Hà Nội và TPHCM chưa hấp dẫn giới doanh nhân

Tạp chí The Economist vừa thực hiện một cuộc khảo sát 127 thành phố trên thế giới nhằm xếp hạng những điểm đến tốt nhất và tệ nhất cho các chuyến công tác của doanh nhân. TPHCM và Hà Nội cũng nằm trong bảng xếp hạng nhưng ở những vị trí thấp.

Vancouver, Calvary và Toronto là ba thành phố lớn của Canada đã chiếm vị trí nhất, nhì và ba trong danh sách này. Đây không hẳn là những nơi có chi phí thấp nhất cho các chuyến công tác của các nhà kinh doanh (thành phố Karachi của Pakistan nắm giữ vị trí này), mà là có nhiều yếu tố khác làm họ hài lòng.

Hai thành phố lớn của Việt Nam là TPHCM và Hà Nội cũng được xếp vào bảng xếp hạng năm 2006.

TPHCM thứ hạng 105 với 39 điểm, cao hơn New Delhi của Ấn Độ còn Hà Nội thứ hạng 112 với 42,5 điểm, trên Phnom Penh của Campuchia.

Nhiều cuộc khảo sát trước đây tập trung vào vấn đề chi phí để xếp hạng. Tuy nhiên, The Economist lần này chú ý những yếu tố làm cho nhà kinh doanh hài lòng và yên tâm. Họ tập trung đánh giá điều kiện tổ chức hội nghị, hội thảo, huấn luyện hay gặp gỡ đối tác làm ăn. Tội phạm, môi trường, giao thông và giải trí cũng là những vấn đề được quan tâm, đặc biệt là quãng đường từ sân bay đến nơi lưu trú hoặc cơ sở vật chất của khách sạn.

Chi phí tại các thành phố của Canada được đánh giá khá tốt. Điểm cách biệt lớn nhất giữa những thành phố ở Canada là việc phát triển mạnh các cơ sở hạ tầng và những đặc trưng về văn hóa cũng là điểm hấp dẫn các doanh nhân trên thế giới.

Trong khi đó, những thành phố có chi phí thấp như Karachi không phải là địa điểm lý tưởng cho các nhà kinh doanh dừng chân khi tham gia hội họp, vì không an toàn. Đó là lý do Karachi bị xếp hạng áp cuối, chỉ hơn các thành phố không mến khách như Lagos (Nigeria) và Port Moresby (Papua New Guinea).

London, trung tâm kinh doanh lớn thế giới và là một trong những thành phố được doanh nhân viếng thăm nhiều nhất, đứng thứ 72 - gần hạng với Dubai của Các tiểu vương quốc Ảrập Thống nhất (UAE). London là một trong những thành phố lạnh nhất thế giới, cơ sở hạ tầng giao thông vận tải quá tải, tội phạm ngày càng tăng.

Tiêu chí tính điểm cho mỗi thành phố:

1. Tình hình an ninh (25%): Những điểm đến hầu như không có các cuộc bạo loạn, đặc biệt là những đe dọa khủng bố.

2. Điều kiện chăm sóc y tế (10%): Áp dụng theo những tiêu chuẩn chăm sóc y tế do Ngân hàng Thế giới đưa ra.

3. Văn hóa và môi trường (25%): Tình trạng thời tiết thất thường; những rào cản về xã hội hay tôn giáo; thức ăn và đồ uống; cơ sở vật chất của những khách sạn chất lượng cao. 4. Cơ sở vật chất (20%): Chất lượng mạng lưới giao thông công cộng trong nước cũng như quốc tế; khoảng cách đi lại ở một sân bay gần nhất.

5. Chi phí (20%): Bao gồm nhiều khoản như ăn uống ở các nhà hàng, quán bar; cước phi taxi, quãng đường từ sân bay đến trung tâm nếu đi bằng taxi; báo chí phục vụ thông tin (chẳng hạn như tạp chí Time hay những loại tương đương), tiền xăng dầu.

Theo SGTT