Hà Tĩnh: Loại bỏ gần 400 hợp tác xã hoạt động "lay lắt"
(Dân trí) - Không để 388 Hợp tác xã (HTX) yếu kém, "sống vất vưởng" ảnh hưởng chung tới kinh tế của địa phương, Ban Chỉ đạo Kinh tế tập thể tỉnh Hà Tĩnh quyết tâm loại bỏ số HTX này trước 15/9/2020.
Theo Ban chỉ đạo Kinh tế tập thể Hà Tĩnh, đến ngày 30/7/2020, toàn tỉnh Hà Tĩnh có gần 4.500 tổ hợp tác, trong đó có 1.311 HTX, 3.091 tổ hợp tác, 32 quỹ tín dụng đăng ký hoạt động. Các tổ hợp tác chủ yếu hoạt động trên lĩnh vực: Nông, lâm, ngư nghiệp; Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; Môi trường và thương mại tổng hợp.
Sau khi thành lập, các tổ hợp tác đã đầu tư vốn, áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, góp phần giúp Hà Tĩnh chuyển dịch cơ cấu sản xuất, cơ cấu kinh tế sang sản xuất hàng hóa quy mô vừa và lớn.
Kinh tế hợp tác đã giải quyết hàng ngàn lao động, tăng nguồn thu cho địa phương, giúp bức tranh kinh tế ở cả thành thị và nông thôn có bước khởi sắc rõ nét.
Mặc dù vậy, theo Ban chỉ đạo Kinh tế tập thể Hà Tĩnh, những nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên gồm: quy mô các tổ hợp tác còn nhỏ; năng lực quản trị, điều hành còn yếu; thiếu vốn, thiếu đất đai, trụ sở; mẫu mã, sản phẩm thiếu cạnh tranh...
Đặc biệt, theo Ban chỉ đạo Kinh tế tập thể Hà Tĩnh, hiện tỉnh này có đến 450 HTX yếu kém, thuộc diện phải giải thể. Đến thời điểm này mới chỉ có 62 HTX bị giải thể, một lượng lớn HTX vẫn sống "vất vưởng", nợ đọng vốn và thuế, gây lãng phí rất lớn về đất đai, nguồn lực con người.
Ban chỉ đạo Kinh tế tập thể Hà Tĩnh chỉ ra nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng các HTX yếu kém chậm bị giải thể là do sự yếu kém, chưa quyết liệt của các địa phương.
Với quyết tâm loại bỏ khối HTX yếu kém này, đảm bảo HTX hoạt động đúng luật, hiệu quả, bền vững, tại Hội nghị Ban Chấp hành lần thứ 9 của Liên minh HTX Hà Tĩnh tổ chức vào chiều 10/8, Ban chỉ đạo Kinh tế tập thể Hà Tĩnh đã nêu quyết tâm hoàn thành việc giải thể số HTX thuộc diện giải thể còn lại trước ngày 15/9/2020.