Hà Nội: Thu hồi đất dự án "chây ỳ" quá 12 tháng không đưa vào sử dụng
(Dân trí) - Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội vừa có đề nghị thành phố Hà Nội thu hồi đất của trường hợp chủ đầu tư, tổ chức, cá nhân chây ỳ không thực hiện các dự án theo quy định đã được cấp phép.
Cụ thể, trong buổi làm việc mới đây, Sở TN&MT Hà Nội cho biết cơ quan này đã phối hợp thanh tra các dự án không sử dụng đất trong 12 tháng và đất sử dụng sai mục đích, cho thuê, chuyển nhượng trái phép.
Qua kiểm tra, cơ quan này đã phát hiện một số trường hợp chủ đầu tư, cá nhân được nhận bàn giao đất trên thực địa, do cơ quan chức năng giải phóng mặt bằng sạch giao cho để tiến hành xây dựng dự án được phê duyệt. Tuy nhiên, có hiện tượng DN không tiến hành xây dựng dự án như quy định, sử dụng đất sai mục đích được cơ quan chức năng phê duyệt.
Sở đã báo cáo đề xuất UBND Thành phố chỉ đạo, đối với các trường hợp chủ đầu tư chây ỳ không thực hiện dự án theo quy định, Sở sẽ phối hợp với UBND quận, huyện, thị xã (nơi có dự án) lập hồ sơ thu hồi đất theo quy định của pháp luật.
Đối với các dự án chậm đưa đất vào sử dụng quá 12 tháng liền kể từ khi nhận bàn giao đất ngoài thực địa có những lý do khách quan thì cho phép gia hạn thời gian thực hiện là 6 tháng. Còn với các dự án có vấn đề vướng mắc về quyền lợi, đề nghị người mua nhà làm việc với chủ đầu tư để giải quyết vướng mắc hoặc có thể khởi kiện tại Tòa án nhân dân cấp có thẩm quyền giải quyết.
Hiện quy định Luật Đất Đai 2013 quy định rất rõ, một trong những trường hợp Nhà nước quyết định thu hồi đất là do tổ chức, cá nhân sử dụng đất vi phạm pháp luật về đất đai. Cụ thể, đất được Nhà nước giao, cho thuê để thực hiện dự án đầu tư mà không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục hoặc tiến độ sử dụng đất chậm 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa phải đưa đất vào sử dụng thì bị thu hồi nếu không gia hạn.
Còn đối với trường hợp không đưa đất vào sử dụng thì chủ đầu tư được gia hạn sử dụng 24 tháng và phải nộp cho Nhà nước khoản tiền tương ứng với mức tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với thời gian chậm tiến độ thực hiện dự án trong thời gian này. Hết thời hạn được gia hạn mà chủ đầu tư vẫn chưa đưa đất vào sử dụng thì Nhà nước thu hồi đất mà không bồi thường về đất và tài sản gắn liền với đất, trừ trường hợp do bất khả kháng.
Thời gian qua, các địa phương như TP.HCM, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Đồng Nai cũng quyết định thu hồi đất dự án của các chủ đầu tư chậm triển khai, đưa dự án vào xây dựng dù đã có mặt bằng sạch. Các vướng mắc về tài chính của chủ đầu tư cũng không được các địa phương xem xét là tiêu chí gia hạn thời gian cấp phép dự án.
Hiện, Hà Nội còn khá nhiều dự án được cấp phép xây dựng, phê duyệt nhưng một là không triển khai theo đúng kế hoạch hoặc triển khai dở dang do chủ đầu tư gặp khó khăn về tài chính. Điển hình trong số đó là các dự án văn phòng cho thuê và chung cư cao cấp từ năm 2008 đến nay do khủng hoảng giá nhà đất ở và việc giá văn phòng cho thuê tại Hà Nội giảm mạnh.
Các dự án văn phòng cho thuê điển hình là các tòa nhà văn phòng như Dự án Văn phòng cho thuê 198B Tây Sơn (Đống Đa); tháp văn phòng Apex Tower và tòa tháp Vicem Tower (Nam Từ Liêm); dự án Apex Tower; dự án tháp văn phòng HUD Tower (Nam Từ Liêm)...
Bên cạnh đó, Hà Nội còn có nhiều dự án chung cư, nhà ở điển hình về thời gian thực hiện dự án kéo dài, quá thời gian bàn giao nhà, hạ tầng, trong đó tai tiếng nhất là dự án Khu đô thị Usilk city (Q. Hà Đông); khu đô thị mới Vân Canh (huyện Hoài Đức); tòa chung cư Ellipse Tower (Q. Hà Đông)...
Trong năm 2015, Sở Xây Dựng Hà Nội cũng kiến nghị TP.Hà Nội xử lý thu hồi các dự án chậm triển khai, xây dựng. Số dự án đã có quyết định giao đất, cho thuê đất nhưng chưa đưa đất vào sử dụng trong 12 tháng liền kể từ ngày bàn giao đất trên thực địa là 30 dự án. Tổng số dự án đã được Nhà nước giao đất, cho thuê đất nhưng thực hiện chậm hơn 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư được phê duyệt gồm 17 dự án. Số dự án chưa phù hợp với quy hoạch chung, quy hoạch phân khu là 41 dự án và 65 dự án thuộc địa bàn tỉnh Hà Tây cũ và Vĩnh Phúc trước đây phải điều chỉnh theo quy hoạch mới khi sát nhập về Hà Nội.
Nguyễn Tuyền