Kinh tế hợp tác xã Việt Nam nhỏ, siêu nhỏ và chưa minh bạch
(Dân trí) - Theo đánh giá của Liên minh hợp tác xã (HTX) Việt Nam, phần lớn HTX có quy mô nhỏ, siêu nhỏ. Nhiều HTX yếu về năng lực tài chính, công nghệ lạc hậu, thiếu nhân lực có trình độ chuyên môn cao, năng lực quản trị hạn chế, chưa minh bạch.
Hôm qua (30/9), tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ - Trưởng Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển kinh tế tập thể (KTTT), HTX - đã chủ trì Hội nghị toàn quốc tổng kết 15 năm triển khai Nghị quyết số 13-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 5 khoá IX trong lĩnh vực phát triển HTX phi nông nghiệp.
Liên minh HTX cho biết, kinh tế tập thể, HTX trong lĩnh vực phi nông nghiệp tiếp tục phát triển về số lượng, quy mô, chất lượng và hiệu quả hoạt động. Số lượng thành viên được mở rộng, cuối năm 2018 có 3,1 triệu, tăng 3 lần so với năm 2003; vốn điều lệ, giá trị tài sản, doanh thu, tiền lãi đều tăng từ 03 - 5,2 lần.
Tỷ lệ HTX hoạt động có hiệu quả đạt 50% - 83%, mang lại hiệu quả thiết thực cho thành viên, đóng góp ngày càng tích cực cho phát triển kinh tế, an sinh xã hội, ổn định chính trị cơ sở, xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững.
Liên minh HTX cho rằng, những hạn chế trong lĩnh vực phát triển HTX phi nông nghiệp là vấn đề đáng chú ý. Trong đó, một số bộ quản lý, cấp uỷ và chính quyền địa phương, tổ chức chính trị - xã hội chưa quan tâm đúng mức đối với phát triển KTTT trong lĩnh vực phi nông nghiệp; chưa xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển, chưa nắm bắt và xử lý kịp thời khó khăn, vướng mắc của HTX.
Bộ máy quản lý HTX còn lồng ghép; thống kê, theo dõi, đánh giá, kiểm tra, giám sát đối với HTX phi nông nghiệp còn yếu; ban hành các văn bản thi hành Luật HTX còn chậm; giám sát thi hành pháp luật về HTX chưa thường xuyên; chính sách và bố trí nguồn lực hỗ trợ cho kinh tế tập thể trong lĩnh vực phi nông nghiệp chưa được chú trọng và rất hạn chế.
Số lượng các loại hình KTTT trong lĩnh vực phi nông nghiệp còn thấp so với nhu cầu và tiềm năng liên kết, hợp tác, phát triển trong ngành công nghiệp và dịch vụ. Phần lớn HTX có quy mô nhỏ, siêu nhỏ, nhiều HTX yếu về năng lực tài chính, công nghệ lạc hậu, thiếu nhân lực có trình độ chuyên môn cao, năng lực quản trị hạn chế, chưa minh bạch...
Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh Nghị quyết 13 ban hành năm 2002 nêu: “KTTT hiện nay còn nhiều mặt yếu kém, năng lực nội tại hạn chế...”. Tới năm 2013, sau khi cả nước tổng kết 10 năm thực hiện phát triển KTTT, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 56 vẫn còn đánh giá “KTTT vẫn chưa thoát khỏi tình trạng yếu kém kéo dài” với chỉ 15% tổng số HTX hoạt động hiệu quả, cá biệt có nơi chỉ 10%.
Với kết quả hoạt động hiện nay của KTTT, Phó Thủ tướng nhận định: “HTX đã thoát khỏi tình trạng yếu kém và chất lượng, số lượng được nâng lên”. Tuy nhiên, dựa vào thực tiễn của đất nước và bài học của các quốc gia trên thế giới, KTTT ở Việt Nam vẫn chưa tương xứng với vị thế và vai trò vốn có đối với nền kinh tế quốc dân. Số lượng HTX nhiều nhưng đa phần manh mún, nhỏ lẻ, chưa đúng với xu hướng ở các nước khác.
Lãnh đạo Chính phủ cho rằng, vẫn còn những nhận thức khác nhau về HTX khi có nơi coi HTX là doanh nghiệp, có nơi coi là tổ chức kinh tế-xã hội. Đó là sự lúng túng về địa vị pháp lý của HTX.
Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, địa phương kiện toàn, tổ chức lại bộ máy quản lý Nhà nước đối với KTTT, HTX, tạo sự thống nhất từ Trung ương đến địa phương nhằm khắc phục tình trạng chồng chéo, phân tán trong quản lý Nhà nước…
Châu Như Quỳnh