình quân những ngày này, mỗi cơ sở vừa và nhỏ nhập từ 15.000 - 20.000 bánh cho thị trường trong nước. Các cơ sở lớn, nhân công nhiều thì con số này gấp đôi, có khi gấp ba lần.

Phượng Vũ

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm